Thái Bình: Thông tin mới nhất về Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/9, UBND tỉnh Thái Bình có thông cáo báo chí liên quan đến Quyết định số 731/QĐ-UBND ngày 17/4/2023 về việc xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới rừng đặc dụng tại huyện Tiền Hải.

UBND tỉnh Thái Bình cho biết, với đặc điểm là vùng biển bồi, điều kiện thiên nhiên không thuận lợi, trước những năm 1980 vùng ven biển Thái Bình chủ yếu là bãi triều ngập nước, hầu hết các diện tích ngập nước trở thành nơi sinh kế, nuôi trồng thủy sản, một số khu vực được bồi tụ phù sa có tiềm năng để trồng rừng ngập mặn.

Năm 2014, với mong muốn tập trung phát triển rừng trên các diện tích bãi triều nhằm giữ đất, chống biến đổi khí hậu, tạo sinh kế cho người dân, hướng tới hình thành khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước... tỉnh Thái Bình phê duyệt Đề án xác lập diện tích rừng ngập mặn 12.500 ha với tên gọi Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Phạm vi, ranh giới, quy mô của khu bảo tồn này chỉ mang tính định tính, chưa được xác định bằng các biện pháp nghiên cứu đo đạc có tác dụng định hướng để tỉnh tìm nguồn lực, xây dựng kế hoạch và triển khai phát triển rừng…

Vì nhiều lý do khác nhau nên đến trước thời điểm tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 731, khu rừng trên chưa được xác định chính xác về quy mô và vị trí.

Trong gần 10 năm qua, tỉnh Thái Bình đã sử dụng đúng mục đích, tôn chỉ và các quy định của Công ước Ramsar, Khu dữ trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng, được UNESCO công nhận năm 2004, coi trọng công tác bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế tạo sinh kế cho người dân ven biển…

Rừng ven biển Thái Bình. Ảnh CTV
Rừng ven biển Thái Bình. Ảnh CTV

Dành nhiều nguồn lực, thu hút nhiều dự án để phát triển mạnh rừng ngập mặn ven biển; thực hiện việc cắm mốc, phân loại rừng. Mặc dù việc phát triển rừng gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết, thủy văn nhưng diện tích rừng vẫn tăng nhanh qua từng năm, từ 3.709 ha rừng. Từ năm 2015 đến nay tỉnh Thái Bình đã có gần 4.300 ha rừng đáp ứng đủ các tiêu chí của rừng phòng hộ và đặc dụng giúp phòng, chống thiên tai có hiệu quả và cải thiện rõ rệt môi trường sinh thái vùng ven biển, tạo sinh kế cho nhiều người dân ven biển. Những năm tới, Thái Bình tiếp tục trồng và tới năm 2030 trồng thêm hơn 1.000 ha rừng.

Trước sự biến đổi của khí hậu, dòng chảy khu vực của Ba Lạt bị thay đổi, hiện tượng sạt lở bãi bồi xảy ra nghiêm trọng tại khu vực Cồn Thủ, Cồn Vành, sự đa dạng về sinh học khu vực này cũng thay đổi theo, các loài sinh vật đặc hữu di chuyển về khu vực bãi bồi của huyện Thái Thụy.

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 36/QĐ-TTg thành lập Khu kinh tế (KKT) Thái Bình. Đến năm 2019, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1486/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình với diện tích hơn 30.500ha. Để xây dựng KKT Thái Bình, một phần diện tích đất rừng ven biển được quy hoạch cho KKT, trong đó có khu rừng đặc dụng được tỉnh phê duyệt đề án xác lập vào năm 2014.

Vì vậy, Quyết định số 731/QĐ-UBND không thay thế Quyết định số 2159/QĐ-UBND và không phải là việc xóa sổ khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Hiện nay, Thái Bình đang trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, theo đó quan điểm xuyên suốt của tỉnh “Phát triển kinh tế xã hội bền vững, đi đôi với bảo vệ môi trường".

Thời gian tới, UBND tỉnh Thái Bình phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT rà soát, xác định chỉ tiết, cụ thể quy mô diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải trên thực địa; đánh giá, lập hồ sơ, quyết định thành lập khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải theo đúng quy định của luật đa dạng sinh học làm cơ sở, căn cứ để trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo tồn phát triển đa dạng sinh học, đảm bảo phát triển kinh tế xã hội và phát triển không gian kinh tế biến đa dạng theo Quyết định 1486/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Diện tích rừng ngập mặn tập trung và khu bảo tồn tiếp tục được đầu tư và nâng cao chất lượng. Từ năm 2019 đến nay, toàn bộ diện tích rừng của tỉnh được phân lô, cắm mốc xác định rõ vị trí và diện tích của từng địa phương, thuận lợi cho công tác quản lý bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng; công tác quản lý bảo vệ rừng được coi trọng, không có tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh; việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tính chưa triển khai bất kỳ dự án nào liên quan đến rừng và đất rừng.