Tết tinh tế của người Hà Nội

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết Canh Tý đang gõ cửa từng nhà. Dù giàu hay nghèo, Tết cùng là dịp mỗi nhà tính toán, lo toan sắm sửa chu đáo, đủ đầy.

Bản thân phong vị Tết mang tính phi vật chất, người Hà Nội đón Tết vì thế cũng tinh tế, giản đơn, hướng đến giá trị của sự đoàn viên, sum vầy.
Hương vị riêng
Những ngày qua, trên khắp phố phường Hà Nội, công nhân lại bắt đầu chăng các dây bóng điện đủ màu lên những hàng cây phố Hàng Bài, Tràng Tiền, Tràng Thi. Tiểu thương Hàng Lược, Hàng Mã, Hàng Khoai cũng khấp khởi trưng ra đủ thứ đồ để bán.
Cuối tuần, barie được xếp thành hàng, quây trên phố cổ, tạo thành một khu chợ đủ loại. Hàng Lược bán đào; Hàng Mã bán hoa giấy, đèn lồng; Hàng Rươi bán đồ cổ… Đi vài bước ra Cống Chéo, người ta lại thấy đồ sành, đồ sứ. Lũ trẻ con đi theo bố mẹ tươi cười, chạy thảnh thơi, hớn hở trong chợ vì sắp được nghỉ học.
 Người dân Thủ đô vui chơi, đón Tết tại không gian đi bộ Hồ Gươm. Ảnh: Lại Tấn
Nhà văn Trung Sỹ chia sẻ: “Các gian hàng chợ Đồng Xuân cũng trang trí thêm những dây đèn nhấp nháy, bắt đầu bán hàng Tết. Túi hàng Tết định lượng bao gồm gói chè Hồng Đào, gói thuốc lá Thủ đô bao bạc, túi mì chính nửa lạng mắt tinh mới thấy, đôi gói kẹo mềm Hải Châu, hai hộp mứt Tết mỏng bìa nhãn vẽ hoa đài, túi hạt tiêu đen nhỏ nhỏ, chai rượu cam hoặc chanh pha màu, thêm một, hai miếng bóng bì hình thù đa dạng”. Cũng vì thế, người Hà Nội thường có thói quen đi chợ Tết, lang thang những con phố để nhặt nhạnh những món đồ nhỏ, thu vén cho một cái Tết tinh tế, ấm áp.
Ông Bùi Xuân Hòa (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Tết đến, gia đình tôi thường tập trung dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ. Mua một vài cành hoa, thực phẩm Tết như bánh chưng, giò, thắp hương để đón năm mới. Nếu Tết, người ta chỉ lo tập trung mâm cao cỗ đầy thì không còn là ngày nghỉ nữa. Tết chủ yếu là thời gian để nghỉ ngơi, về quê, thưởng thức phong vị Tết không phải lo đến công việc, làm thêm. Những quay cuồng của ngày thường ấy, chúng ta nên tạm gác lại”.
Tết đầm ấm bên gia đình
Với sự phát triển của công nghệ, người trẻ có thể lên mạng, đặt hàng mua đồ Tết qua các chợ ảo, ứng dụng thông minh. Vì thế, Tết giàu vật chất, đa dạng hơn nhưng phong vị Tết trong một bộ phận giới trẻ đã nhạt dần đi và thiếu sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Nhận thấy điều này, Tết đến, người Hà Nội thường có thói quen chuẩn bị Tết một cách tinh tế, không cần quá cầu kỳ, chú trọng việc sum vầy, ấp ám hơn cho trẻ nhỏ.
Người lớn thường muốn đưa trẻ em về quê, ra ngoại thành để cùng nhau gói bánh chưng. Tết bây giờ, người dân Hà Nội cũng rủ nhau mua chung một con lợn, vật ra giữa sân tập thể để chia từng nhà. Có khu tập thể người ta còn gói bánh chưng rồi cùng nhau thức trông qua đêm.
Ông Nguyễn Đăng Anh (Thường Tín, Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi làm như vậy để lũ trẻ cảm nhận được phong vị Tết bằng việc gói bánh chưng, ngồi bên bếp củi chuyện trò, nướng củ khoai, nghe tiếng lửa tí tách. Cũng chỉ Tết, chúng tôi mới có thời gian để chuẩn bị những việc này, lũ nhỏ trong xóm nhờ vậy cũng quây quần, lọ mọ chuẩn bị, không còn đòi điện thoại, ipad để ngồi một xó chơi. Nhờ đó, bọn trẻ cũng quấn quýt, biết cách rửa lá, tranh nhau miếng thịt vừa vặn gói bánh cái bánh cóc, xếp bánh vào nồi. Dù nồi bánh chưng có vơi hay đầy, không gian hơi chật chội nhưng thấy lũ nhỏ tung tẩy trông cũng rất thú vị”.
Hiện nay, do xã hội thay đổi và nhiều lý do của đời sống mà các thành viên trong gia đình sống tản mạn ở nhiều nơi khác nhau. Nhiều gia đình cả năm không có một ngày sum họp đủ đầy. Tết là dịp duy nhất để mọi người bỏ hết công việc để sum vầy bên nhau. Điều này quan trọng hơn việc chuẩn bị mâm cao, cỗ đầy để một cái Tết trôi qua với sự tiếc nuối vì chưa hưởng trọn phong vị năm mới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần