Thành công nhờ lối đi riêng

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát huy lợi thế của làng nghề mộc truyền thống, Nguyễn Hợp Mạnh (sinh năm 1986, xã Liên Trung, huyện Đan Phượng) đã gặt hái được nhiều thành công trên con đường khởi nghiệp của mình, nhờ nhanh nhạy chọn được lối đi riêng.

Nguyễn Hợp Mạnh, xã Liên Trung, huyện Đan Phượng đang làm việc tại xưởng của gia đình. Ảnh: Phương Nga
Tận dụng lợi thế địa phương
Như nhiều thanh niên khác, khi còn ngồi trên giảng đường đại học, Mạnh luôn mơ về một tương lai sáng láng với một công việc ổn định ở TP lớn. Sau khi tốt nghiệp Đại học Công đoàn, với tấm bằng cử nhân ngành Xã hội học, Mạnh đã có thời gian hơn một năm thử sức với công việc đúng chuyên ngành được đào tạo của mình. Tuy nhiên, trong anh vẫn luôn trăn trở về ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Mạnh luôn tự hỏi: Làng quê mình có nghề mộc truyền thống và biết bao thế hệ cha ông vẫn sống khỏe với nghề, vậy tại sao mình phải bươn chải ở chốn thị thành xô bồ này?

Mạnh tâm sự: "Mỗi lần về quê, tôi lại chứng kiến những xưởng mộc ngày đêm làm không hết việc, trong khi đa phần thanh niên của làng đều không mặn mà với nghề". Vậy là năm 2011, anh quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Để hiện thực hóa ước mơ của mình, đầu tiên Mạnh dành ra hơn một năm đi làm thuê tại các xưởng sản xuất với mục đích lấy kinh nghiệm. Nhờ sự chăm chỉ, cần cù, chỉ sau một năm, anh đã nắm được những yếu tố cơ bản của nghề. Ngoài ra, anh còn không ngừng tìm hiểu, học hỏi các mẫu mã, kỹ thuật để làm ra các sản phẩm tinh xảo. Sau khi đã tích lũy được một số vốn nho nhỏ và kiến thức trong ngành mộc, năm 2013, Mạnh quyết định mở xưởng sản xuất trên mảnh đất của gia đình với số vốn 200 triệu đồng.

Chọn lối đi riêng

Mạnh nhận ra rằng, để một cơ sở mộc “sinh sau, đẻ muộn” có thể tồn tại và phát triển trong chuỗi làng nghề vô cùng phát triển này thì cơ sở đó phải có sự khác biệt, đột phá. Vậy là anh đã tìm hiểu và nhận thấy việc điêu khắc gỗ không còn dừng lại ở việc điêu khắc bằng tay mà còn có sự hỗ trợ của máy móc. Trong đó, tiên tiến nhất phải kể đến công nghệ chạm gỗ CNC (viết tắt của thuật ngữ Computer Numerical Control - máy tiện cơ khí điều khiển bằng máy tính). Công nghệ này có nhiều ưu thế vượt trội như khi sử dụng máy để gia công khắc gỗ thì sản phẩm tạo ra đúng với bản vẽ đã thiết kế, số lượng đồng loạt, thời gian gia công ngắn nên sẽ tiết kiệm chi phí, giá sẽ rẻ hơn so với khắc gỗ bằng tay từ 6 – 7 lần.

Mạnh đã quyết định đầu tư công nghệ chạm gỗ CNC 3D. Anh tự học hỏi, mày mò tìm kiếm thông tin trên mạng và tự tay làm mọi công đoạn từ khâu thiết kế sản phẩm trên máy vi tính, thợ mộc ráp sản phẩm hoàn thiện, thợ sửa chữa máy móc khi có trục trặc và là nhân viên maketting giới thiệu thị trường cho mọi người... Nhờ sự đa dạng về mẫu mã, chất lượng tinh xảo, lại có sự cạnh tranh về giá cả nên các sản phẩm do Mạnh làm ra đáp ứng nhu cầu của thị trường, thu hút nhiều khách hàng. Nhờ đó mà cơ sở luôn làm không hết việc.

Hiện xưởng sản xuất của Mạnh tuy chỉ có 5 công nhân nhưng khối lượng hàng làm ra tương đương những xưởng 40 – 50 công nhân làm thủ công. Trung bình mỗi tháng, cơ sở sản xuất của Mạnh làm ra vài nghìn sản phẩm. Trừ chi phí, anh cũng thu về khoảng 50 triệu đồng/tháng. Mạnh cho biết anh đang dự định mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư công nghệ chạm khắc 4D, tạo ra nhiều sản phẩm đặc sắc đáp ứng nhu cầu của thị trường.