Tăng số cầu thủ ngoại binh tại V-League 2019: Chớ tham bát mà bỏ mâm

Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều năm qua, ở các câu lạc bộ, các cầu thủ ngoại (bao gồm cầu thủ nhập tịch) ngày càng được giao trọng trách ghi bàn. Mùa giải năm nay, số lượng ngoại binh của mỗi câu lạc bộ tăng lên. Liệu tiền đạo nội vốn lép vế, nay "lép" hẳn?

V-League 2019 đã trải qua ba vòng đấu, số liệu chuyên môn đều cho thấy chất lượng, độ hấp dẫn của giải khá cao. Nhiều người nhận định, ngoài việc hiệu ứng từ U23 cách đây một năm thì các ngoại binh cũng góp phần làm tăng chuyên môn cũng như chất lượng giải đấu.
Thay đổi để bắt nhịp
Tại V-League 2019 số lượng ngoại binh được đăng ký và sử dụng trên sân đã được tăng lên so với cách đây một năm. Theo đó, ngoài một cầu thủ Việt Nam gốc nước ngoài (cầu thủ nhập tịch), mỗi CLB tham dự V-League 2019 sẽ được đăng ký tối đa 3 cầu thủ nước ngoài (tăng một cầu thủ so với V-League 2018).
Rất nhiều cầu thủ ngoại thi đấu trong các câu lạc bộ tại Việt Nam hiện nay. Ảnh: Phạm Hùng
Cùng với đó, riêng hai CLB là Hà Nội FC và Becamex Bình Dương là những đội tham dự đấu trường châu lục nên được đăng ký tối đa 4 cầu thủ ngoại, trong đó có tối thiểu 1 cầu thủ châu Á (bao gồm Australia).
Trải qua gần 20 năm bước lên chuyên nghiệp, việc sử dụng ngoại binh cũng như sự thay đổi số lượng cho thấy bóng đá Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực, thu hút được cầu thủ chất lượng hơn ở rất nhiều của các quốc gia khác nhau đến thi đấu.
Bên cạnh đó, việc tăng suất ngoại binh cũng chứng tỏ phần nào bắt nhịp hơn với các nước trong khu vực. Các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore…đã sử dụng các ngoại binh từ hàng chục năm nay. Nói vậy không có nghĩa là các cầu thủ của họ không chất lượng. Nhìn một cách khách quan, có cầu thủ ngoại thi đấu ở giải là cơ hội cho các cầu thủ nội, đặc biệt đối với cầu thủ trẻ được trải nghiệm, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm.
Khi bóng đá ngày càng phát triển theo chiều hướng thương mại, chắc chắn sự thay đổi là điều dễ hiểu và cần thiết để bắt nhịp với mặt bằng chung của bóng thế giới. Và quan trọng sự thay đổi nào là cần thiết và phù hợp để “tăng tính hấp dẫn của giải đấu”.
Tìm cơ hội cho cầu thủ nội
Cầu thủ nội không hề kém cạnh về chuyên môn quá nhiều so với các ngoại binh. Trải qua năm 2018, bóng đá Việt Nam thành công vang dội ở các đấu trường khu vực và châu lục, đó là cơ sở để nhận định rằng các cầu thủ Việt có đủ chuyên môn để cạnh tranh với những cầu thủ ngoại đẳng cấp cao.
Những cái tên thuộc “thế hệ vàng” như Công Phượng, Quang Hải, Văn Hậu, Xuân Trường, Văn Lâm… đang khẳng định điều này. Nhưng câu hỏi đặt ra: Tại sao các CLB vẫn còn quá phụ thuộc vào các ngoại binh? Câu trả lời có thể là do vấn đề thành tích của các CLB được đề cao, và các ngoại binh là những nhân tố quan trọng để các đội bóng hoàn thành mục tiêu trong mùa giải.
V-League 2019 chỉ mới trải qua 3 vòng đấu, những số liệu thống kê cho thấy các cầu thủ ngoại đã vượt trội về các chỉ số, từ ghi bàn cho đến kiến tạo. Sức ảnh hưởng cũng như tầm quan trọng của ngoại binh tại các CLB ở Việt Nam hiện nay là quá lớn. Từ thể hình, thể lực đến công tác đào tạo tại các nền bóng đá nước ngoài được đánh giá cao hơn so với Việt Nam nên các chân sút nội khó mà có cửa cạnh tranh với những “ông Tây”.
“Theo tôi biết năm ngoái mỗi CLB ở giải V-League chỉ được dùng 2 ngoại binh, năm nay lại tăng lên thành 3. Hiện V-League đến 70 - 80% tiền đạo là cầu thủ ngoại, nếu cứ duy trì thì sẽ rất khó để Việt Nam có tiền đạo tốt. Chúng ta cần xem việc dùng nhiều tiền đạo ngoại thì ảnh hưởng thế nào với bóng đá Việt Nam” - HLV Park Hang Seo cho biết.
Có thể thấy, việc tăng hay giảm ngoại binh đến lúc này không chỉ đơn thuần là câu chuyện về “tính hấp dẫn của giải đấu” hay chuyên môn và chất lượng đội hình của các CLB, mà còn liên quan trực tiếp đến sự phát triển cũng như tương lai của bóng đá Việt Nam, đến chất lượng đội tuyển quốc gia khi tham gia các đấu trường châu lục.