Sửa đổi Luật Thủ đô:

Tạo cơ chế phù hợp đầu tư, phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đề xuất áp dụng phương thức đối tác công tư (PPP) đối với các dự án trong lĩnh vực văn hóa và thể thao trên địa bàn Thủ đô.

Đề xuất quan trọng trong Luật Thủ đô (sửa đổi)

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đề xuất áp dụng phương thức PPP đối với các dự án trong lĩnh vực văn hóa và thể thao trên địa bàn Thủ đô. Cụ thể, dự án đầu tư theo phương thức PPP trên địa bàn Thủ đô, Vùng Thủ đô có tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án để thanh toán hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án PPP và chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; hỗ trợ xây dựng công trình tạm.

Gắn biển công trình Nhà văn hóa phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) hồi tháng 6/2023. Ảnh: Hồng Thái
Gắn biển công trình Nhà văn hóa phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) hồi tháng 6/2023. Ảnh: Hồng Thái

Đây là đề xuất quan trọng vì theo Luật Đầu tư, các dự án PPP vẫn tập trung ở lĩnh vực giao thông mà chưa triển khai trong các lĩnh vực khác. Trong khi đó, nhu cầu thu hút vốn đầu tư tư nhân ở các ngành khác như văn hóa, y tế, giáo dục rất tiềm năng, đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhưng chưa được triển khai.

Quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với dự án đầu tư theo hình thức PPP thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư theo hình thức PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Trình tự, thủ tục thực hiện các dự án này thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP và pháp luật có liên quan…

Theo thống kê của Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội, tính đến 1/4/2023, hệ thống thiết chế, điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao do các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố quản lý hiện có 383 công trình, điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao. Trong đó, UBND TP Hà Nội quản lý trực tiếp 1 thiết chế; các sở, ban, ngành, đoàn thể quản lý 350 thiết chế, điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao; Sở Văn hóa và Thể thao quản lý 27 thiết chế, công trình văn hóa, thể thao; Công ty TNHH MTV điện ảnh Hà Nội quản lý 5 thiết chế, công trình.

Thành phố có 84 thiết chế văn hóa, thể thao tại 30 quận, huyện, thị xã, gồm: 29 nhà văn hóa cấp huyện, 26 trung tâm thể dục, thể thao cấp huyện, 4/30 tổ hợp Trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao; 10 thiết chế khác; 125/579 xã, phường, thị trấn có công trình Trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã; 4.656/5.476 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa/điểm sinh hoạt cộng đồng.

Phát triển văn hóa trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều nội dung mới, nhằm giúp Hà Nội có cơ chế vượt trội, đặc thù để bảo tồn cũng như phát huy được bản sắc văn hóa. Ảnh: Phạm Hùng
Phát triển văn hóa trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều nội dung mới, nhằm giúp Hà Nội có cơ chế vượt trội, đặc thù để bảo tồn cũng như phát huy được bản sắc văn hóa. Ảnh: Phạm Hùng

Thu hút được các nguồn lực của nhà đầu tư

Theo Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, công tác đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được Thành ủy, HĐND, UBND TP quan tâm chỉ đạo. Hoạt động của các đơn vị văn hóa thể thao Thành phố từng bước nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp và đã hướng mạnh về cơ sở. Hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn Thành phố đã có sự phát triển mạnh và ngày càng hoàn thiện. Các công trình văn hóa, thể thao cấp Thành phố, cấp huyện, cấp xã, thôn, tổ dân phố được quan tâm đầu tư xây dựng mới, sửa chữa và nâng cấp. Nhiều quận, huyện đã xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý, sử dụng và phát huy các thiết chế văn hóa, thể thao, thu hút được sự tham gia của các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động của các thiết chế này vẫn còn vướng mắc, chưa hiệu quả, cả về cơ chế, chính sách, việc khai thác, phát huy các thiết chế. Cơ chế phân cấp quản lý, sử dụng, khai thác, quản lý tài sản công để cho thuê, liên doanh, liên kết còn chưa hợp lý...

Liên quan vấn đề này, tại Hội thảo về "Phát triển công nghiệp văn hóa; bảo vệ, phát huy, khai thác di sản văn hóa; cơ chế quản lý, khai thác tài sản công trong lĩnh vực văn hóa thể thao, giáo dục, y tế", nhằm phục vụ giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), một số ý kiến cho hay, có những công trình văn hóa, thể thao nhiều nhà đầu tư mong muốn đầu tư, nhưng cũng có những công trình văn hóa, thể thao muốn phát huy lại không có cơ chế đầu tư vì vướng Luật Quản lý, sử dụng tài sản, còn Luật Đầu tư theo phương thức PPP chưa quy định đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao…

Các ý kiến đề xuất áp dụng mô hình PPP được kỳ vọng sẽ khắc phục được những bất cập hiện nay, tạo cơ chế phù hợp để đầu tư, phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao. Lợi thế của mô hình PPP là hình thức hợp tác tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và cung cấp dịch vụ công cộng chất lượng cao, sẽ mang lại lợi ích cho cả Nhà nước và người dân. Đồng thời, tăng cường hiệu quả trong việc quản lý và khai thác sử dụng các cơ sở hạ tầng; thu hút được các nguồn lực của nhà đầu tư để đầu tư phát triển hạ tầng và khai thác các dịch vụ sau đầu tư.

Mô hình này cũng giảm gánh nặng ngân sách và rút ngắn thời gian đầu tư cơ sở hạ tầng, giúp đưa ra những lựa chọn tốt hơn về thiết kế, công nghệ, xây dựng, sự vận hành và chất lượng cung cấp dịch vụ hạ tầng; gia tăng và bổ sung thêm nguồn thu mới cho ngân sách Nhà nước từ việc khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng, góp phần thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện lộ trình tự chủ với các đơn vị sự nghiệp công…

 

Xác định rõ mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành một trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/2/2022 “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Như vậy, Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa, cho thấy quyết tâm lớn của lãnh đạo Hà Nội trong việc tập trung mọi nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa.