Tăng tuổi nghỉ hưu: Luật hóa cả vấn đề đặc thù trong thực tiễn

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này tiếp tục có những điểm chỉnh lý được nhận định là rõ ràng, cụ thể hơn, trong đó, có phương án quy định về tuổi nghỉ hưu.

Công nhân may hàng xuất khẩu tại Công ty CP May 10. Ảnh: Thanh Hải
Hai phương án cho việc tăng tuổi nghỉ hưu
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, theo phương án Chính phủ trình, quy định về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tức là đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60. Tuy nhiên, vì còn nhiều quan điểm khác nhau và đây là vấn đề có tác động lớn đối với người lao động và thị trường lao động, nên Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã thiết kế 2 phương án để trình: Phương án 1 quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nam, nữ nhưng giao Chính phủ quy định lộ trình; còn phương án 2 là phương án do Chính phủ trình, quy định cụ thể lộ trình và tuổi nghỉ hưu ngay trong Bộ Luật.
Mỗi phương án được xác định đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Như phương án 2, đáp ứng được yêu cầu quy định cụ thể trong Luật về lộ trình cho từng năm, nhưng việc áp dụng chung cùng một lộ trình với các nhóm đối tượng lao động rất khác nhau trong thị trường lao động rất đa dạng hiện nay sẽ có tác động khác nhau. Từ đó, có thể gây ra sự phức tạp, hệ lụy cần phải được đánh giá kỹ lưỡng, cẩn trọng, nhất là, trong bối cảnh chưa tạo được sự đồng thuận cao trong dư luận người lao động, nhất là người lao động trực tiếp sản xuất.
Trong quá trình thảo luận, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với phương án 2, từ năm 2021 trở đi, nam tăng mỗi năm 3 tháng, nữ tăng mỗi năm 4 tháng, cho đến khi nam đủ 62 và nữ đủ 60. Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, lộ trình như vậy là rất thận trọng, tịnh tiến, biết được mốc thời gian để đạt được độ tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, còn nếu để Chính phủ quy định theo một lộ trình phù hợp với từng nhóm lao động rất phức tạp, sẽ khó thống kê về lao động, về số người nghỉ hưu trong từng năm. “Luật mở ra một việc rất phức tạp, không thể định trước được như vậy thì theo tôi không nên” - ông Hà Ngọc Chiến nói.
Thực tế đã rõ, nên đưa vào Luật
Nhấn mạnh việc tuổi nghỉ hưu đã quy định từ xưa rồi, đến nay sửa đổi cũng phải cụ thể, nếu sửa không cụ thể, rất khó áp dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu quan điểm, Luật phải khống chế những cái cơ bản nhất để Chính phủ triển khai thực hiện. Tuy nhiên, khung tuổi nghỉ hưu đối với nữ là 60 tuổi và nam 62 tuổi, quy định từ năm 2028 - 2035, tăng dần 3 tháng, 4 tháng một năm... cũng vẫn chưa bao quát hết các vấn đề liên quan đến tuổi nghỉ hưu trên thực tế, cũng như quy định về tuổi nghỉ hưu tại một số luật chuyên ngành. Đơn cử có những luật hiện đã quy định tuổi nghỉ hưu đối với nam là 65, thậm chí được kéo dài, với giáo sư được 70 tuổi, thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao được 65 tuổi, cán bộ nữ hàm Thứ trưởng và tương đương là 60 tuổi... “Vậy những quy định này có phải đưa vào Bộ luật Lao động không?”- ông Nguyễn Khắc Định đặt câu hỏi.
Các ý kiến cũng cho rằng, cần thiết kế để bao quát được hết, thể hiện rõ hơn vấn đề này. Đề cập đến một khoản trong Dự án Bộ Luật có giao Chính phủ quy định những trường hợp nào được làm việc kéo dài thêm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, vấn đề nào trong thực tế đã rõ ràng rồi, chứng minh được tính đúng đắn rồi thì đưa vào luật, nếu để Chính phủ hướng dẫn được là vô cùng gian nan, nhiều ý kiến khác nhau lắm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo trình cả hai phương án ra Quốc hội cho ý kiến nhưng sẽ đưa phương án Chính phủ trình lên thành phương án 1 vì rõ lộ trình, quy định, rõ trách nhiệm của Chính phủ trong Bộ Luật, không giao cho Chính phủ hướng dẫn. Những điều trái với nội dung này sẽ bãi bỏ, như thế không còn đặc thù nên không còn hướng dẫn nữa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần