“Tay không bắt giặc”, lãi suất trái phiếu bất động sản vẫn cao ngất ngưởng

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin từ Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Công ty Chứng khoán SSI mới phát hành cho thấy, trái phiếu bất động sản vẫn là nhóm có lãi suất hấp dẫn nhất thị trường, bình quân 10,4%/năm.

Công ty CP Dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn phát hành 7.000 tỷ đồng trái phiếu huy động vốn trong năm 2021
Công ty CP Dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn phát hành 7.000 tỷ đồng trái phiếu huy động vốn trong năm 2021

Theo báo cáo của SSI, các DN bất động sản (BĐS) phát hành trái phiếu lãi suất cao nhất thị trường (12 - 13%/năm) là Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt, Công ty CP Hoàng Phú Vương, Công ty CP Osaka Garden, Công ty CP Galatic Group, Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Unity… Nhu cầu huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu của các DN BĐS ngày càng tăng do khó tiếp cận tín dụng ngân hàng hơn.

Một lô trái phiếu lãi suất trên 13% của Công ty CP Osaka Garden
Một lô trái phiếu lãi suất trên 13% của Công ty CP Osaka Garden

Trong năm 2021, các DN BĐS vẫn là nhóm phát hành nhiều nhất, tổng cộng 318,2 nghìn tỷ trong năm 2021 - chiếm 44% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành và tăng 66,3% so với năm 2020. Điều đáng nói, các DN phát hành TPDN đều “tay không bắt giặc”, trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu.

Cụ thể, tính riêng nhóm trái phiếu BĐS, số trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo (một phần/toàn bộ) bằng cổ phiếu là 172,5 nghìn tỷ đồng - chiếm 54,2% lượng phát hành 2021. Con số thực tế có thể lớn hơn vì có tới 33 nghìn tỷ đồng (10%) trái phiếu BĐS phát hành không có thông tin về tài sản đảm bảo.

Số lượng DN BĐS phát hành tăng từ 141 năm 2020 lên 193 DN trong năm 2021. Để hấp dẫn nhà đầu tư khi mà chất lượng tài sản đảm bảo không cao, nhóm này phải duy trì lãi suất phát hành tốt hơn các nhóm khác. Trái phiếu BĐS vẫn là nhóm có lãi suất hấp dẫn nhất thị trường. Nhóm trái phiếu BĐS có lãi suất duy trì ở mức cao trong 3 năm gần đây (10,3% - 10,6%), trong bối cảnh mặt bằng lãi suất giảm thấp thì mức giảm của trái phiếu BĐS vẫn nhỏ nhất, và một phần đến từ kỳ hạn phát hành ngắn hơn (0,33 năm).

Trái phiếu đảm bảo bằng cổ phiếu và không có tài sản đảm bảo vẫn chiếm hơn một nửa. Gần như toàn bộ 226 nghìn tỷ đồng trái phiếu ngân hàng và 28,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu các định chế tài chính khác (chủ yếu là công ty chứng khoán) phát hành trong năm 2021 đều không có tài sản đảm bảo. Với đặc tính là các trung gian tài chính, có khả năng thanh toán và thanh khoản cao, được giám sát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý nên việc các trái phiếu này không có tài sản đảm bảo cũng không đáng ngại và là thông lệ thị trường.

Với 468 nghìn tỷ TPDN còn lại, số trái phiếu không có tài sản đảm bảo là 83 nghìn tỷ đồng (chiếm 18%), đảm bảo toàn bộ bằng cổ phiếu là 33 nghìn tỷ đồng (chiếm 7%), đảm bảo một phần bằng tài sản/BĐS và một phần bằng cổ phiếu là 131,3 nghìn tỷ đồng (chiếm 28%). Như vậy số TPDN không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo (một phần/toàn bộ) bằng cổ phiếu vẫn chiếm 53% tổng TPDN phi tài chính phát hành.