Thách thức bảo mật cho ngân hàng số

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 tạo ra nhiều cơ hội, có thể làm thay đổi hoàn toàn kênh phân phối và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống nhưng cũng đặt ra những rủi ro tiềm ẩn về an ninh thông tin.

Phát triển ngân hàng thông minh
Tại Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam 2017 với chủ đề “Tương lai ngân hàng bán lẻ và dịch vụ thanh toán trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, các chuyên gia cho rằng, 3 công nghệ đặc trưng của CMCN 4.0 bao gồm điện toán đám mây, dữ liệu lớn và khối chuỗi (blockchain). Điều này kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của mô hình ngân hàng số: Tạo ra nhiều những sản phẩm dịch vụ tài chính mới như M-POS, internet banking, mobile banking, công nghệ thẻ chip, ví điện tử… mang lại thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện đại và tiết kiệm chi phí giao dịch. Khách hàng dùng các kênh giao dịch số, phi chi nhánh và cùng lúc có thể sử dụng nhiều kênh khác nhau để tương tác, giao dịch với ngân hàng.
 Khách hàng giao dịch Ngân hàng tự động LiveBank. Ảnh: Việt Dũng
Theo “Báo cáo về Dịch vụ ngân hàng: Hành vi sử dụng của người dùng và Xu hướng tại Việt Nam” khảo sát bởi Tập đoàn Dữ liệu Quốc IDG, năm 2017, các giải pháp về ngân hàng điện tử (e-banking) đang ngày càng được sử dụng phổ biến hơn và được đánh giá cao về tính tiện lợi và tiết kiệm thời gian, với 81% người dùng sử dụng các giải pháp e-banking so với 21% theo Khảo sát năm 2015.

Ngân hàng số và giao dịch không giấy tờ sẽ là xu thế phát triển mạnh song cũng đi kèm không ít thách thức, như các vụ tấn công an ninh mạng vào các tổ chức tài chính, ngân hàng ngày càng phức tạp, phát tán virus mã độc qua các ứng dụng, nguy cơ rò rỉ thông tin, dữ liệu khách hàng, giao dịch gian lận, lừa đảo trực tuyến. Kết quả khảo sát cho thấy, 57% người được hỏi thường lo lắng về khả năng dễ bị tấn công khi thực hiện giao dịch ngân hàng trực tuyến.

Báo động đỏ về an ninh mạng

Hơn hai tuần qua, một số người dùng ví MoMo tại Việt Nam phản ánh tình trạng bị mất tiền trong tài khoản, nhưng chưa được giải quyết. Trong khi đó, nguồn tin từ một ngân hàng quốc tế ở Việt Nam cho biết nhận nhiều khiếu nại liên quan đến ví điện tử này trong dịp Black Friday. Gần đây nhất, một khách hàng của ngân hàng Quân đội phản ánh bị mất tiền trong thẻ tín dụng, kết quả tra soát của ngân hàng cung cấp cho thấy các giao dịch trên thẻ đều ở nước ngoài, tên chủ thẻ cũng là một người khác, địa chỉ IP máy tính ở Thái Lan.

Gần đây, tỷ lệ tra soát khiếu nại trên tổng số giao dịch tại một số nhà băng có xu hướng tăng. Với sự phát triển ngày càng tinh vi của công nghệ số và xu hướng chuyển dần sang điện toán đám mây, những lỗ hổng bảo mật cũng vì thế mà tăng theo, kéo theo những lo ngại ngày càng nghiêm trọng về rủi ro tấn công tin tặc. Theo Microsoft, tấn công mạng và lừa đảo là quan tâm hàng đầu của ngành ngân hàng.

Trước tình hình an ninh mạng nổi lên như là một thách thức lớn không chỉ riêng với ngành ngân hàng, các TCTD đã tích cực triển khai cho hệ thống CNTT, trang thiết bị an ninh bảo mật cơ bản như hệ thống tường lửa (firewall); hệ thống phát hiện xâm nhập (IDS/IPS); hệ thống phòng chống virus; xác thực đa thành tố đối với các giao dịch điện tử… Các ngân hàng cho hay, chi phí phải đầu tư hệ thống ngân hàng lõi rất tốn kém, lên đến vài triệu USD, tuy vậy công nghệ thay đổi rất nhanh. “Chi phí nâng cấp thiết bị, phần mềm, hàng quý phải thuê công ty tư vấn kiểm tra có lỗ hổng bảo mật hay không. Chỉ một đợt nâng cấp đã “ngốn” nhiều tỷ đồng” - lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho biết.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, thủ đoạn của tội phạm công nghệ ngày càng tinh vi và các nước cũng phải đối mặt với tình trạng này. Ở Việt Nam, hạ tầng cơ sở và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho hoạt động thanh toán chưa bắt kịp tốc độ phát triển kinh tế và nhu cầu sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay của xã hội. Chi phí đầu tư công nghệ để thực hiện việc thanh toán của các ngân hàng rất cao, đòi hỏi sự đầu tư lớn và lâu dài. Về phía khách hàng, phải chủ động nâng cao cảnh giác trong việc bảo mật thông tin tài khoản cá nhân khi sử dụng mạng xã hội, diễn đàn (forum)…

"Thách thức chung cho toàn ngành ngân hàng Việt Nam và nói riêng cho lĩnh vực thanh toán trong bối cảnh CMCN 4.0 chính là vấn đề an toàn hệ thống và bảo mật thông tin, về các loại tội phạm công nghệ cao, cũng như thách thức về trình độ, năng lực, số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ CNTT. Với Việt Nam 3 vấn đề cần quan tâm là nhân lực, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và khuôn khổ hành lang pháp lý." - Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực