Góp ý Luật Thủ đô (sửa đổi)

Tạo cơ chế, chính sách đặc thù để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững

Nhật Nam – Công Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị quyết 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 nêu, giai đoạn năm 2011 - 2020, Hà Nội chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.

Có một số điểm nghẽn như: gia tăng dân số cơ học, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng đô thị, xã hội… Từ đó, đặt ra yêu cầu dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phải tháo gỡ những điểm nghẽn để Hà Nội phát huy hết tiềm năng, thế mạnh. Báo Kinh tế & Đô thị ghi nhận ý kiến của các chuyên gia góp ý Luật Thủ đô (sửa đổi)…

Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển Đặng Huy Đông:
Đột phá trong phân cấp thay đổi toàn diện tư duy quản lý

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển Đặng Huy Đông.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển Đặng Huy Đông.

Tôi cho rằng, việc phân cấp được đề xuất trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này thực sự là đột phá, thay đổi toàn diện tư duy quản lý. Cách quản lý hiện nay dựa trên nền tảng của cơ chế quản lý từ thời kỳ bao cấp xưa. Qua quá trình đổi mới và phát triển đất nước, chúng ta chỉ chỉnh sửa, điều chỉnh theo thời gian. Triết lý quản lý vẫn từ trên xuống dưới, quản lý theo trình tự thủ tục và có nếp nghĩ rằng, “cấp trên làm cái to, cấp dưới làm cái bé”.

Một trong những nội dung quan trọng của Luật Thủ đô (sửa đổi) là thực hiện cơ chế để triển khai phát triển hệ thống đường sắt đô thị sức tải lớn tốc độ cao (MRT) theo mô hình TOD, phát triển các khu đô thị hỗn hợp tại các nhà ga của mạng lưới MRT. Đây là điểm quan trọng nhất dẫn tới đột phá của Thủ đô trong thời gian tới. Hiện nay, chúng ta đang làm ngược là xây dựng khu đô thị đi trước, khu đô thị dẫn dắt phát triển giao thông. Xây dựng khu đô thị rồi mới tính đến giao thông là làm ngược. Như vậy, tắc nghẽn giao thông là điều hiển nhiên. Không nên đổ lỗi cho khách quan mà do chủ quan của chúng ta đã đi ngược.

Nếu chúng ta tiếp tục quản lý mô hình dự án đầu tư như hiện nay là quản lý đầu vào, từng khoản chi đầu vào một và quản lý theo trình tự thủ tục thì không bao giờ chúng ta tạo được đột phát trong đầu tư xây dựng kiến thiết cơ bản cả và trong phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông.

Tôi đề xuất, mạnh dạn thí điểm mô hình là quản lý theo đầu ra, quản lý bằng kết quả đầu ra, giảm thiểu rủi ro cho cán bộ công chức nhưng đồng thời chất lượng công trình tốt, tiến độ giải ngân nhanh lên và chính tiến độ giải ngân nhanh mang lại hiệu quả đầu tư tốt hơn thì cái lợi đó còn lớn hơn nhiều. TP Hà Nội phải định vị xây dựng nền kinh tế tri thức và nền kinh tế tri thức là dựa vào chất xám, con người.

Cùng với đó, Hà Nội phải cạnh tranh về công nghiệp xanh và muốn công nghiệp xanh phát triển là phát triển tri thức nên giáo dục Thủ đô phải vượt trội, không thể nằm trong khuôn khổ một cái áo chật trội trong cái áo giáo dục cho cả nước.

Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, PGS. TS Đặng Văn Bài:
Nhiệm vụ xây dựng Hà Nội là trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành và Nhân dân cả nước

PGS. TS Đặng Văn Bài.
PGS. TS Đặng Văn Bài.

Sửa Luật Thủ đô để tạo điều kiện cho nền kinh tế thị trường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa được vận hành một cách trơn tru hơn trong lĩnh vực văn hóa và di sản văn hóa. Đặc biệt, tạo cơ sở để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội, trong đó có làng nghề thủ công truyền thống, điện ảnh, mỹ thuật, du lịch văn hóa.

Đây là tư duy rất đổi mới. Kinh tế tư nhân, kinh tế thị trường, trong các lĩnh vực kinh tế khác hoạt động mấy chục năm qua tương đối hiệu quả nhưng trong lĩnh vực văn hóa còn e dè. Lần này, nếu sửa đổi Luật Thu đô cũng giúp cho công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh.

Tôi băn khoăn, hiện nay, cơ chế đặc thù nào sẽ giúp Hà Nội tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn để nền kinh tế vận hành một cách hiệu quả nhất. Chúng ta đang lãng phí tài nguyên thiên nhiên, lãng phí nguồn nhân lực. Ví dụ, Hà Nội có các con sông: Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Hồng… nhưng các sông lại bị ô nhiễm nên cần cơ chế đặc thù để các dòng sông trở nên xanh, sạch, là dòng sông du lịch văn hóa.

Chúng ta có hồ nước mang tính lịch sử, vừa tạo hành vi đi theo, vừa điều hòa,… Hà Nội là TP sông hồ thì chúng ta phải giải quyết vấn đề ô nhiễm. Thủ đô Hà Nội ở vùng nhiệt đới, nhiều cây xanh. Vậy, cơ chế nào để Hà Nội có công viên lớn ở trung tâm hay không gian xanh rộng lớn mà không bị lấn chiếm, thu hẹp?

Lâu nay chúng ta nhìn di sản văn hóa chỉ là đơn vị di sản đơn chiếc nhưng Hà Nội xứng đáng trở thành một đô thị di sản. Nếu nhìn Hà Nội là đô thị di sản thì sẽ thấy Hà Nội có: Hoàng Thành Thăng Long, khu phố cổ, khu phố Pháp, tứ trấn và nếu làm tốt công tác đó thì Hà Nội có thể được vinh danh lần 2 với tư cách là di sản đô thị. Hà Nội ngoài ưu tiên cho đô thị thì phải ưu tiên cho các làng văn hóa, đấy là đặc thù của Hà Nội.

Đừng nhìn di tích lịch sử văn hóa dưới dạng tài nguyên, nếu tài nguyên đó mà chúng ta có cơ chế đặc thù để tạo ra dịch vụ văn hóa thì sẽ có sản phẩm văn hóa bán được nhiều lần, bán cho nhiều người. Bởi, có nơi nào nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể như Hà Nội đâu.

Tôi hy vọng, cơ chế mới cho Luật Thủ đô sẽ làm cho di sản văn hóa có vị trí trong đời sống xã hội và cuối cùng phải cho cộng đồng cư dân địa phương họ cộng sinh được với di sản văn hóa đó và phát triển nó, bảo tồn nó nhưng ngoài việc phát triển du lịch thì phải bao gồm cải thiện sinh kế cho cộng đồng. Đây là cách thu hút tốt nhất các nguồn lực xã hội cho việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô.

Viện trưởng Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, TS Nguyễn Văn Cương:
Quan trọng là các quy định về bảo tồn và phát triển văn hóa Thủ đô

Viện trưởng Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, TS Nguyễn Văn Cương.
Viện trưởng Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, TS Nguyễn Văn Cương.

Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị nêu rõ: “Thủ đô Hà Nội là TP “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng Sông Hồng. Để Hà Nội xứng đáng là “trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo” cần có mục tiêu rõ ràng và những giải pháp vượt trội.

Đối với lĩnh vực giáo dục, những năm qua, trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, việc phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội cho giáo dục, hợp tác, liên kết quốc tế về giáo dục đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học còn hạn chế, gặp nhiều rào cản về thể chế.

Luật Thủ đô (sửa đổi) phải giúp Hà Nội giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay. Hiện tại, như những gì chúng tôi được biết, trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Hà Nội rất quan tâm đề xuất những cơ chế đặc thù, vượt trội để lĩnh vực giáo dục và đào tạo Thủ đô phát triển hơn nữa.

Do vậy, một trong những nội dung quan trọng trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chính là các quy định về bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô. Dự thảo Luật Thủ đô xác định: “Việc bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô phải xứng tầm với truyền thống ngàn năm Thăng Long - Hà Nội; Xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước; Xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Ưu tiên các nguồn lực cho bảo vệ và phát triển văn hóa trên địa bàn Thủ đô; Việc đầu tư các nguồn lực nhằm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả đáp ứng yêu cầu bảo vệ, phát triển văn hóa Thủ đô và hội nhập quốc tế.”

Đặc biệt, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng có những nội dung mới, tạo cơ sở pháp lý để Thủ đô khai thác một cách hiệu quả công trình, hạ tầng văn hóa, thể thao trên địa bàn Thủ đô sau khi đã được Nhà nước đầu tư. Đó là cho phép Hà Nội được sử dụng tài sản công để nhượng quyền kinh doanh, quản lý (O&M), liên kết với tổ chức, cá nhân để cung cấp dịch vụ.

TP Hà Nội được sử dụng, khai thác đối với các công trình do tư nhân xây dựng, sở hữu và TP có nhu cầu sử dụng cho các mục đích công cộng theo một trong các phương thức: Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ (BTL); Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao (BLT). TP Hà Nội được sử dụng, quản lý, khai thác theo cơ chế thị trường tài sản công của cơ sở văn hóa, thể thao, cơ sở giáo dục công lập thuộc TP khi tài sản công này được sử dụng trong việc liên kết với tổ chức, cá nhân để cung cấp dịch vụ.

So với Luật Thủ đô hiện hành thì Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có những quy định về lĩnh vực phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân Thủ đô, phát triển hệ thống an sinh xã hội ở Thủ đô. Điều mà Luật Thủ đô hiện hành chưa có. Tôi cho rằng, đây là hướng đi phù hợp.

Trưởng Bộ môn Luật Hành chính, Trường đại học Luật Hà Nội, TS Nguyễn Ngọc BíchSửa đổi toàn diện, bổ sung kịp thời những nội dung mới

TS Nguyễn Ngọc Bích.
TS Nguyễn Ngọc Bích.

Có thể thấy, Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này tương đối toàn diện. Hầu hết các quy định mà qua thực tiễn chúng ta nhận thấy có hạn chế hay còn thiếu lần này đều được sửa, bổ sung. Có những nội dung mới được đưa vào để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô như các quy định về đô thị thông minh, vùng phát thải thấp (LEZ), phát triển theo định hướng giao thông kết nối (TOD). Cá nhân tôi rất chú ý đến các quy định về tổ chức chính quyền tại TP Hà Nội.

Dự thảo lần này đã dành một chương (Chương II) để quy định về nội dung này. Đây là quy định lần đầu tiên được đưa vào Luật Thủ đô, luật dành riêng cho một địa phương. Tôi đánh giá cao Chương II trong dự thảo vì nội dung này làm cho Luật Thủ đô sẽ quy định toàn diện về Hà Nội.

Luật năm 2012 đã chú trọng chính sách và trách nhiệm xây dựng Thủ đô toàn diện các mặt nhưng lại chưa quy định về bộ máy để thực hiện. Năm 2019, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 97/2019/QH14 về thí điểm chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, Dự thảo Luật Thủ đô đã ghi nhận chính thức nhiều nội dung của Nghị quyết số 97 và khẳng định Hà Nội sẽ tổ chức chính quyền theo mô hình chính quyền đô thị.

So với các địa phương khác, theo dự thảo Luật, chính quyền tại TP Hà Nội có một số điểm khác với chính quyền tại các địa phương đó là: Một, tăng số đại biểu HĐND TP lên 125 đại biểu, trong đó có 25% đại biểu chuyên trách (so với 95 đại biểu theo Luật Tổ chức CQĐP và không quy định rõ tỷ lệ đại biểu chuyên trách) tại các phường không còn tổ chức HĐND phường và UBND phường hoạt động theo chế độ thủ trưởng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch UBND phường (các địa phương khác là chế độ tập thể của UBND); Thành lập TP thuộc TP Hà Nội.

Trong Dự thảo Luật lần này, Hà Nội đã được phân cấp quyết định nhiều vấn đề để phát triển Thủ đô theo yêu cầu mới. Trong các quy định về tổ chức chính quyền có một số quy định đáng chú ý như: Hà Nội được quyết định về cơ quan chuyên môn thuộc UBND đặc thù của TP; Quyết định biên chế của TP; Người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính được ký hợp đồng làm việc có thời hạn khi có nhu cầu.

Để thu hút nhân lực có chất lượng cao làm việc trong các cơ quan, đơn vị tại TP Hà Nội, dự thảo Luật có 2 quy định đáng chú ý là: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị của TP được ký hợp đồng với mức lương, chế độ đãi ngộ theo cơ chế thỏa thuận với người có tài năng, người có kinh nghiệm; Thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với khả năng ngân sách của TP và không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức...

Bản thân Dự thảo sẽ làm cho các quy định về Thủ đô, đối với Thủ đô khác so với các quy định áp dụng chung cho tất cả các địa phương nhưng điều đó là cần thiết do vị trí, vai trò của Thủ đô. Trong Luật Thủ đô, Quốc hội cũng cần phải cân nhắc để quy định trong Luật vấn đề gì ở Hà Nội khác so với các địa phương trong cả nước và khác như thế nào?