Tăng tốc hơn nữa cải thiện môi trường kinh doanh

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng, cải cách môi trường kinh doanh là giải pháp không thể thiếu và cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, tăng tốc hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương.

Sáng 9/12, Bộ KH&ĐT tổ chức Hội nghị “Tình hình triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP - Vấn đề và kiến nghị”.

Cải cách môi trường kinh doanh đang chững lại

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, tại Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; trong đó nhóm giải pháp thứ ba là ''Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh'', và nhóm giải pháp thứ năm là ''Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh''.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Do đó, Bộ KH&ĐT đánh giá, Nghị quyết số 02/NQ-CP và những chỉ đạo của Chính phủ về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được xem là gói hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp; qua đó tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, thời gian qua, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đã có bước cải thiện tích cực và mạnh mẽ, được giới doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đánh giá cao. Ở mức độ nhất định, doanh nghiệp và người dân cảm nhận được nỗ lực đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn nhằm phục hồi và phát triển.

Trên một số bảng xếp hạng năm 2022, thứ hạng của Việt Nam tiếp tục được cải thiện so với năm 2021. Trình độ phát triển thị trường (thể hiện qua chỉ số Tự do kinh tế) tăng 6 bậc, từ vị trí 90 lên vị trí thứ 84. Phát triển du lịch và lữ hành (theo công bố của Diễn đàn kinh tế thế giới, tháng 5/2022) cải thiện 8 bậc so với năm 2019 (từ vị trí 60 lên vị trí 52). Việt Nam được Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá là nền kinh tế dẫn đầu về mức độ cải thiện hiệu quả chỉ số này. Chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc duy trì thứ hạng 86, nhưng điểm số có cải thiện.

Từ giữa năm 2022, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do những biến động khó đoán định trên thế giới khiến chi phí đầu vào tăng cao, thị trường sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiêp phải cắt giảm sản xuất, giảm lao động; số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng; và do đó kéo theo nhiều hệ lụy xã hội. Thực tế này thể hiện qua con số 122.135 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 10 tháng năm 2022, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, áp lực và khó khăn thách thức trong những tháng cuối năm 2022 ngày càng rõ, nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh cầm chừng.

Tuy nhiên, trong khi doanh nghiệp rất cần trợ lực từ những gói cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh thì mức độ quan tâm của bộ, ngành, địa phương dường như chùng xuống; nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa đáp ứng yêu cầu như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng. Ở một số lĩnh vực, rào cản thậm chí còn nặng nề hơn, không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà cả với cán bộ thực thi. Vì thế, niềm tin của doanh nghiệp vào cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh còn mong manh.

Trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng của Việt Nam thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí suy giảm. So với năm 2021, một số chỉ số năm 2022 giảm điểm hoặc giảm bậc như: Đổi mới sáng tạo giảm 4 bậc (từ thứ 44 xuống 48); Phát triển bền vững duy trì điểm số nhưng giảm 4 bậc (từ thứ 51 xuống 55); Mức độ tham gia Chính phủ điện tử giảm điểm và giảm 2 bậc (từ thứ 70 xuống 72).

“Nhìn chung, việc cải thiện vị trí trên các bảng xếp hạng ngày càng thách thức, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế vừa trải qua giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh và đang đối mặt với nhiều biến động khó lường. Để tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng, cải cách môi trường kinh doanh là giải pháp không thể thiếu và cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và tăng tốc hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương” - Bộ KH&ĐT nhận định.

Cải cách thể chế nhất quán theo hướng thị trường

Tại hội thảo, các doanh nghiệp nêu những khó khăn như nguồn tín dụng hẹp, huy động vốn qua tất cả các kênh thị trường trở nên khó khăn hơn bao giờ hết; doanh nghiệp đói vốn, tiếp cận vốn khó khăn. Thị trường bất động sản theo đó chuyển nhanh từ nóng sang lạnh và thậm chí đóng băng cục bộ; thanh khoản suy giảm; vốn đọng lại trong bất động sản lớn. Hệ thống tổ chức tín dụng vừa hồi phục sau khủng hoảng 2009 - 2012, thì nay đang bị rung lắc mạnh, nợ xấu gia tăng.

