Thách thức cho thể thao Việt Nam tại Asiad 19

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Sau thành công tại SEA Games 32, thể thao Việt Nam bước vào chuẩn bị cho đấu trường lớn hơn với thách thức từ các quốc gia tầm châu lục là Đại hội Thể thao châu Á 2022 (Asiad 19). 

Việt Nam tham dự 32 môn

Asiad 19 ban đầu được dự kiến tổ chức vào tháng 9/2022, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nước chủ nhà Trung Quốc đã rời thời gian tổ chức 1 năm. Cụ thể, Asiad 19 sẽ được diễn ra từ ngày 23/9 tới 8/10 tại Hàng Châu (Trung Quốc), gồm 40 môn (lần đầu tiên các môn thể thao điện tử và breaking được đưa vào chương trình thi đấu) với 66 phân môn và 502 nội dung. Đại hội lần này có sự tham dự của 45 quốc gia và vùng lãnh thổ của châu Á và 5 Ủy ban Olympic quốc gia châu Đại Dương.

Thể thao Việt Nam đặt kỳ vọng vào Điền kinh tại Asiad 19. Ảnh: Dương Quỳnh.
Thể thao Việt Nam đặt kỳ vọng vào Điền kinh tại Asiad 19. Ảnh: Dương Quỳnh.

Asiad 19 có sự tham dự của hơn 12.500 VĐV, phá vỡ kỷ lục 11.300 VĐV tham dự kỳ Đại hội trước ở Jarkata (Indonesia) năm 2018. Đặc biệt, Asiad 19 có 45 đoàn tham dự. Điền kinh là môn có đông đoàn tham dự nhất, lên đến 43 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thể thao Việt Nam đăng ký tham dự với hơn 320 VĐV, ít hơn kỳ Đại hội gần nhất vào năm 2018 (352 VĐV) và tranh tài ở 32 môn thể thao gồm: bơi, điền kinh, cử tạ, bắn súng, thể dục dụng cụ, bắn cung, rowing, canoeing, cầu mây, cờ vua, cờ tướng, golf, cầu lông, bóng ném, thể thao điện tử e-sports, bóng mềm (soft tennis), nhảy breaking, bóng bàn, quần vợt, karate, boxing, judo, taekwondo, vật, wushu, jujitsu, kurash, đấu kiếm, roller, bóng chuyền và bóng đá. Trong đó, môn bóng đá, Việt Nam đăng kí bóng đá nam và bóng đá nữ. Đội Olympic Việt Nam với nòng cốt là các cầu thủ U20 dưới sự dẫn dắt của HLV Hoàng Anh Tuấn được VFF giao nhiệm vụ tranh tài tại Asiad 19. Còn môn bóng chuyền chỉ tham dự nội dung bóng chuyền nữ trong nhà.

Theo  Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt, sau SEA Games 32 các VĐV đang gấp rút tập luyện chuẩn bị cho Asiad 19, nhiều đội tuyển tập huấn ở nước ngoài, tham gia một số giải đấu quốc tế để cọ xát, rèn luyện và chỉ về nước trước ngày Á vận hội diễn ra. Hiện tại, tất cả các các bộ môn đang trong quá trình tập huấn, chuẩn bị chuyên môn. Về danh sách thành viên Đoàn thể thao Việt Nam dự Asiad 19 chưa được thành lập và chưa có quyết định. Tuy nhiên, trong tháng 6 vừa qua các bộ môn trọng điểm đã đưa ra danh sách rút gọn HLV và VĐV tiềm năng.

Mục tiêu tối thiểu giành 3 HCV

Tại Asiad 18 tổ chức vào năm 2018 ở Indonesia, thể thao Việt Nam đã giành tổng 5 HCV, 15 HCB và 19 HCĐ. Những tấm HCV của thể thao Việt Nam giành được bởi môn Đua thuyền rowing bốn nữ (Hồ Thị Lý/Lường Thị Thảo/Phạm Thị Thảo/Tạ Thanh Huyền); Pencak silat (Trần Đình Nam, Nguyễn Văn Trí); Điền kinh: Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa), Quách Thị Lan (400m rào nữ).

Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng phấn đấu giành huy chương tại Asiad 19. Ảnh: Bùi Lượng.
Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng phấn đấu giành huy chương tại Asiad 19. Ảnh: Bùi Lượng.

Bước vào kỳ Asiad 19 với nhiều biến động về cả lực lượng cũng như các môn thi đấu, thể thao Việt Nam đứng trước những khó khăn. Cụ thể, ba nhà vô địch của Asiad 18 là Trần Đình Nam, Nguyễn Văn Trí và Quách Thị Lan không thể tham gia tranh tài khi Pencak silat không nằm trong chương trình thi đấu, Quách Thị Lan đang bị cấm thi đấu do dính doping tại SEA Games 31. Trong khi đó, nội dung rowing thuyền 4 nữ hạng nhẹ nhiều khả năng cũng bị loại và HCV nhảy xa nữ Bùi Thị Thu Thảo vẫn bỏ ngỏ khả năng tham dự.

Thể thao Việt Nam phấn đấu giành từ 3 đến 5 HCV. Theo đánh giá của các nhà quản lý, chuyên gia, đây là mục tiêu cũng không dễ dàng. Người được kỳ vọng 1 số lúc này là Nguyễn Thị Oanh – nhà vô địch SEA Games 32 với 4 tấm HCV nhưng không thể giành huy chương tại Giải vô địch điền kinh châu Á 2023 mới kết thúc tại Thái Lan. Vì thế, mục tiêu dành cho Nguyễn Thị Oanh đặt ra vẫn là kì vọng đạt được thành tích tốt nhất. Trong khi đó, đội tuyển bơi hướng trọng tâm vào ba gương mặt quan trọng là Nguyễn Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên, Phạm Thanh Bảo... Các kình ngư này cùng 8 tuyển thủ nam, nữ khác được đưa sang Hungary để tập huấn và tranh tài tại giải vô địch thế giới 2023 (Nguyễn Huy Hoàng không tham dự) sẽ kết thúc vào 29/7.

Ngoài những môn trọng điểm như: bơi, điền kinh… thể thao Việt Nam tiếp tục kỳ vọng giành HCV ở các môn rowing, võ, cử tạ, cờ vua, cờ tướng... Đặc biệt, môn cờ vua được trở lại chương trình thi đấu chính thức của Đại hội sẽ là cơ hội để thể thao Việt Nam kỳ vọng vào tấm HCV từ đại kiện tướng Lê Quang Liêm – người có kinh nghiệm thi đấu ở nhiều giải đấu khác nhau.  

Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt khẳng định, Asiad 19 là đấu trường gian truân, không cách biệt quá xa về trình độ so với Olympic và cần những VĐV ưu tú: “Đấu trường Asiad có những nội dung thi đấu ở đẳng cấp thế giới vì đó là nội dung có những tuyển thủ châu Á mạnh nhất. Rất khó để hình dung các VĐV của chúng ta sẽ giành được bao nhiêu huy chương, nhưng thực tế là lúc này, thể thao Việt Nam đang làm tất cả để hướng đến Asiad 19 với tinh thần và khát vọng lớn nhất”.