Triển khai tuyên truyền dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Tập trung những nội dung, đề xuất mới của Hà Nội

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Hà Nội là Thủ đô của cả nước nên xây dựng Luật Thủ đô không chỉ phục vụ cho Thủ đô, nền kinh tế Thủ đô mà còn phục vụ cho việc phát triển của cả nước. Do đó, công tác tuyên truyền cũng được Báo Kinh tế & Đô thị xây dựng kế hoạch cụ thể

Hà Nội là Thủ đô của cả nước nên xây dựng Luật Thủ đô không chỉ phục vụ cho Thủ đô, nền kinh tế Thủ đô mà còn phục vụ cho việc phát triển của cả nước. Do đó, công tác tuyên truyền cũng được Báo Kinh tế & Đô thị xây dựng kế hoạch cụ thể tập trung vào những nội dung, Hà Nội cần những cơ chế mang tính đặc thù, vượt trội để đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển của Thủ đô, đạt được các mục tiêu đề ra.

Đề xuất nhiều cơ chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội

Trao đổi với phóng viên tại cuộc tọa đàm mới đây do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức, TS Nguyễn Ngọc Bích - Trưởng Bộ môn luật Hành chính, Trường đại học Luật Hà Nội cho rằng, Hà Nội là một Thủ đô có đặc thù rất riêng. Ở nhiều nước, Thủ đô chỉ là trung tâm chính trị hoặc có thể là trung tâm văn hóa, nhưng Thủ đô Hà Nội vừa là trung tâm chính trị, vừa là trung tâm văn hóa, nhưng quan trọng nhất Hà Nội là trung tâm về kinh tế.

Quang cảnh tọa đàm “Sửa Luật Thủ đô Tạo cơ chế đột phá trong thu hút, trọng dụng nhân tài'”.  Ảnh: Duy Khánh
Quang cảnh tọa đàm “Sửa Luật Thủ đô Tạo cơ chế đột phá trong thu hút, trọng dụng nhân tài'”.  Ảnh: Duy Khánh

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã thay mặt Chính phủ trình bày tóm tắt tờ trình Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trước Quốc hội. Trong đó, đề xuất cán bộ tại Hà Nội được quản lý thống nhất từ cấp xã đến TP với các tiêu chuẩn chung. Để thu hút nhân tài cống hiến cho TP, Chính phủ đề xuất Hà Nội có chế độ đãi ngộ nhân tài riêng, như tuyển dụng không qua thi tuyển.

Tương tự cơ chế áp dụng cho TP Hồ Chí Minh, Hà Nội được chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị Thủ đô và một số cơ quan ngành dọc T.Ư đóng trên địa bàn. Tổng mức chi cho nội dung này không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, Hà Nội được quy định một số ưu đãi cho khoa học, công nghệ khác với pháp luật hiện hành, trong đó có mở rộng diện áp dụng hình thức khoán kinh phí so với Luật Khoa học và công nghệ.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định về chính quyền Thủ đô; Quy định cơ cấu tổ chức của chính quyền TP thuộc TP Hà Nội (dự kiến thành lập theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy định về tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức Thủ đô; Quy định đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài như tuyển dụng không qua thi tuyển, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo; được đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại đơn vị sự nghiệp công lập...

Đặc thù trong biên chế hành chính và viên chức sự nghiệp là phù hợp

Cùng góp ý về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Quỳnh Liên cho biết, cần tiếp tục phân quyền, phân cấp mạnh mẽ, rõ ràng trách nhiệm chung và trách nhiệm chuyên trách của chính quyền Thủ đô, xác định phạm vi chức trách của T.Ư và Thủ đô. Cần tham khảo, học hỏi mô hình tổ chức theo nguyên tắc: “những gì địa phương làm tốt thì địa phương làm, T.Ư chỉ làm những gì mà địa phương làm không tốt hơn".

Theo đó, trách nhiệm của chính quyền T.Ư là thực hiện các nhiệm vụ quản lý vĩ mô, quyết định những vấn đề mang tính toàn quốc, chủ yếu bao gồm: an ninh quốc gia, hải quan, đường sắt, hàng không dân dụng, quốc lộ, vận chuyển hàng không, bưu chính, điện tín, mạng; phát thanh truyền hình và khí tượng toàn quốc, công trình công cộng cấp quốc gia (công viên quốc gia), nghiên cứu cấp quốc gia (hàng không),... là các lĩnh vực liên quan đến lợi ích toàn quốc và các vấn đề quốc gia. Chính vì vậy, cần được Chính phủ T.Ư phụ trách cung cấp, đảm nhận toàn bộ trách nhiệm cung ứng vốn, quản lý chi tiêu, thu nhập, thực hiện quản lý trực tiếp.

Trách nhiệm của chính quyền Thủ đô là thực hiện các nhiệm vụ quản lý trong phạm vi chính quyền địa phương, quyết định những vấn đề quan trọng và có tính chất tự quản của địa phương, cung cấp các dịch vụ công phục vụ cho nhu cầu quản lý và phát triển của địa phương, chủ yếu bao gồm: đường bộ của địa phương, giao thông, các công trình công cộng, công trình văn thể, bảo đảm nhà ở, trị an, các sự vụ công như cấp nước, cấp điện, cấp khí; xây dựng và quy hoạch đô thị, vệ sinh môi trường, xử lý rác thải,... Chính quyền Thủ đô phụ trách cung cấp, đảm nhiệm toàn bộ trách nhiệm tài chính và thực hiện quản lý thống nhất trong phạm vi địa phương.

Giữa T.Ư và Thủ đô còn có những trách nhiệm chung để thực hiện sứ mệnh của Thủ đô “trái tim của cả nước và cả nước vì Thủ đô”: cung cấp những dịch vụ công có tính trọng điểm quốc gia, liên khu vực, như giáo dục đại học, khoa học công nghệ trọng điểm, phát triển hệ thống y tế tuyến T.Ư; phát triển trung tâm tài chính tiền tệ của quốc gia...; bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng cứu thiên tai, dịch họa... Những dịch vụ công này hiệu ứng lan tỏa rất lớn, cũng có thể nói là phạm vi thu lợi ích rất khó có thể đo lường, nếu chỉ do chính quyền T.Ư hoặc Thủ đô thực hiện cung cấp đều không hợp lý, cần phải do cả chính quyền T.Ư và Thủ đô thực hiện, nhưng cần phân rõ trách nhiệm và phân chia nguồn lực bảo đảm thực hiện.

Trong đó, chính quyền T.Ư là chính quyền cấp cao nhất, trong phân quyền, phân cấp trong cung ứng dịch vụ công, đảm nhận trách nhiệm chế định các chính sách vĩ mô, chủ yếu phụ trách chế định các chính sách, pháp luật, quy hoạch phát triển, tiêu chuẩn cơ bản và quản lý giám sát, tăng cường điều hòa, thống nhất giữa công việc mang tính toàn quốc và tính khu vực, phân phối hợp lý nguồn tài chính, thúc đẩy bình đẳng hóa các dịch vụ công cơ bản giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa các khu vực phát triển và khu vực chưa phát triển, đồng thời còn có trách nhiệm tổ chức cung ứng các dịch vụ công do T.Ư đảm nhận.

Chính quyền TP trong hệ thống phân cấp, phân quyền căn cứ vào phương châm, chính sách của T.Ư, kết hợp với tình hình thực tế của địa phương, chế định các quy hoạch chính sách, các tiêu chuẩn cụ thể của quản lý nhà nước và tiến hành giám sát việc thực hiện; điều phối cân bằng công việc của khu vực, phân phối nguồn tài chính, thúc đẩy bình đẳng hóa các dịch vụ công cơ bản; đồng thời có trách nhiệm tổ chức cung ứng những dịch vụ công mà mình cung ứng.