Tình hình kinh tế sẽ còn khó khăn hơn nữa bởi những diễn biến khó lường trên thế giới khiến giá cả hàng hoá tăng. Trong khi đó, về phía cơ quan nhà nước còn chưa linh hoạt trong điều chỉnh một số chính sách và cách thức quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, một số nội dung của chương trình phục hồi không còn phù hợp.

Cải thiện môi trường kinh doanh được coi là động lực và là chìa khóa cho sự tăng trưởng. Ảnh minh hoạ
Cải thiện môi trường kinh doanh được coi là động lực và là chìa khóa cho sự tăng trưởng. Ảnh minh hoạ

Chia sẻ tại hội thảo, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Nguyễn Hoa Cương cho biết, nhiều văn bản pháp luật hiện hành chưa đảm bảo tính thống nhất, phù hợp và khả thi (nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường….) là nguyên nhân phát sinh nhiều chi phí cho doanh nghiệp và dẫn đến khó khăn cho địa phương trong giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh.

Thứ hai, bên cạnh áp lực nặng nề bởi chi phí xăng dầu, nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí BOT dày đặc, doanh nghiệp vẫn phải chịu gánh nặng như chi phí tuân thủ các quy định về điều kiện kinh doanh, phí hạ tầng cảng biển…); Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến còn nhiều hạn chế, mang tính hình thức và thiếu sự kết nối liên thông thủ tục hành chính trực tuyến giữa các cơ quan quản lý nhà nước.

Để tiếp tục chuyển biến mạnh hơn về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Bộ KH&ĐT cho rằng, các bộ ngành địa phương cần coi doanh nghiệp là trung tâm thực hiện cải cách thể chế, coi cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên. 

Các bộ ngành địa phương cần triển khai thực hiện nghiêm túc đầy đủ nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 02. Thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của quy định, chính sách. Đảm bảo kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ công chức trong thực thi công vụ, xử lý nghiêm nhũng nhiễu gây phiền hà cho doanh nghiệp. Áp dụng đầy đủ nguyên tắc về quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Kiên quyết cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm chí phí tuân thủ trên mọi lĩnh vực gắn với cải cách thủ tục hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Tăng cường năng lực của hệ thống cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp như hệ thống dịch vụ phát triển kinh doanh, vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Thường xuyên tổ chức đối thoại, trao đổi với người dân, doanh nghiệp để kịp thời nắm các phản hồi chính sách và giải quyết khó khăn, vướng mắc. Hoàn thiện chính sách và nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp khai tác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do….

Tại hội thảo, các doanh nghiệp, chuyên gia đều kiến nghị cần cải cách thể chế để nhất quán hướng theo thị trường đúng với vai trò là đột phá chiến lược; nỗ lực khôi phục lại niềm tin thị trường, niềm tin của nhà đầu tư; tăng cường quản lý, điều tiết thị trường bằng các giải pháp thị trường, không bằng mệnh lệnh hành chính, thay đổi luật pháp theo lối “giật cục”, khó đoán định, làm đứt gãy hoạt động bình thường của thị trường. Đặc biệt, cần sớm hoá giải các nỗi sợ của công chức nhà nước, nhất là ở địa phương và nhà đầu tư như sợ làm sai quy định; sợ trách nhiệm; sợ thanh tra, kiểm tra và truy cứu trách nhiệm hình sự…

Đến nay, khi mà các bất ổn toàn cầu kèm theo nguy cơ suy thoái kinh tế hiện hữu, thì sự phục hồi tăng trưởng và hiệu quả thị trường của Việt Nam cũng gặp thách thức nghiêm trọng. Đây là thời điểm rất quan trọng. Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh không chỉ giúp Việt Nam tăng cơ hội thu hút đầu tư mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế trong điều kiện bình thường mới, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây được coi là động lực và là “chìa khóa” cho sự tăng trưởng trong năm 2023 và những năm tới.