Đại biểu HĐND TP đề nghị tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN phát triển

Nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thảo luận và quyết nghị về kế hoạch phát triển KTXH năm 2019 của TP tại Kỳ họp thứ Bảy, HĐND TP Hà Nội khóa XV, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến, giải pháp để TP đạt được các mục tiêu KTXH đề ra.

 ĐB Đỗ Mạnh Hải (quận Long Biên) 
ĐB Đỗ Mạnh Hải (quận Long Biên) ấn tượng với con số vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 6,5 tỷ USD năm 2018. Hà Nội lần đầu tiên đứng đầu cả nước sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập. Thu ngân sách vượt dự toán, chi thường xuyên giảm trong khi chi đầu tư công tăng. Đây là những nỗ lực lớn của TP Hà Nội.
ĐB Đỗ Mạnh Hải đề xuất, TP tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính (TTHC), có thể giao các tổ chức ngoài Nhà nước thực hiện một số thủ tục. Đồng thời, có cơ chế để cấp quận có thể tham gia vào công tác PCCC.
Các đại biểu cũng đề cập nhiều đến việc cần tiếp tục có các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho DN phát triển. ĐB Phạm Đình Đoàn (quận Hoàng Mai) nhận định, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tạo ra làn sóng dịch chuyển đầu tư vào một số nước trong đó có Việt Nam. Hà Nội phải có các giải pháp để tận dụng tối đa các cơ hội này, để trở thành đại bản doanh của các tập đoàn lớn trên thế giới cùng với DN nội địa có thêm nhiều cơ hội hợp tác trong chuỗi DN toàn cầu phát triển. Muốn vậy, TP cần tiếp tục cắt giảm TTHC, cân nhắc thành lập bộ phận giám sát việc cải cách TTHC cho DN.
 ĐB Lê Vĩnh Sơn (huyện Đông Anh)
Cùng quan điểm, ĐB Trần Thị Vân Hoa (quận Tây Hồ) cho rằng, Hà Nội cần lựa chọn một số giải pháp đột phá, tập trung vào phát triển các ngành giá trị gia tăng cao, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, khoa học công nghệ, tài sản công. Cần tiếp tục có các giải pháp thu hút đầu tư, đặc biệt là tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài cho nông nghiệp.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN, ĐB Lê Vĩnh Sơn (huyện Đông Anh) đề xuất cần có chiến lược phát triển chính sách đồng bộ. Chính quyền cần có lộ trình thực hiện phát triển dữ liệu số, coi đó là tài nguyên chung để người dân và DN có thể khai thác, tạo môi trường chính quyền minh bạch. Đồng thời, chấp nhận các mô hình kinh doanh mới. Cùng với đó, phải có cơ chế quản lý chặt chẽ theo nguyên tắc lấy lợi ích xã hội làm thước đo.
Quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, ĐB Đỗ Thùy Dương (quận Cầu Giấy) đề xuất, TP cần xây dựng các chính sách để thu hút giáo viên giỏi ở các địa phương. Ngoài ra, cần quan tâm phát triển đến giáo dục quốc tế ở ngay tại Hà Nội. Trong bối cảnh phát triển khởi nghiệp hiện nay, Hà Nội nên tiên phong thành lập trung tâm tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Đồng thời, đề xuất nên phát triển đa dạng các hình thức dạy học, mô hình trường học, thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư cho giáo dục.
Thảo luận tại Kỳ họp, đại biểu Phạm Đình Đoàn cơ bản nhất trí với các báo cáo của TP. Theo đại biểu, giới doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô rất vui mừng với các chủ trương, chính sách của TP có nhiều đột phá, sáng tạo và quyết liệt trong cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và tạo ra sự minh bạch trong giải quyết các vấn đề. Biểu hiện là thông qua sự thăng hạng liên tục của các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, nền kinh tế TP tăng trưởng nhanh.
"Đến nay TP đã có 250 nghìn doanh nghiệp, đó là những tín hiệu đã rất khích lệ với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô", đại biểu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, vị đại biểu quận Hoàng Mai cũng lưu ý, có 1 số chỉ số như hiệu quả hành chính công của TP vẫn còn ở mức chưa cao. Chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở, chỉ số công khai minh bạch cũng cần tăng cường hơn. Bên cạnh đó, việc giải quyết các thủ tục ban đầu cho doanh nghiệp thì nhanh, nhưng các thủ tục phát sinh sau đó lại chậm. Ngoài ra 1 số việc xử lý của các sở ban ngành vẫn có "nhiêu nhê" nhất định, làm khó cho đầu tư. Những vấn đề trên làm hạn chế sự phát triển kinh tế xã hội, chưa tương xứng với tiềm năng của TP.
