Thách thức xuất khẩu lâm, thủy sản

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bức tranh xuất khẩu lâm sản, thủy sản Việt Nam trong quý I/2023 sụt giảm mạnh đã cho thấy những thách thức chưa từng có do ảnh hưởng từ nền kinh tế toàn cầu.

Nếu không được tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thực chất và kịp thời, hai ngành hàng chục tỷ USD này khó có thể đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 như kỳ vọng.

Sụt giảm đơn hàng, hoạt động cầm chừng

Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu khó khăn, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản
Việt Nam nhìn nhận, thị trường trong nước không thể là chỗ dựa, bởi lâu nay đồ gỗ định hướng làm ra để xuất khẩu.

Chế biến Thủy sản xuất khẩu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Phạm Hùng
Chế biến Thủy sản xuất khẩu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Phạm Hùng

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập cho hay, từ quý I/2023 đến nay, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Do tình cảnh chung của các DN là không có đơn hàng xuất khẩu nên dự kiến năm 2023, giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành chỉ đạt tương đương năm 2022.

“Chưa kể, do ngành bất động sản gặp khó khăn, gỗ lại là mặt hàng “cộng sinh” với thị trường bất động sản. Do đó nếu bất động sản không khởi sắc, thì thị trường đồ gỗ trong nước cũng không thể tăng trưởng được” – ông Đỗ Xuân Lập bày tỏ.

Cùng chung cảnh ngộ, tình hình thị trường của các DN thủy sản cũng không mấy khả quan. Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Tô Thị Tường Lan cho hay: trong quý II/2023, DN không có đơn hàng, nguyên liệu cũng không dồi dào. Thị trường khó khăn, sản xuất nguyên liệu trong nước bị chững lại, cả nông ngư dân và DN đều thiếu vốn để duy trì nuôi trồng, khai thác, chế biến.

Hiện nay, có những DN chỉ sản xuất 3 ngày/tuần, hoạt động cầm chừng. Thời điểm này còn khó khăn hơn so với giai đoạn năm 2021, 2022 là thời điểm đỉnh dịch Covid-19. Dự báo tình hình này có thể kéo dài tới hết năm 2023, thậm chí sang đến hết quý I/2024.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, lâm sản và thủy sản xuất khẩu là hai ngành hàng có giá trị xuất khẩu chủ lực, điểm sáng của ngành nông nghiệp và là một trong rất ít ngành hàng đem lại giá trị xuất siêu cao trên 10 tỷ USD.

Tuy nhiên, trước tác động không tích cực từ kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao tại nhiều thị trường lớn, xuất khẩu lâm, thủy sản đã suy giảm mạnh trong quý I/2023. Quý I/2023 xuất khẩu lâm sản giảm trên 28%, thủy sản giảm trên 27% so với cùng kỳ năm 2022. Số đơn hàng giảm mạnh, dẫn đến DN phải sản xuất cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống của gần chục triệu người lao động.

Linh hoạt mở rộng thị trường

Đưa ra những giải pháp để phục hồi, tăng trưởng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, các DN xuất khẩu Việt Nam phải điều chỉnh hợp lý, đa dạng sản phẩm xuất khẩu, căn cứ vào nhu cầu cụ thể của từng thị trường, tìm hướng đi riêng cho sản phẩm thủy sản.

Đơn cử với Trung Quốc, ngoài sản phẩm đông lạnh, DN nên tận dụng lợi thế về vị trí địa lý gần để tăng xuất khẩu tôm, hải sản tươi, sống. Với những thị trường lớn như Mỹ, các nước châu Âu, DN cần quan tâm hơn đến xu hướng nhập khẩu hàng cho dòng sản phẩm truyền thống (nước mắm, mắm ruốc…).

Đối với mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ, DN cần tập trung vào thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đồng thời, các DN phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Thay vì chỉ cung cấp đồ gỗ với những mẫu mã làm giống nhau hàng loạt, bán giá rẻ số lượng lớn, các DN nên chuyển hướng sang sản xuất hàng có mẫu mã độc đáo.

Ứng phó với tình hình cũng như chủ động đón cơ hội, ông Đỗ Xuân Lập cho biết, ngành gỗ sẽ tiếp tục tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN bằng việc áp dụng đồng thời các giải pháp. Đó là đẩy mạnh sử dụng gỗ rừng trồng trong nước, giảm sử dụng gỗ nhập khẩu; áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động. Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển đổi số để giảm chi phí sản xuất; tăng sản xuất phát thải thấp...

Còn theo bà Tô Thị Tường Lan, với tình hình hiện nay, trong quý II, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ, châu Âu... sẽ tiếp tục giảm mạnh. Trong khi xuất khẩu thủy sản sang các thị trường chính đều ghi nhận đà giảm, xuất khẩu thủy sản sang một số thị trường mới như Trung Đông, châu Á, Isarel… có sự tăng trưởng. Do đó, các DN cần tận dụng các hiệp định thương mại tự do, khai thác một số thị trường mới để bù đắp sự sụt giảm.

Thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, để vượt khó khăn, rào cản, quan trọng là DN chế biến và xuất khẩu lâm sản, thủy sản cần đảm bảo sức khỏe tài chính để duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ hồi phục có thể đáp ứng nguồn cung. Bên cạnh đó, các DN cũng cần chủ động hơn trong tận dụng được lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do, nhất là thuế xuất nhập khẩu.

Tại hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, đẩy mạnh các giải pháp khắc phục thẻ vàng IUU của Liên minh châu Âu.

Xây dựng, hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành một số cơ chế chính sách về lâm nghiệp, thủy sản, trong đó có chính sách phát triển thủy sản, quy định Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam. Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý Bộ NN&PTNT xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh hợp tác công tư để huy động nguồn lực xã hội; xây dựng một số mô hình sản xuất giống, mô hình quản lý chuyên nghiệp, hiện đại; thúc đẩy chuyển đổi số, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ Công Thương tập trung hỗ trợ các DN phát triển thương hiệu, xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường, nhất là xử lý các vụ kiện, tranh chấp thương mại.

Bộ Tài chính nghiên cứu các chính sách, tháo gỡ các vấn đề về thuế, trình cấp có thẩm quyền để xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023.

Bộ KH&ĐT nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển khu công nghiệp chế biến gỗ lâm sản tập trung, phát triển các dịch vụ logistics, khu ứng dụng công nghệ cao trong lâm nghiệp gắn với phát triển ngành chế biến gỗ, lâm sản. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách để các ngân hàng cho vay, cấp vốn, tiết giảm chi phí, giảm lãi suất vay hỗ trợ cho DN xuất khẩu; hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh trong đó có lĩnh vực thủy sản là ưu tiên.

Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, TP triển khai chính sách ưu đãi, hỗ trợ và khuyến khích đầu tư để phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến thủy sản, chế biến gỗ và lâm sản. Cụ thể, có chính sách để phát triển và mở rộng vùng nuôi trồng và sản xuất giống thủy sản tập trung; quản lý rừng bền vững gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc gia.

 

"Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản chủ trì, phối hợp cùng Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương triển khai đề án xây dựng thương hiệu cho 3 sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là tôm, cá tra và cá ngừ.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tiếp tục trao đổi thông tin, cùng với cơ quan quản lý Nhà nước nắm bắt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Đồng thời phối hợp với Bộ Công Thương để hỗ trợ DN trong các vụ kiện thương mại, tổ chức thành công hội chợ quốc tế xuất khẩu đồ gỗ." - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

---

Năm 2022, xuất khẩu lâm sản ước đạt 17,1 tỷ USD, vượt 3,8% kế hoạch đề ra; ngành hàng này đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 đạt 17,5 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt 11 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; mục tiêu kế hoạch năm 2023 của ngành đạt 10 tỷ USD.