Thảm họa kháng thuốc - Bài 4: Thanh tra, giám sát chặt chẽ

Nhật Uyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, gánh nặng do kháng thuốc khiến chi phí điều trị tăng lên, ngày điều trị kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh và sự phát triển chung của xã hội.

Nếu không có giải pháp can thiệp kịp thời, trong tương lai, nhân loại có thể phải đối mặt với khả năng không có thuốc để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm.
Cắt thưởng, trừ lương bác sĩ vi phạm
Mới đây, chia sẻ tại buổi chuyên đề “Mối nguy hiểm của kháng thuốc” tại TP Hồ Chí Minh, TS Phạm Thị Ngọc Thảo – Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy cho biết, hiện trong BV có khoảng 50% kháng sinh được bác sĩ kê toa bất hợp lý. Việc kê toa kháng sinh bất hợp lý có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân bác sĩ thiếu kiến thức hoặc xác định nhầm bệnh; điều trị kháng sinh đã bị đề kháng; điều trị kháng sinh không đủ liều; điều trị kháng sinh quá mức. Trong số các trường hợp sử dụng kháng sinh không hợp lý có 2 trường hợp chiếm tỷ lệ cao là bệnh nhân không nhiễm khuẩn hoặc bệnh không do vi khuẩn nhưng bác sĩ vẫn chỉ định sử dụng kháng sinh chiếm 32%; cao nhất trong việc sử dụng kháng sinh không hợp lý là trường hợp bác sĩ chỉ định sử dụng kháng sinh kéo dài không cần thiết chiếm 33%.

Khám, kê đơn thuốc cho bệnh nhân tại Bệnh viện Dệt May. Ảnh:  Hải Linh

Đề cập đến vấn đề này, ông Cao Hưng Thái – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám bệnh chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết,  khảo sát của Bộ Y tế chỉ ra tỷ lệ sử dụng kháng sinh ở các BV tuyến T.Ư vào khoảng 30%, các BV tuyến tỉnh trên 35%, còn các BV huyện thì đến 45%. Như vậy, càng ở tuyến y tế cơ sở, càng gần dân thì tình trạng dùng kháng sinh càng phổ biến. Lý giải điều này, ông Thái cho biết, Ở các BV T.Ư hay BV tỉnh có máy định danh vi khuẩn, có điều kiện làm kháng sinh đồ để xác định mức độ kháng thuốc. Nhưng BV tuyến huyện không có điều kiện làm kháng sinh đồ, test vi khuẩn. Khi người bệnh vào BV tuyến huyện, bác sĩ chỉ hỏi và cách chẩn đoán theo kinh nghiệm chứ không có máy móc để giúp chẩn đoán chính xác. Điều này đã dẫn tới tình trạng lạm dụng kháng sinh, kháng kháng sinh.
Ngoài ra, cũng theo ông Thái, bác sĩ làm việc tại phòng khám tư dễ lạm dụng kháng sinh hơn BV công do thiếu quy chế giám sát chặt chẽ. “Điều này rất đáng lo ngại bởi Việt Nam có khoảng 1.000 BV công nhưng số cơ sở đa khoa, chuyên khoa tư nhân xấp xỉ 30.000” - ông Thái nhấn mạnh.
Được biết, Bộ Y tế đã ban hành nhiều chế tài xử phạt với các hành vi dùng thuốc kháng sinh không đúng như cấm các dược sĩ không được bán thuốc kháng sinh cho người dân khi không có đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, do lực lượng thanh kiểm tra quá mỏng, quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương, hơn nữa, do mức xử phạt rất nhẹ, nên không đủ sức răn đe. Còn tại các phòng khám tư, tình trạng bác sĩ lạm dụng kháng sinh hay kê đơn biệt dược cũng khó bề kiểm soát.
“Còn đối với các cơ sở y tế và bác sĩ trực tiếp kê đơn, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế tuân thủ đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị. Đến thời điểm này, Bộ đã ban hành gần 700 hướng dẫn chẩn đoán điều trị các loại bệnh, thầy thuốc sẽ căn cứ vào đó để kê đơn. Trong tương lai, nếu bác sĩ kê thuốc không đúng như hướng dẫn chẩn đoán thì sẽ bị cắt lương, thưởng, thậm chí xem xét lại chứng chỉ hành nghề” - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám bệnh chữa bệnh nhấn mạnh.
Thiết lập mạng lưới giám sát
TS Lokky Wai - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, kháng kháng sinh là một mối nguy lớn đối với y tế công cộng trên toàn cầu mà chúng ta cần hành động ngay để giải quyết chúng. Nó đe dọa tới việc ngăn ngừa hiệu quả và điều trị nhiều loại dịch bệnh do vi khuẩn, nấm mốc, virus và các loại ký sinh trùng. Trước mối đe dọa này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, Bộ đã thiết lập mạng lưới giám sát vi khuẩn kháng thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh giai đoạn 2016  - 2020 với 16 BV tham gia giám sát trọng điểm về kháng thuốc. Các đơn vị này thực hiện việc lấy mẫu (máu, nước tiểu, phân, dịch đường sinh dục, tiết niệu), nuôi cấy, định danh và kháng sinh đồ một cách thường quy. Mạng lưới này cũng có nhiệm vụ phân tích và báo cáo dữ liệu quốc gia về kháng thuốc gồm: Giám sát sự kháng thuốc của các vi khuẩn gây bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn trên người; sự xuất hiện của vi khuẩn kháng thuốc mới/hoặc bất thường; giám sát mức độ nghiêm trọng, sự lây lan và vấn đề dịch tễ của vi khuẩn kháng thuốc… Các thông tin này sẽ được cung cấp cho cơ sở y tế, cộng đồng và mạng lưới quốc tế. Tuy nhiên, dù những cảnh báo mạnh mẽ đến thế nào, những giải pháp được Bộ Y tế xây dựng ra sao thì quan trọng là sự “thấm vào đầu” để người dân không sử dụng kháng sinh bừa bãi, để bác sĩ có trách nhiệm hơn trước sức khỏe, tính mạng bệnh nhân. Và kỳ vọng, Bộ Y tế sẽ có những biện pháp mạnh “chặn” được những cái đơn kháng sinh bất hợp lý từ tay bác sĩ. 
Xét báo cáo của Bộ Y tế về tình hình kháng thuốc tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ NN&PTNT, Công Thương, TN&MT kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn 2013 - 2020. Có giải pháp thực hiện hiệu quả kế hoạch này. Theo đó, Bộ Y tế tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định về kê đơn và sử dụng kháng sinh trong các cơ sở y tế; có biện pháp giám sát hiệu quả việc chấp hành các quy định này và xử lý nghiêm các vi phạm. Bộ NN&PTNT tăng cường chỉ đạo quản lý việc sản xuất, nhập khẩu, buôn bán và sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản...

Tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam được xếp ở tốp cao nhất thế giới. Có tới 60% người lành mang vi khuẩn kháng kháng sinh, đặc biệt là xuất hiện chủng kháng, chủng đa kháng kháng sinh. Đây là điều đáng báo động khi Việt Nam có điều kiện khí hậu nóng ẩm, điều kiện chăm sóc y tế chưa cao nên hiện nay việc chọn kháng sinh để điều trị các bệnh rất phổ biến. Tuy nhiên, nếu xảy ra kháng kháng sinh nghiêm trọng thì hậu quả sẽ vô cùng khôn lường. Hiện nay, chương trình hành động về chống kháng kháng sinh đã được Bộ Y tế phê duyệt, sẽ kiểm tra, thanh tra, giám sát chặt chẽ hơn hành vi bán, kê đơn kháng sinh bừa bãi.
Thứ trưởng Bộ Y tế   Nguyễn Thanh Long

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần