Tăng tính minh bạch của hoạt động tố tụng hình sự

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 30/3, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 16, thẩm tra Dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).

Trong đó, vấn đề bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội, các biện pháp chống bức cung, nhục hình... được đặc biệt quan tâm.

Dự thảo Bộ luật sửa đổi được đánh giá có nhiều nội dung đổi mới và tiến bộ so với hiện hành trên quan điểm mọi hành vi phạm tội đều phải được phát hiện và xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời, chống bỏ lọt tội phạm, chống làm oan người vô tội; tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân...
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu ý kiến.
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu ý kiến.
Thảo luận những vấn đề lớn của Bộ luật, trong đó có quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Ý kiến trong cơ quan soạn thảo cho rằng Bộ luật hiện hành đã quy định điều này: "Việc trình bày lời khai, đưa ra ý kiến hoặc chứng minh sự vô tội của mình là quyền chứ không phải là nghĩa vụ của người bị buộc tội, có thể thực hiện hoặc không thực hiện quyền này". Nhưng cũng có ý kiến muốn quy định rõ, cụ thể hơn vì đây là một trong những quyền quan trọng của người bị buộc tội. Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cho biết nhiều ý kiến trong Ủy ban đồng tình với việc quy định cụ thể "quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội". Thực tiễn cho thấy, lời khai nhận tội của những người này mà tự nguyện, không bị ép buộc do bức cung, nhục hình là cơ hội để họ ăn năn, hối cải để được hưởng chính sách khoan hồng nhân đạo của Nhà nước và tạo điều kiện để họ thực hiện quyền bào chữa, bảo vệ chính mình. Tuy nhiên, để tăng cường tính minh bạch, dễ hiểu, tạo nhận thức thống nhất trong hoạt động lấy lời khai, góp phần chống bức cung, nhục hình, cần quy định theo hướng: Người bị bắt, bị tạm giữ, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không bị ép buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc bị ép buộc phải nhận mình có tội.

Về bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, Dự thảo cũng đang theo hướng đổi mới là quy định bắt buộc phải ghi âm, ghi hình để chống bức cung, nhục hình, mớm cung, bảo đảm tính minh bạch, tăng khả năng kiểm soát đối với hoạt động tố tụng hình sự. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng điều kiện kinh tế khó khăn, chỉ ghi âm, ghi hình khi thấy cần thiết. Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cũng thấy bắt buộc ghi âm, ghi hình trong mọi trường hợp là không cần thiết, không khả thi. Nhưng để chống bức cung, nhục hình, đề nghị quy định theo hướng: Trong mọi trường hợp hỏi cung bị can đều phải lập biên bản và mọi biên bản hỏi cung đều phải được đưa vào hồ sơ vụ án, trong trường hợp cần thiết có thể ghi âm hoặc ghi hình, như trường hợp bị can kêu oan ngay từ đầu, bị can tố cáo bị bức cung, nhục hình hoặc bị can phạm tội có thể bị chung thân, tử hình.

Từ thực tế, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an TP Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tư pháp cho rằng: Quy trình là người bị tạm giữ trước khi vào trại giam được khám sức khỏe, mỗi lần ra vào để hỏi cung đều có trích xuất, hỏi cung luôn có bản tường trình, người bị hỏi cung được đọc lại lời khai và công nhận đúng, khi cần thiết đã có luật sư ở cạnh, toàn bộ quá trình điều tra của cơ quan công an đều được giám sát chặt chẽ với những chế tài khách quan, nghiêm túc. Hiện nay hệ thống tạm giam, tạm giữ, phòng hỏi cung bị can đã có camera, trong những trường hợp cần thiết vẫn ghi âm, ghi hình, có thông báo, được nghe lại và sử dụng công khai trong quá trình tố tụng như chứng cứ trước tòa.

Các đại biểu cũng đề nghị cần tổng kết thực tiễn thực hiện Bộ luật hiện hành để xem có bất cập gì ở các cơ quan tiến hành tố tụng để phòng chống tội phạm hiệu quả hơn, giảm thiểu oan sai gây bức xúc trong dư luận, đảm bảo quyền tự do của người dân theo Hiến pháp.