Tháng khuyến mại Hà Nội 2020: Đòn bẩy kích cầu tiêu dùng cuối năm

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với lượng hàng phong phú, các chương trình khuyến mại đa dạng, Tháng khuyến mại (TKM) Hà Nội 2020 trở thành “cú hích” kích cầu tiêu dùng hậu Covid-19, đồng thời hỗ trợ DN khai thác thị trường nội địa.

Người tiêu dùng mua hàng khuyến mại tại siêu thị BigC. Ảnh: Lê Nam
Doanh thu tăng mạnh
Nhằm kích cầu tiêu dùng, các DN tham gia TKM đã liên tục tổ chức nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá lên đến 70% các mặt hàng điện máy, hàng gia dụng, thực phẩm, mỹ phẩm, thời trang... qua đó đã thu hút người tiêu dùng tiêu thụ sản phẩm.

Giám đốc Siêu thị Media Mart Phạm Văn Đồng Phạm Hoàng Hạnh thông tin: Nhằm kích cầu tiêu dùng Siêu thị Media Mart Phạm Văn Đồng đã giảm giá từ 30 -50% cho các sản phẩm điện máy. Còn theo Giám đốc Marketing siêu thị điện máy Pico Nguyễn Quang Đức: Để xây dựng, triển khai các chương trình khuyến mại, siêu thị Pico đã liên kết với các nhà cung cấp, qua đó tổ chức chương trình khuyến mại cho các mặt hàng điện tử, đồ gia dụng. Đặc biệt hưởng ứng Chương trình Không dùng tiền mặt, bên cạnh việc giảm giá từ 25 - 50% cho hàng loạt sản phẩm, siêu thị Pico còn giảm thêm 5% cho khách hàng thanh toán qua ví điện tử VNPAY, thanh toán qua ứng dụng của BIDV sẽ được giảm giá thêm 10%.

Việc các DN liên tục tổ chức chương trình khuyến mại, giảm giá đã thu hút hàng trăm nghìn lượt người đến mua sắm, sức mua đã tăng từ 15 - 30% so với cùng kỳ năm trước. Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại siêu thị Big C Thăng Long, bà Hoàng Thu Trang (Thanh Xuân) chia sẻ: "Mặt hàng trái cây tại siêu thị Big C Thăng Long rẻ hơn hệ thống chợ truyền thống. Chẳng hạn dưa hấu chỉ 12.000 đồng/kg, ngoài ra, các mặt hàng rau quả giá rất hợp lý mà lại tươi ngon". Tại buổi kiểm tra các điểm khuyến mại vàng do Sở Công Thương Hà Nội vừa tổ chức (14/11), Giám đốc Vùng Hà Nội của Central Group Lê Mạnh Phong thông tin: Dự kiến lượng khách hàng đến siêu thị Big C mua sắm những ngày này tăng từ 20 - 30% so với những ngày bình thường.

Đánh giá về việc các siêu thị tổ chức các chương trình giảm giá trong Tháng khuyến mại Hà Nội 2020 qua đó kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm 2020, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan kỳ vọng: TKM sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu cho các DN và đóng góp vào tổng mức bán lẻ của TP Hà Nội tháng 11/2020 cũng như cả năm 2020. “Doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, chúng tôi đang đặt mục tiêu con số này năm 2020 là đạt 10,5%” - bà Trần Thị Phương Lan nói.

Không để hàng kém chất lượng trà trộn

Thực tế cho thấy mặc dù TKM Hà Nội đã kích cầu tiêu dùng vào thời điểm cuối năm, nhưng người tiêu dùng cũng không khỏi lo lắng tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn cùng các thương hiệu uy tín. Đồng thời DN lợi dụng chương trình TKM Hà Nội để đưa hàng kém chất lượng, hàng cận date, hàng lỗi mốt… để tặng hoặc giảm giá sâu cho khách hàng qua đó đẩy hàng tồn kho.

Trước lo lắng của người tiêu dùng, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái lợi dụng TKM Hà Nội để tiêu thụ, Sở Công Thương đã yêu cầu tất cả các DN tham gia TKM Hà Nội đều phải đăng ký với Sở Công Thương và qua các khâu kiểm soát chặt chẽ từ các phòng nghiệp vụ đến kế hoạch tài chính tổng hợp. Cụ thể hàng hóa sản phẩm được khuyến mại phải có nguồn gốc rõ ràng, tỷ lệ khuyến mại được công bố công khai giá cũ và giá mới để người tiêu dùng nhận biết và so sánh. Ngoài ra, Sở Công Thương sẽ thông tin đến các lực lượng chức năng trên địa bàn TP như quản lý thị trường, thanh tra Sở Công Thương để tăng cường quản lý kiểm tra trong thời gian diễn ra TKM. “Các sản phẩm đăng ký tham gia TKM đều đảm bảo chất lượng đáp ứng được tiêu chuẩn, tiêu chí chất lượng, truy xuất được nguồn gốc và đảm bảo an toàn thực phẩm” - bà Lan khẳng định.

Liên quan đến vấn đề đảm bảo chất lượng hàng hóa của các DN trong thời gian diễn ra chương trình khuyến mại, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên nêu rõ: Nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, 33 đội quản lý thị trường Hà Nội và lực lượng thanh tra của Sở Công Thương Hà Nội đẩy mạnh kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện DN sai phạm, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm, qua đó đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Việc cơ quan quản lý và lực lượng chức năng quyết liệt ngăn chặn tình trạng lợi dụng TKM để tiêu thụ hàng kém chất lượng, hàng lậu cho thấy, TKM là cầu nối gắn kết giữa người tiêu dùng với các DN, qua đó người tiêu dùng tiếp cận được sản phẩm Việt Nam chất lượng, giá cả phù hợp. DN sản xuất kết nối với DN bán lẻ làm đòn bẩy tiêu thụ sản phẩm bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và những tháng cuối năm.
Trong tháng 11, Sở Công Thương đặt mục tiêu 2.000 DN tham gia TKM 2020. Tuy nhiên, đến nay, mới nửa tháng 11 nhưng đã tiếp nhận khoảng 3.000 DN tham gia với hàng trăm nghìn mẫu mã sản phẩm đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại với mức giảm giá cao nhất lên đến 70%.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan