Tạo đột phá về quy hoạch để năm 2024 khởi công, cải tạo chung cư cũ

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Ban Chỉ đạo Chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, việc triển khai các công tác liên quan đến cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn còn chậm. Thời gian tới, tiếp tục tháo gỡ khó khăn để triển khai các dự án đúng tiến độ.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và đoàn công tác thị sát tại nhà chung cư A, khu chung cư cũ Ngọc Khánh, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình - Ảnh: Thanh Hải
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và đoàn công tác thị sát tại nhà chung cư A, khu chung cư cũ Ngọc Khánh, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình - Ảnh: Thanh Hải

Tiến độ triển khai cải tạo chung cư cũ còn chậm

Mới đây ngày 11/4 Ban Chỉ đạo Chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy về Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025 đã giai ban quý 1/2024. Qua báo cáo cho thấy, việc thực hiện chỉ tiêu “Hoàn thành xây dựng Đề án khung cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn TP; triển khai cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ nguy hiểm cấp D; triển khai cải tạo, xây dựng lại 2-3 khu chung cư cũ và chuẩn bị triển khai các khu còn lại” chậm so với tiến độ được phê duyệt.

Việc triển khai các công tác liên quan cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội còn chậm không đảm bảo tiến độ đã đề ra - nhất là chưa hoàn thành công tác di dời các hộ dân ra khỏi nhà chung cư nguy hiểm; chậm tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500; chậm xác định phạm vi, ranh giới dự án và kiểm định nhà, khu chung cư theo nguyên tắc toàn khu...

Cụ thể, với việc thực hiện Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP, đến nay có 2 dự án hoàn thành và chuẩn bị đưa vào vận hành, khai thác; còn 9 dự án đang tiếp tục đôn đốc triển khai thực hiện. Sở Xây dựng đã tổ chức nhiều cuộc họp với các sở, ngành, UBND các quận huyện rà soát kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và có các thông báo kết luận cuộc họp, giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo cũng nêu rõ, đối với việc di dời các hộ dân ra khỏi nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp D, đến nay quận Đống Đa đã hoàn thành công tác di dời các hộ dân, tổ chức ra khỏi nhà nguy hiểm cấp D tại nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng. Tại quận Ba Đình đã hoàn thành di dời với đơn nguyên 1,3 tập thể Bộ Tư pháp, đơn nguyên 3 Tập thể C8 Giảng Võ và đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh. Tổng số hộ di dời là 159/174 hộ dân ra khỏi nhà chung cư nguy hiểm cấp D có nguy cơ sụp đổ (tỷ lệ 91,3%).

Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến báo cáo tại Hội nghị giao ban quý 1/2024 của Ban Chỉ đạo Chương trình 03-CTr/TU
Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến báo cáo tại Hội nghị giao ban quý 1/2024 của Ban Chỉ đạo Chương trình 03-CTr/TU

Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, trên địa bàn có 5 nhà chung cư nguy hiểm đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác di dời các hộ dân, duy chỉ còn nhà G6A Thành Công có 3 hộ gia đình chưa nhận quyết định phê duyệt phương án tạm cư và bàn giao chính thức căn hộ. Tuy nhiên các hộ gia đình không còn sinh sống ở đây nên nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng các hộ dân cũng không còn.

Với nhà số 148-150 phố Sơn Tây, phường Kim Mã quận đã báo cáo UBND TP hủy dự án cũ để thực hiện dự án mới theo quy trình của Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện còn 3 hộ chưa bàn giao lại nhà cho quận do chưa nhận phương án tạm cư, bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Về việc lập danh sách và triển khai đối với một số nhà chung cư cũ có điều kiện thuận lợi, có khả năng hoàn thành sớm và các nhà chung cư cũ, Ban Chỉ đạo Chương trình 03-CTr/TU cho biết, đến nay có 11/15 quận, huyện chưa có văn bản đề xuất, hoặc đề xuất những trường hợp không đủ điều kiện theo quy định.

Đối với việc thực hiện thí điểm dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể chung cư cũ Nguyễn Công Trứ, đến nay chủ đầu tư đã hoàn thành xây dựng nhà N3 trên nền 2 tòa chung cư cũ Al và A2, đã bàn giao tái định cư; phần còn lại của dự án đang tạm dừng triển khai.

Cho biết thêm về nội dung này, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin, qua rà soát các quy định Sở đã có văn bản báo cáo, đề nghị TP triển khai theo cơ chế hiện hành, dừng thí điểm nhưng trước tiên phải rà soát lại quy hoạch 1/500 của toàn bộ khu Nguyễn Công Trứ. Trên cơ sở đó giao cho Sở Xây dựng hướng dẫn tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo đề án cơ chế cải tạo chung cư cũ cũng như các kế hoạch UBND TP đã ban hành.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vũ Duy Tuấn báo cáo tại Hội nghị giao ban quý 1/2024 của Ban Chỉ đạo Chương trình 03-CTr/TU
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vũ Duy Tuấn báo cáo tại Hội nghị giao ban quý 1/2024 của Ban Chỉ đạo Chương trình 03-CTr/TU

Chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện để tạo sự lan tỏa

Ban Chỉ đạo Chương trình 03-CTr/TU đã đề nghị trong thời gian tới các sở, ngành, quận có dự án cải tạo chung cư cũ, di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nhà nguy hiểm cấp độ D... tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn khi thực hiện các dự án cải tạo chung cư cũ.

Để thúc đẩy thực hiện các dự án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn, ngày 16/4, sau khi kiểm tra, nắm bắt tình hình triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo chọn quận Ba Đình và 3 khu chung cư cũ ưu tiên triển khai đợt 1 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tạo bước đột phá trong triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP.

Theo đó, Bí thư Thành ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện nhiệm vụ này, bảo đảm phân công cụ thể đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương, rõ cá nhân phụ trách, rõ tiến độ từng ngày theo 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp như Đề án đã đề ra (quy hoạch chi tiết, lựa chọn nhà đầu tư, họp bàn lấy ý kiến nhân dân, xác định hệ số k...).

Bí thư Thành ủy yêu cầu, trước hết phải tạo bước đột phá về công tác quy hoạch chi tiết từng khu, cụm nhà chung cư, làm quy hoạch với tư duy rộng mở gắn với giải quyết các khó khăn, vướng mắc và bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, nhà đầu tư, Nhà nước... Mục tiêu là cuối năm 2024 phải chọn được nhà đầu tư để năm 2025, Hà Nội phải khởi công cải tạo, xây dựng lại 1-2 khu chung cư cũ.

"Điều quan trọng là phải chọn đúng nhà đầu tư đủ năng lực và có thể thực hiện dự án trong thời gian khoảng 3 năm, để người dân không phải tạm cư quá dài. Trên cơ sở làm được như vậy sẽ tạo sự lan tỏa, thống nhất, tin tưởng để làm tiếp ở các khu chung cư khác" - Bí thư Thành ủy lưu ý.