Thả hơn 41.000 cá giống tạo nguồn lợi thủy sản trên sông Hương

Anh Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 41.000 cá giống được thả trên sông Hương để tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Ngày 4/3, Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ tái tạo nguồn lợi thủy sản trên sông Hương (TP Huế) nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho người dân, và phát động trong trào tái tạo nguồn lợi thủy sản năm 2021, góp phần phục hồi hệ sinh thái và tái tạo nguồn lợi tự nhiên trên các vùng nước.
Thả cá giống về tự nhiên là hoạt động thiết thực để giúp phục hồi và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh và đại diện các ban, ngành đã thả hơn 41.000 con giống (cá quả, trê, trắm cỏ, mè…) xuống sông Hương. Trong đó, ngân sách Nhà nước cấp 16.000 con; gần 25.000 con là xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế…
Ngoài ra, trong năm nay, vào Ngày quốc tế Đa dạng sinh học, Ngày Đại dương thế giới, Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ phối hợp với các đơn vị tiếp tục tổ chức tái tạo nguồn lợi thủy sản bằng việc dự kiến thả hơn 570.000 con giống gồm: Tôm, cua và cá kình vào đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; thả hơn 3.000 con tôm sú trưởng thành ra biển nhằm bổ sung nguồn giống tôm sú bố mẹ.
Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hàng năm, tỉnh luôn triển khai các hoạt động để bảo vệ nguồn lợi thủy sản như bảo vệ bãi giống, bãi đẻ và môi trường sống cho các thủy sinh… Trong đó, việc thả con giống xuống hệ thống sông, đầm phá là một trong những hoạt động cụ thể, thiết thực nhất để phục hồi nguồn lợi thủy sản.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn, trong thời gian tới, các cá nhân, tổ chức tiếp tục đồng hành, cùng chung tay với tỉnh bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Từ đó góp phần hình thành hệ sinh thái tự nhiên phong phú, làm sạch môi trường, từng bước mang lại lợi ích bền vững cho người dân.
“Ngân sách nhà nước bỏ ra thực hiện hoạt động thả con giống xuống sông để tái tạo nguồn lợi thủy sản chỉ là một phần ít trong tổng số tiền thực hiện. Đa số là nguồn từ xã hội hóa, đóng góp của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp… Chính điều này đã thể hiện được sự quan tâm, đồng hành của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản hệ đầm phá, sông ngòi của tỉnh”, ông Nguyễn Văn Phương chia sẻ.