Bà Nguyễn Quỳnh Liên đồng tình với quy định về mô hình tổ chức chính quyền TP Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 (không tổ chức HĐND phường) và cấp chính quyền TP thuộc TP Hà Nội, bảo đảm sự ổn định và cơ bản phù hợp với điều kiện thực tiễn của Hà Nội cũng như thiết lập cơ sở pháp lý thành lập các TP thuộc TP trong thời gian tới. Bà guyễn Quỳnh Liên cho rằng, các quy định về tăng cường bộ máy cho HĐND, UBND các cấp, về tăng cường phân cấp thẩm quyền cho HĐND, UBND các cấp và cho các cơ quan hành chính khác, về đặc thù trong biên chế hành chính và viên chức sự nghiệp tại Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là phù hợp và cần thiết để chính quyền Thủ đô có sự chủ động, linh hoạt trong thực hiện các nhiệm vụ vừa chung, vừa có nhiều đặc thù từ thực tiễn quản lý và xu hướng phát triển, vận động của Thủ đô.

Luật Thủ đô sẽ tạo sức bật cho Hà Nội phát triển

TS Lê Duy Bình - Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam chia sẻ, Nghị quyết số 15-NQ/TW đã cụ thể hóa, xác định cụ thể mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp hết sức rõ ràng. Đây là cơ sở pháp lý, điều kiện quan trọng để tạo động lực phát triển Thủ đô từ nay đến năm 2030 và 2045, với định hướng lớn: Thủ đô Hà Nội là TP "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, chúng ta sẽ xây dựng một Thủ đô Hà Nội đáp ứng được mong mỏi của người dân Thủ đô, đáp ứng được mong mỏi của người dân cả nước vì Thủ đô là trái tim của cả nước. Luật Thủ đô không chỉ phục vụ cho Thủ đô, không chỉ phục vụ cho nền kinh tế Thủ đô mà còn phục vụ cho việc phát triển của cả nước. Như thế, Luật Thủ đô cần những cơ chế mới, những cơ chế mang tính chất đặc thù, vượt trội để đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển của Thủ đô, một cách nhanh và bền vững đạt được các mục tiêu mà chúng ta đã đề ra.

Trong khi đó, bà Vũ Thị Thanh Tú -Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp TP Hà Nội thông tin, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có tác động rất lớn từ mô hình chính quyền đến tận người dân. Nhân dân mong chờ Luật Thủ đô thông qua để tạo sức bật cho Thủ đô phát triển. Có ý kiến cho rằng, cơ chế đặc thù cho Thủ đô như là một quốc gia riêng nhưng nói như vậy sẽ mất vai trò, ý nghĩa của Luật Thủ đô (sửa đổi).

Cần hiểu, Luật Thủ đô (sửa đổi) giúp cho Thủ đô phát triển. Thủ đô phát triển sẽ tạo động lực cho Vùng Thủ đô phát triển cũng như kéo cả đất nước cùng tiến lên. Có quan điểm như vậy mới thấy rằng, các cơ chế chính sách đặc thù cho Thủ đô mới có ý nghĩa. Hà Nội đang xây dựng chính quyền đô thị và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) là việc thúc đẩy chính quyền đô thị lên một bước nữa, ở mức cao hơn.

 

Năm 2023, tuyên truyền, góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Báo Kinh tế & Đô thị đã mở chuyên mục trên báo điện tử và các chuyên trang, đăng tải hơn 400 tin, bài. Báo đã triển khai nhiều tuyến bài sâu, các tác phẩm Emagazine, Podcast, Video... ghi nhận các ý kiến đóng góp dự thảo Luật của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, Nhân dân, đại diện các cơ quan...

Đặc biệt, Báo đã tổ chức 2 Talkshow truyền hình: “Cần cơ chế đặc thù, vượt trội để Hà Nội thực hiện sứ mệnh là Thủ đô”, Talkshow: Phân cấp, phân quyền tạo đột phá phát triển Thủ đô và 2 tọa đàm: “Sửa Luật Thủ đô: Tạo sức bật mới cho Thủ đô phát triển”, “Sửa Luật Thủ đô: Tạo cơ chế đột phá trong thu hút, trọng dụng nhân tài”. Từ đó, đóng góp tích cực vào công tác truyền thông xây dựng dự án Luật, được các cơ quan đánh giá cao.