Tham vọng thế kỷ: Indonesia kiếm đâu ra 35 tỷ USD để dời đô?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tham vọng giải phóng Jakarta khỏi tắc nghẽn nghiêm trọng khó thành hiện thực khi muôn vàn khó khăn đang chực chờ chính quyền Tổng thống Jokowi.

Indonesia đang có kế hoạch di dời thủ đô từ Jakarta đến Nusantara, Đông Kalimantan vào năm 2045. Động thái này nằm trong kế hoạch của Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhằm phân bổ lại vùng kinh tế, giảm mật độ dân số và tắc nghẽn giao thông ở thủ đô.

Dinh Tổng thống mới đang được xây dựng tại Nusantara, Indonesia. Nguồn: CNBC
Dinh Tổng thống mới đang được xây dựng tại Nusantara, Indonesia. Nguồn: CNBC

Lạc quan về tiềm năng mà Nusantara sẽ mang đến cho Indonesia, ông Jokowi dốc sức mời gọi đầu tư vào khu vực này và đảm bảo tương lai ổn định cho các nhà đầu tư trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại khó khăn sẽ ập đến khi di dời thủ đô.

Mục tiêu tái định cư 1,9 triệu người tại Nusantara vào năm 2045 của chính phủ Indonesia rõ ràng khó thực hiện được do dự án này chỉ mới ở giai đoạn đầu, chưa kể một số công chức sẽ phải đến đó vào năm 2024, theo Melinda Martinus, nhà nghiên cứu tại Viện ISEAS-Yusof Ishak.

Trả lời phỏng vấn CNBC, bà Melinda cho biết: “Khu vực mới này cần phải tạo ra sức hút đối với người dân từ trường học, bệnh viện và nhà ở, nếu không sẽ rất khó thuyết phục mọi người chuyển đến”.

Chưa kể còn vô vàn khó khăn khi chí phí xây dựng Nusantara có thể lên đến 35 tỷ USD, trong khi chính phủ chỉ cam kết đầu tư 20% số tiền cần thiết để xây dựng các tuyến đường chính, cơ sở hạ tầng, nước sinh hoạt, dinh tổng thống và văn phòng tổng thống.

Theo các chuyên gia, ông Jokowi hy vọng 80% nguồn vốn còn lại sẽ đến từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, Ju Ye Lee, chuyên gia tại Maybank Investment, cho hay muốn đảm bảo 80% khoản đầu tư còn lại thì chính phủ Indonesia phải chứng minh được tính khả thi của Nusantara cũng như dự án này sẽ được tiếp tục ngay cả khi có chính quyền mới, trong khi quốc gia này không phải lúc nào cũng bạo chi cho cơ sở hạ tầng.

Theo Maybank, ngân sách cơ sở hạ tầng của nước này đã giảm kể từ năm 2017, từ mức cao nhất 2,8% GDP xuống còn 1,9% GDP vào năm ngoái.

“Chính phủ có thể phải tăng vốn đầu tư lên hơn 20% do dự án còn gặp nhiều khó khăn”, theo các chuyên gia trả lời phỏng vấn CNBC.

Agung Wicaksono của Chính quyền Thủ đô Quốc gia Nusantara cho biết chính phủ Indonesia vẫn chưa thảo luận về việc có tăng đầu tư hay không. Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản cho đến năm 2024 sẽ thu hút thêm các khoản đầu tư tư nhân.

Hiện công ty mới nhất tuyên bố sẽ đầu tư vào Nusantara là Ciputra Development. Tập đoàn bất động sản này dự định xây dựng một số dự án nhà ở và khách sạn với tổng diện tích 300 ha. 

Nhưng phần lớn các nhà đầu tư vẫn chưa muốn mạo hiểm đổ tiền vào khu vực này do những lo ngại liên quan đến chính phủ mới.

Bà Martinus cho biết, dù ông Jokowi đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ trong các dự án cơ sở hạ tầng và chương trình phát triển của mình, người dân vẫn không yên tâm liệu chính phủ mới sẽ tiếp tục đầu tư cho dự án này, nhất là khi đảng đối lập phản đối kế hoạch của Tổng thống đương nhiệm.

Khó khăn chồng chất

Việc thiếu kinh phí dời đô có thể khiến Jakarta gặp nhiều thách thức mới. Thật vậy, các nhà nghiên cứu quan ngại kế hoạch đó sẽ giảm trọng tâm xây dựng Jakarta, khiến người dân chịu thiệt hại nặng nề.

“Điều gì sẽ xảy ra với những người không tái định cư? Ai sẽ bảo vệ tài sản của những người dân này khi họ vẫn ở Jakarta?” - Diane Archer, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Môi trường Stockholm cho biết.

Lý giải nguyên nhân tại sao những người dân này không di cư đến Nusantara, cô cho biết nhiều người Jakarta sống ở các khu nông thôn và không đủ nguồn lực để di dời hoặc nếu đi thì vẫn tiếp tục sống trong điều kiện khó khăn.

Archer cũng cảnh báo rằng nếu chính phủ không tiếp tục đầu tư để bảo vệ Jakarta thì người dân nơi đây sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, như lũ lụt liên miên, tăng nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường nước, cơ sở hạ tầng, văn phòng và nhà ở bị ảnh hưởng.

Nusantara cũng dễ đối mặt với tình trạng quá tải về dân số khi không đủ chỗ chứa cho dòng người từ Jakarta tràn về.

Bà nhấn mạnh: “Việc di dời một phần rất nhỏ trong khoảng 30 triệu người từ Jakarta đến khu vực này cũng không giải quyết được vấn đề tắc nghẽn nhức nhối”.