Thận trọng khi nới lỏng tín dụng

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bàn giải pháp đạt mục tiêu tăng trưởng GDP, Chính phủ đặt ra vấn đề giảm lãi suất và tăng trưởng tín dụng đạt 20 - 22% thay vì dự kiến 18% như trước đây.

Điều này cũng đồng nghĩa thêm một lượng tiền lớn sẽ được giải phóng khỏi nhà băng đi ra nền kinh tế. Tuy vậy, tín dụng có hoàn toàn chảy vào sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng GDP hay không lại là vấn đề khác.

Ngân hàng xin nới room

Ước tính đến hết tháng 7, tín dụng tăng 9,3% so với cuối năm 2016 - mức cao nhất trong khoảng 6 năm trở lại đây. Thông thường mọi năm, các ngân hàng tập trung tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm. Với tốc độ như hiện nay, tín dụng có thể tăng vượt mục tiêu. Đến nay, nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) cả năm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao và đang xin nới để có thêm dư địa cho vay.

Hoạt động nghiệp vụ tại chi nhánh VPBank Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Tính đến hết tháng 6, tăng trưởng tín dụng của VIB đã tăng tới 15,7%, với chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng được NHNN giao từ đầu năm (16%), VIB đã dùng gần hết room. Tại VPBank, dư nợ cho vay đã tăng lên 125.700 tỷ đồng, tăng gần 12%, nghĩa là VPBank chỉ còn khoảng hơn 4% dư địa tín dụng theo quy định của NHNN. Tại ACB, trong 6 tháng đầu năm đã sử dụng hơn nửa room tín dụng và đang chờ được NHNN phê duyệt cho nới thêm so với chỉ tiêu giao ban đầu là 16% cho cả năm 2017. Vietcombank tăng 14/16% chỉ tiêu được giao...

Chỉ mang tính ngắn hạn

Ngay từ đầu năm 2017, NHNN đã trù tính chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở khoảng 18%, có điều chỉnh linh hoạt theo thực tế. Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, các ngân hàng xin phép NHNN nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên mức cao hơn và một số ngân hàng đã xử lý khá mạnh tay nợ xấu, có hoạt động cho vay lành mạnh có thể sẽ được NHNN “bật đèn xanh”. Tuy nhiên, nới lỏng cần phải đi kèm với sự thận trọng. Bởi, mặc dù cơ cấu tín dụng đã tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho tăng trưởng tín dụng ổn định, bền vững, nhưng việc kiểm soát chất lượng tín dụng vẫn phải đảm bảo, vì tín dụng tăng cao có thể đi kèm với nợ xấu tăng cao.

Trên thực tế, lâu nay, tín dụng tăng trưởng cao ở Việt Nam đã nhận được không ít lời cảnh báo từ các chuyên gia và tổ chức quốc tế. Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo việc Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng cao sẽ ngày càng làm tăng sự phụ thuộc của nền kinh tế vào hệ thống ngân hàng vốn chưa khỏe mạnh, đồng thời làm tăng rủi ro về chất lượng tài sản, nhất là trong điều kiện nợ xấu trước đây vẫn chưa được xử lý triệt để.

Ngoài ra, nới lỏng tiền tệ thực sự có được thực hiện hay không phải chờ diễn biến của hai chỉ tiêu lạm phát và tỷ giá. Hiện nay, lạm phát ở mức thấp, tỷ giá ổn định đã và đang có những thuận lợi để có thể thực hiện yêu cầu trên. Tuy nhiên, việc nới lỏng này có tác dụng tới tăng trưởng hay không lại khác. Theo TS Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính ngân hàng, vốn tín dụng trong hệ thống ngân hàng chỉ là một trong 4 nguồn vốn quan trọng của nền kinh tế. Trong đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội lại chỉ là một trong 3 trụ cột để giúp cho tăng trưởng kinh tế, bên cạnh yếu tố thứ hai là lao động và thứ ba là năng suất tổng hợp (TFP). Việt Nam muốn có tăng trưởng kinh tế tốt phải tập trung vào cả 3 yếu tố đó, chứ không chỉ riêng vốn. Đẩy tín dụng tăng nhanh rất khó bảo đảm chất lượng tín dụng. Đặc biệt, nợ xấu đang là vấn đề rất lớn. Hiện nay, vốn tín dụng chiếm khoảng 58% lượng vốn đầu tư toàn xã hội. Khi tăng trưởng tín dụng cao, phải đảm bảo được hiệu quả của cả 58% vốn đó và cả phần vốn đầu tư còn lại.

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thực sự mang tính dài hạn và phải được tạo nên bởi sự gia tăng về năng lực sản xuất. “Nới lỏng tiền tệ, một chính sách ngắn hạn, về bản chất không phải là một chính sách thúc đẩy tăng trưởng. Nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang hoạt động ở mức dưới tiềm năng, nên nếu nới lỏng tiền tệ, GDP sẽ tăng. Nhưng tác động đó cũng chỉ mang tính ngắn hạn. Sau một thời gian tăng trưởng, khi nền kinh tế đã vận hành hết công suất, việc tăng cầu sẽ chỉ dẫn đến lạm phát và sự mất giá của nội tệ” - ông Sơn nhận định.

Theo các chuyên gia, tái cơ cấu, đổi mới để nâng chất lượng tăng trưởng sẽ là động lực chính chứ không hẳn là mở rộng chính sách tiền tệ. Chưa kể, một nghịch lý đang hiện hữu là tín dụng tăng nhanh trong khi huy động vốn thấp. Điều này tạo ra tình trạng chênh lệch giữa cung và cầu vốn vay. Hiện, thanh khoản ngân hàng vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, tới đây, nếu tín dụng tăng trưởng cao trên 18% trong khi huy động vốn không đảm bảo thì cuối năm, bài toán về thanh khoản sẽ trở nên phức tạp, khó khăn.

Việt Nam đang là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất trong khu vực, tăng trưởng kinh tế 6 tháng lại rất thấp là một nghịch lý. Nếu đẩy tín dụng mà không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế thì đây không hẳn là bài toán hay. Chúng ta cũng nên xem xét kỹ về con số tăng trưởng thực và số liệu thống kê từ các ngân hàng thương mại. Bởi lẽ, để giải quyết nợ xấu và tăng dư nợ, có thể các ngân hàng sẽ sử dụng biện pháp đảo nợ nhằm đạt được mục tiêu về tăng trưởng nên khó biết con số tăng trưởng dư nợ thật…, chính vì vậy, DN nhỏ và vừa vẫn “đói” tín dụng.

Chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn


Năng lực tài chính của các ngân hàng tại Việt Nam vẫn chưa thực sự bền vững, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) vẫn ở mức thấp, khó đáp ứng theo tiêu chuẩn Basel II. Vì thế, khi tín dụng tăng trên 20%, năm sau cao hơn năm trước, trong khi vốn chủ sở hữu không tương ứng sẽ khiến ngân hàng không đáp ứng được vốn đối ứng với rủi ro tín dụng mà cả rủi ro về huy động, rủi ro thị trường theo chuẩn quốc tế.

Chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực