Tăng trưởng xanh đòi hỏi cơ chế và nỗ lực của doanh nghiệp

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện Việt Nam đã cam kết phát thải ròng bằng 0 để đáp ứng xu thế chung của thế giới, do vậy các doanh nghiệp phải tuân thủ nhiều quy định mới, nhưng cũng đòi hỏi cơ chế chính sách để thực hiện.

May 10 trong chiến lược phát triển đã chú trọng để xanh hóa dệt may. Ảnh: Khắc Kiên
May 10 trong chiến lược phát triển đã chú trọng để xanh hóa dệt may. Ảnh: Khắc Kiên

Thách thức và áp lực

Nhằm thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh, giải pháp giảm mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của ngành sản xuất dệt may, thép, nhựa, hóa chất, rượu bia nước giải khát, giấy... đang được nhiều doanh nghiệp triển khai. Hầu hết đều ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Tuy vậy, dù nỗ lực nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện bởi vướng nguồn lực tài chính, công nghệ, nhân lực... Do đó, cũng cần cơ chế, chính sách, ưu đãi để thực hiện.

Công nghệ đã được áp dụng tại SUNHOUSE để tối ưu sản phẩm, chống biến đổi khí hậu. Ảnh: Khắc Kiên
Công nghệ đã được áp dụng tại SUNHOUSE để tối ưu sản phẩm, chống biến đổi khí hậu. Ảnh: Khắc Kiên

Ông Hoàng Văn Tâm - (Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương) thẳng thắn, ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính phải gắn liền với bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng phát triển đồng bộ các nguồn năng lượng, khai thác và sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng, chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Từng bước kiểm soát đối với các nguồn phát thải khí nhà kính lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, tạo điều kiện cho các ngành sản xuất xanh phát triển...

Thực tế cho thấy, hiện Việt Nam đã cam kết phát thải ròng bằng 0 để đáp ứng xu thế chung của thế giới, do vậy các doanh nghiệp phải tuân thủ nhiều quy định mới, trong đó thị trường giao dịch carbon được coi là công cụ giúp doanh nghiệp giảm phát thải khí nhà kính.

Cùng với đó, các Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng tại các địa phương cũng phải sẵn sàng chuẩn bị nguồn lực tại chỗ để có thể đáp ứng công việc kiểm định phát thải khí nhà kính.
Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phân bổ lượng khí thải phải giảm cho các doanh nghiệp. Ngoài ra các doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu vào châu Âu phải thực hiện chính sách CBAM, do đó, thách thức và áp lực sẽ rất lớn.

Hướng đến mục tiêu chung

Trước vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Tăng Thế Hùng thông tin, tại Việt Nam, từ năm 2011 đến nay, nhiều luật, chiến lược, chính sách về biến đổi khí hậu đã được ban hành. Các chương trình hành động quốc gia, cấp ngành, địa phương cũng từng bước được xây dựng và triển khai thực hiện.

Trên các nhà máy của Tập đoàn Sơn Hà đều đã lắp điện mặt trời áp mái để tận dụng nguồn năng lượng tự nhiên. Ảnh: Khắc Kiên
Trên các nhà máy của Tập đoàn Sơn Hà đều đã lắp điện mặt trời áp mái để tận dụng nguồn năng lượng tự nhiên. Ảnh: Khắc Kiên

Đặc biệt, sau cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), các bộ, ngành đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều đề án, chiến lược, kế hoạch hành động, như: Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan ngành giao thông vận tải…

Đơn cử, Bộ Công Thương phê duyệt "Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Đây là bước khởi đầu quan trọng cho tiến trình dài hạn đóng góp vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam.

Kế hoạch hành động đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất và tiêu dùng bền vững, kiểm soát phát thải khí nhà kính nhằm giảm dấu vết carbon, tăng trưởng xanh trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.

“Các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu phải được lồng ghép trong mọi chương trình, kế hoạch, chiến lược phát triển ngành Công Thương nhằm đảm bảo sự thích ứng linh hoạt với các tác động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn do biến đổi khí hậu gây ra, đảm bảo cho sự phát triển, tăng trưởng ổn định của ngành, hạn chế tối đa các thiệt hại do thiên tai, bão lũ, các tác động do thời tiết, khí hậu cực đoan” – vị này nhấn mạnh.

Theo đó, hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đóng góp vào mục tiêu cam kết của Việt Nam tại COP26, đến năm 2030 giảm 30-40% phát thải khí nhà kính so với kịch bản BAU của ngành năng lượng, 100% các cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngành Công Thương tuân thủ quy định về kiểm kê khí nhà kính; Hoàn thiện các quy định, quy trình kiểm kê, kiểm soát phát thải khí nhà kính cho các ngành công nghiệp.

Bộ Công Thương cũng đặt ra mục tiêu giảm thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu; Nâng cao năng lực thích ứng với thiên tai, các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; Rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đầu tư công trình,hạ tầng cơ sở công nghiệp, thương mại, năng lượng; lồng ghép các vấn đề trong biến đổi khí hậu các quy hoạch, chiến lược.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ Công Thương đã và đang triển khai các giải pháp về quản lý, khoa học công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế và triển khai những giải pháp về đào tạo, tăng cường nguồn nhân lực kết hợp hoạt động về tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, nâng cao năng lực triển khai các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

“Hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh ngành. Đồng thời triển khai các hoạt động kiểm kê, xây dựng, quản lý vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về khí nhà kính của ngành và cơ sở; phối hợp với cơ quan có liên quan triển khai các chương trình, nhiệm vụ về ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh” – ông Tăng Thế Hùng thông tin.