 Đại biểu Phạm Đình Đoàn
Theo đại biểu, chìa khóa cho sự phát triển thành công của nền kinh tế chính là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Để các doanh nghiệp, doanh nhân lớn mạnh đóng góp được nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế của TP, đại biểu nêu ra 6 vấn đề.
Thứ nhất: Cần phải tổng kết và đánh giá lại cụ thể việc thực hiện nghị quyết 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Thứ hai: Cuộc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ hiện nay đang xuất hiện 1 làn sóng dịch chuyển các nhà đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trong đó khu vực miền Bắc và TP Hà Nội được coi là những lựa chọn hàng đầu. Hiện các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ đang tích cực dịch chuyển theo xu hướng này và Hà Nội sẽ nằm trên tuyến đường đó. Do vậy đại biểu kiến nghị, TP cần tận dụng cơ hội này để mở rộng đầu tư nước ngoài, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để đón nhận làn sóng mới này.
"Trong thu hút đầu tư cần thiết kế các chính sách, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nội địa kết hợp với các chuỗi giá trị toàn cầu", đại biểu Phạm Đình Đoàn lưu ý.
Thứ ba: TP cần cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành. Theo đại biểu, đây vẫn là 1 vấn đề "giằng co" giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Giới đầu tư theo đó có những sự không tin tưởng, chưa yên tâm. Lúc này môi trường kinh doanh cần có những hành động vì sự thuận lợi của doanh nghiệp.
Đại biểu góp ý, TP nên cân nhắc thành lập bộ phận giám sát tiến trình cắt giảm các điều kiện kinh doanh, xa hơn là thiết kế xây dựng các nền tảng cho việc ban hành các quy định liên quan. Phải có 1 bộ phận của TP đóng vai trò độc lập và có tiếng nói quyết định ban hành hay không ban hành văn bản. Cơ quan này không tham gia quản lý, không có các doanh nghiệp "sau lưng", không thực hiện cấp phép mà chỉ rà soát đánh giá chất lượng các văn bản. Bên cạnh đó cần có các công ty tư vấn, cộng đồng doanh nghiệp tham vấn, thẩm định.
Thư tư: Cần đẩy mạnh nền kinh tế tri thức hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào hỗ trợ, sự dụng có hiệu quả quỹ hỗ trợ khoa học công nghệ sẵn có và nghiên cứu hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm. Phát triển TP thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, có vị thể nổi bật trong cộng đồng ASEAN.
Thứ năm: Cải tiến các bộ chỉ tiêu đánh giá hàng năm, mức độ cải cách môi trường kinh doanh và chỉ tiêu đánh giá sự phát triển doanh nghiệp trên địa bàn.
Thứ sáu: 2018 là năm thứ 12 phong trào sáng kiến, sáng tạo của Thủ đô được triển khai thực hiện. Phong trào đã khẳng định được vai trò to lớn với sự phát triển kinh tế xã hội, được đông đảo cộng đồng doanh nghiệp và công nhân, viên chức Thủ đô hưởng ứng. Tuy nhiên đại biểu nhìn nhận, để hiệu quả và tận dụng tối đa trí tuệ của mọi thành phần xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nhân chúng ta nên tìm ra 1 phương pháp mới để huy động lực lượng này.
"Chúng ta không thể coi không nhìn thấy những dấu hiệu "hụt hơi" của nền kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân - vốn đã được xác định là động lực của nền kinh tế. Muốn có 1 lực lượng doanh nhân hùng hậu tạo công ăn việc làm cho người dân, mang lại phồn vinh cho Thủ đô thì phải có nền tảng thể chế thuận lợi mà trong đó mọi thành phần kinh tế đều được đối sự công bằng, đó chính là nhân tố để chắp cánh cho doanh nghiệp Thủ đô vươn cao trong thời gian tới", đại biểu Phạm Đình Đoàn khẳng định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần