“Tham nhũng thời gian” - góc nhìn văn hóa công sở

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với phòng chống “tham nhũng vặt”, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà với người dân, DN của lực lượng cán bộ, công chức đang có trách nhiệm thực thi công vụ, một vấn đề cũng liên tục được nhắc đến khi xây dựng văn hóa công sở là khắc phục tình trạng “tham nhũng thời gian”.

Có thể tệ “tham nhũng” này không gây ra những tác hại nhãn tiền, nhưng cũng làm lãng phí không nhỏ và dường như đã trở thành một chứng… trầm kha, không dễ chữa.
Song song với phần lớn cán bộ, công chức mẫn cán, tận tâm với công việc, đi sớm về muộn, làm việc cả ngoài giờ cũng chưa hết việc, thực tế cũng cho thấy, tại không ít cơ quan, đơn vị, tình trạng cán bộ, công chức vi phạm các quy định pháp luật về sử dụng thời giờ làm việc vẫn xảy ra không ít. Tình trạng sáng “đủng đỉnh” đến cơ quan điểm danh cho đủ, rồi “đủng đỉnh” đi ăn sáng, đi làm việc riêng… để rồi chiều lại đếm giờ để về cũng không phải đã hết.
Sự lãng phí vô hình
Tình trạng cán bộ, công chức “bớt xén” giờ công để làm việc riêng ấy đã trở thành một dạng tham nhũng được đặt tên “tham nhũng thời gian” và biểu hiện muôn hình vạn trạng. Mặc dù các quy định về giờ giấc, trách nhiệm làm việc không hề thiếu, nhiều bộ, ngành, địa phương đã có quy định cấm uống rượu bia trong giờ nghỉ trưa, cấm cán bộ công chức, viên chức không la cà quán cà phê trong giờ hành chính, nhưng khi ngang qua bất cứ một quán cà phê hay nhà hàng, siêu thị nào ở các thành phố vào đúng giờ làm việc, không khó để bắt gặp những công chức, viên chức đang “ăn cắp” thời gian. Họ thản nhiên đi mua sắm, đi ăn, thản nhiên ngồi “chém gió”. Đó là tình trạng “nhờn luật”.
 Ảnh minh họa. 
Một hình thức “tham nhũng thời gian” khác với các trường hợp ở những bộ phận công việc hay phải chạy ngoài đường, thì việc bớt xén “giờ công vụ” để tranh thủ tạt vào quán cà phê, làm việc riêng cũng diễn ra khá phổ biến; chưa kể tới chuyện đi muộn về sớm cũng được ngụy biện với nhiều lý do chính đáng. Hay tình trạng “chân trong chân ngoài”, mở thêm công ty, cửa hàng, làm thêm cho các dự án… giữ chỗ hưởng lương nhưng lại làm việc cho chỗ khác.
Thậm chí ngay cả trong công sở, chuyện trong giờ làm việc ngồi lướt web, đọc báo, xem phim… hay gần đây có một số công chức, viên chức dùng thời gian ở nơi công sở cho việc kinh doanh bán hàng trên các trang mạng xã hội diễn ra không dễ gì đo đếm được.
Cụm từ "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" cũng từng được nhắc đi nhắc lại để minh chứng cho một thực trạng trì trệ, vô trách nhiệm, lười biếng của một phần không nhỏ cán bộ, công chức. Làm sao để xử lý những cán bộ, công chức ăn lương ngân sách nhưng làm việc không hiệu quả, để chống lãng phí là câu hỏi không dễ trả lời.
Bởi, sự lãng phí hữu hình thì dễ nhận thấy, còn lãng phí vô hình mới thực sự là nan giải khi ảnh hưởng lớn đến chất lượng công việc cũng như sự tin cậy của người dân vào bộ máy công quyền. Khi nói về bộ phận cán bộ, công chức này, nhiều đại biểu Quốc hội đã từng mô tả là "không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào".
Như nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão đã nhận định, cùng sự “tham nhũng vặt”, nhũng nhiều, gây phiền hà, “tham nhũng thời gian” cũng tạo ra những tác động không nhỏ, làm trì trệ bộ máy. Chúng ta đã từng đặt vấn đề, phải chăng là do những cơ quan, đơn vị ấy thiếu các giải pháp đào tạo, thiếu cơ chế dùng người, thiếu nội quy, quy chế hay thiếu camera giám sát? Tôi nghĩ là không. Cái thiếu lớn nhất có lẽ là liêm sỉ và lòng tự trọng của những nhân sự được trả lương. Bởi chỉ có thiếu hai thứ đó, con người ta mới không biết xấu hổ khi làm những việc không đúng quy chế, việc bất minh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi từng nêu quan điểm rằng, chúng ta có hơn 2 triệu cán bộ công chức, viên chức, trong đó số lượng 30% công chức, viên chức làm việc không hiệu quả xuất phát là từ dự báo của các chuyên gia. Con số này có thể hơn, có thể không bằng, nhưng giả sử chuyện này xảy ra, rõ ràng đây là số lượng cán bộ, công chức có năng suất lao động rất thấp, làm cản trở năng suất lao động của xã hội. Đối tượng này cần cố gắng xử lý, tinh giản.
Cùng với thực hiện các chủ trương của T.Ư về tinh gọn bộ máy, nhiều cơ quan, đơn vị đã cố gắng tính toán, rà soát, giải phóng khỏi bộ máy những người không làm việc được, những người kém phẩm chất, để bố trí những nhân lực mới có tài, có đức, song hiệu quả thu được vẫn còn hạn chế.
Trong phiên chất vấn trước Quốc hội vừa qua, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) đã đưa ra con số được Bộ Nội vụ nêu trong báo cáo, cả nước chỉ có 0,63% công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Theo đại biểu, nếu như con số này chính xác, đây là một điều rất đáng mừng, nhưng liệu con số này có phản ánh đúng tình hình thực tế thực thi công vụ của công chức hay không? Và nếu không đúng, nguyên nhân xuất phát từ quy định về đánh giá, phân loại công chức không phù hợp hay có sự nể nang, dĩ hòa vi quý trong quá trình đánh giá, phân loại công chức?
Trước thực tế này, chính người đứng đầu ngành Nội vụ cũng đã thừa nhận là “không chính xác”. Chính việc đánh giá kiểu nể nang, người làm việc mẫn cán cũng như người “bớt xén” thời gian cũng như nhau, nên cũng không dễ tìm ra người để tinh giản, vì đều hoàn thành nhiệm vụ.
Xóa bỏ văn hóa “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”
Không phải ngẫu nhiên, cùng với những quy định về đạo đức công vụ trong Luật Cán bộ, công chức, liên tiếp trong thời gian qua, hàng loạt quy định liên quan tới đội ngũ công chức, viên chức đã được tiến hành xây dựng và triển khai. Ở đó, bên cạnh vấn đề xây dựng văn hóa công sở, còn là loại trừ các căn bệnh “cắp ô”, “vô cảm”, “không nhúc nhích”...
Trong đó, vừa qua, một Đề án Văn hóa công sở cũng đã được ban hành và đưa vào thực thi. Đề án này được xây dựng với mục tiêu nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng nhu cầu phục vụ Nhân dân, xã hội…
Tại lễ phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” cách đây không lâu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ, văn hóa công sở phải gắn với gia đình và văn hóa xã hội. Cán bộ, công chức phải thực sự nêu gương với người thân trong gia đình, con cái, bạn bè, đồng nghiệp và các mối quan hệ xã hội. Văn hóa công sở là đúng giờ, không đi trễ về sớm.
Cán bộ, công nhân viên không được bỏ bê công việc, không ăn lạm từng giây, từng phút, từng đồng thuế của người dân, phải thực hành làm hết giờ sang làm hết việc, xóa bỏ văn hóa “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Văn hóa công sở gắn với trách nhiệm công vụ, trong đó trách nhiệm công vụ là trung tâm, văn hóa là cái gốc. Văn hóa công vụ là phải đặt giá trị tập thể lên trên lợi ích cá nhân, lấy lợi ích người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu.
Để cụ thể những quan điểm trên, Thủ tướng đề nghị cần biến phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” thành chiến lược xây dựng văn hóa công sở dựa trên 3 trụ cột. Đó là, xây dựng lại hệ giá trị chuẩn mực trong văn hóa công sở; kiến tạo nên môi trường làm việc có văn hóa và hiệu quả; hình thành hình ảnh, tác phong, cốt cách của cán bộ, công chức chuyên nghiệp, tận tâm, mẫu mực, sáng tạo vì người dân phục vụ.
Nhiều địa phương, cơ quan đơn vị cũng cụ thể hóa các mục tiêu này, đã đưa ra quy tắc ứng xử dành cho công chức, viên chức, người lao động. Trong đó, có những điều quy định rất rõ là không được “bớt xén” giờ nhà nước để buôn bán, kinh doanh, làm việc riêng… Tuy nhiên như nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề, ở đâu cũng có những con người lười biếng, nhưng đây chỉ là số người dùng mác công chức để "lấy le, để nhàn nhã…”.
Sự lười biếng xuất phát từ sự quản lý lỏng lẻo. Nếu quản lý chặt chẽ thì không có người lười biếng và đồng thời đi cùng với nó là chế độ chính sách. Cần khuyến khích người có năng lực và trả công tương xứng cho những người có hiệu quả. Trên thực tế vẫn có rất nhiều cán bộ, công chức mẫn cán, vấn đề là chúng ta phải nhân đội ngũ này lên bằng cơ chế chứ không phải chỉ cổ vũ miệng.
Đồng thời, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường giám sát, minh bạch hóa công việc, minh bạch hóa thông tin, đề cao vai trò giám sát, phản biện của dân đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.
Đặc biệt, đổi mới đánh giá cán bộ, công chức theo kiểu đa chiều, sẽ góp phần loại ra khỏi bộ máy hành chính những người yếu năng lực chuyên môn, thoái hóa biến chất, “tham nhũng vặt”, “tham nhũng thời gian”… tạo công bằng với những người làm việc thực sự cũng là vấn đề cần thực thi kiên quyết.

Làm sao để xử lý những cán bộ, công chức ăn lương ngân sách nhưng làm việc không hiệu quả, để chống lãng phí là câu hỏi không dễ trả lời. Bởi, sự lãng phí hữu hình thì dễ nhận thấy, còn lãng phí vô hình mới thực sự là nan giải khi ảnh hưởng lớn đến chất lượng công việc cũng như sự tin cậy của người dân vào bộ máy công quyền.


Vai trò quan trọng của người đứng đầu

"Nếu so sánh con số chỉ chưa đến 1% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ với hiệu quả công việc thì có lẽ không tương xứng, con số ấy chắc chắn quá nhỏ bé so với thực trạng công việc còn trì trệ mà Chính phủ nhận thấy điều đó, lãnh đạo địa phương chưa hài lòng. Tình trạng cán bộ, công chức chưa làm hết phận sự có trách nhiệm của người đứng đầu.

Người đứng đầu có đầy đủ tâm, tầm, biết giao việc, biết đánh giá công việc của cấp dưới thì mới đánh giá đúng được năng lực cán bộ. Người đứng đầu mà xuê xoa, nể nang, ngoài chuyện không đánh giá đúng được kết quả công việc của cấp dưới mà còn làm tổn hại đến động lực phấn đấu của những người làm tốt, có năng lực.

Thực tế đây là câu chuyện đã tồn tại nhiều năm, bởi khâu lựa chọn, đánh giá cán bộ chưa thực sự chuẩn, chưa đáp ứng yêu cầu khiến hiệu quả công việc của một bộ phận bộ máy còn thấp, kém." - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội PGS.TS Bùi Thị An


Tránh “nuông chiều” cán bộ

"Quản lý không chặt chẽ, “nuông chiều” cán bộ, công chức cũng tạo điều kiện cho cán bộ, công chức “chân ngoài dài hơn chân trong”, lạm dụng giờ công vào việc riêng hoặc tạo ra đội ngũ cán bộ, công chức “cắp ô”. Do đó, ngoài những quy định của luật, cần những quy định kèm theo, từng cơ quan phải có quy chế, quy định cụ thể điều chỉnh phù hợp thực tế. Đồng thời để siết chặt kỷ cương, người đứng đầu phải thực sự gương mẫu, coi trọng chất lượng công việc và cả chất lượng thời gian.

Hiện có rất nhiều hình thức để kiểm tra, giám sát được vấn đề này, tuy nhiên cũng phải tránh hình thức, làm cho có. Đồng thời, cũng phải tính đến cả việc điều chỉnh thời gian làm việc cho phù hợp với thực tế hiện nay khi điều kiện và môi trường làm việc đã có nhiều thay đổi, đúng như quan điểm đã được nhiều người đưa ra, “làm hết việc, chứ không làm hết giờ”. Thiết nghĩ, khi quản lý trên hiệu quả công việc, việc “tham nhũng thời gian” cũng sẽ giảm. " - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão (Vũ Minh ghi)