Tạo thêm các nguồn lực cho sự phát triển

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề thực hành tiết kiệm (THTK), chống lãng phí (CLP). Tiết kiệm là sử dụng hợp lý, có hiệu quả tiền của, thời gian, công sức lao động, nhằm tích trữ vốn cho phát triển đất nước, nâng cao mức sống Nhân dân.

Tiết kiệm phải từ cái nhỏ đến cái to, không xa xỉ, hoang phí, bừa bãi, phô trương, hình thức. Người luôn yêu cầu cán bộ phải là lực lượng tiên phong trong cuộc thi đua THTK.

Nhiều thủ tục hành chính cấp TP đã được ủy quyền, giúp rút ngắn thời gian của người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Hải Linh
Nhiều thủ tục hành chính cấp TP đã được ủy quyền, giúp rút ngắn thời gian của người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Hải Linh

Xuyên suốt trong hành động

Trong những năm qua, thấm nhuần lời dạy của Bác về THTK, CLP, cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến các địa phương đều coi đây là nhiệm vụ cấp bách. Nhiều quy định cụ thể về vấn đề này đã được thể hiện rõ trong Luật THTK, CLP. Các phong trào, quy định cụ thể trong từng lĩnh vực cũng được ban hành; hầu hết các cơ quan, tổ chức đã xây dựng và ban hành Chương trình THTK, CLP của cơ quan, tổ chức mình… và thực hiện hiệu quả hơn, với mục tiêu cao nhất là hiệu quả, kiến tạo phát triển.

Tại Hà Nội, THTK, CLP là nội dung chủ yếu trong Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; THTK, CLP giai đoạn 2021-2025”. TP đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về THTK, CLP; chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị triển khai thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác này.

Theo đó, Hà Nội là địa phương được đánh giá luôn có tinh thần trách nhiệm cao về THTK, CLP trong cả lĩnh vực công lẫn tư. Tiêu biểu là TP đã triển khai ngày càng thường xuyên, sâu rộng hệ thống họp trực tuyến vừa giúp đưa nhanh chỉ thị, nghị quyết vào cuộc sống, vừa giảm các cuộc họp, thời gian, công sức di chuyển. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội còn chỉ đạo tạo bước đi có tính chất đột phá trong phân cấp, ủy quyền; đến nay hơn 700 thủ tục hành chính cấp TP đã được ủy quyền, giúp rút ngắn thời gian của người dân, DN, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, đầu tư...

Trong công tác phân bổ dự toán ngân sách Nhà nước, thông kê năm 2023 cho thấy, TP đã thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên để thực hiện cải cách tiền lương; phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 10.427 cơ sở nhà, đất. Công tác quản lý, sử dụng nhà, đất từng bước được quan tâm, phù hợp tiêu chuẩn, định mức, tiết kiệm và hiệu quả…

Ngoài ra, việc THTK, CLP đối với công tác quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng cũng được TP chú trọng. Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo 2 chủ trương có ý nghĩa trong THTK, CLP. Một là, chỉ đạo HĐND, UBND TP Hà Nội xây dựng và ban hành Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của TP Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025, định hướng giai đoạn 2026 - 2030. Ngay sau khi đề án được triển khai thực hiện, TP đã thu hồi phần diện tích nhà, đất phải bàn giao về TP quản lý (quỹ diện tích tầng 1 nhà chung cư thương mại, quỹ nhà tạm cư...); thu hồi diện tích nhà, đất vi phạm, sử dụng chưa đúng mục đích để lập phương án giao quản lý, khai thác và xử lý theo quy định... Hai là, chỉ đạo HĐND, UBND TP tập trung xử lý 712 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất nhưng chậm triển khai.

Nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên

Để nâng cao hiệu quả thực hiện, TP đã quyết liệt yêu cầu các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương phải công khai trong thực hiện THTK, CLP; đặc biệt là công khai hành vi lãng phí và kết quả xử lý hành vi lãng phí. Đáng chú ý, TP đã làm tốt việc giảm đầu mối, tổ chức, bộ máy, khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, qua đó nâng cao năng lực quản lý, CLP nhân lực của các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, trên thực tế, việc lãng phí vẫn còn lớn và khá phổ biến, nhất là về đất đai, sử dụng tài sản công, thời gian lao động… Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, từ nhận thức của một số cơ quan, đơn vị đến thiếu các tiêu chí về đánh giá lãng phí; việc xử lý các trường hợp vi phạm chưa đủ sức răn đe…

Tại Hà Nội, để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác THTK, CLP, vừa qua, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác THTK, CLP" trên địa bàn TP. Theo đó, công tác này được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội, cần tập trung chỉ đạo thực hiện của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị từ TP tới cơ sở.

Qua đó, tạo sự thống nhất về tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm để tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, khuyến khích, động viên các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia, góp phần quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với công tác này; tăng cường quản lý Nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, CLP.

Đúng như đánh giá của các chuyên gia, trong khi sự lãng phí còn hiện hữu, việc học và làm tư tưởng của Bác về THTK, CLP trở thành việc thường xuyên, liên tục ở mọi cơ quan, ban ngành và ở mọi tầng lớp Nhân dân; cùng với đó là phải xử lý nghiêm minh các trường hợp cố tình để xảy ra tình trạng lãng phí, không có ý thức THTK, sẽ là một giải pháp đặc biệt coi trọng để tạo thêm nguồn lực thúc đẩy sự phát triển.