Thành kính dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng

Linh Anh – Việt Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/4 (tức mùng 10 tháng 3 năm Mậu Tuất), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu và đồng bào cả nước đã về dự lễ dâng hương Giỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng 2018.

Ngày chính giỗ tại Phú Thọ trời mưa kéo dài, nhưng hàng triệu lượt người vẫn đội mưa lên núi Nghĩa Lĩnh dâng hương tri ân công đức Quốc Tổ Hùng Vương.

Thành kính dâng hương

Trong tiếng nhạc lễ, tiếng chiêng, trống âm vang gợi nhớ về thuở xa xưa oanh liệt và hào hùng thời các Vua Hùng dựng nước, đoàn dâng hương với đội nghi trượng uy nghiêm, nhạc lễ thành kính và đoàn cờ phướn lộng lẫy khởi hành từ sân Trung tâm lễ hội qua Nghi Môn, đền Hạ, đền Trung, lên đền Thượng để dâng hương hoa, lễ vật tưởng nhớ, tri ân công đức các Vua Hùng. Ði đầu là đội Tiêu binh rước cờ Tổ quốc, cờ hội, vòng hoa mang dòng chữ “Ðời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước”. Tiếp đó là 14 thiếu nữ trong trang phục áo dài truyền thống đỏ thắm mang hương hoa, lễ vật cung tiến và 100 thanh niên, tượng trưng cho 100 người con của cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ trong trang phục cổ, tay giương cao cờ hội thể hiện sức sống mãnh liệt của con cháu Vua Hùng.
  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu dâng hương lên Quốc Tổ vua Hùng
Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng chính thức bắt đầu tại đền Thượng trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Trong thời khắc thiêng liêng trước bàn thờ Quốc Tổ Hùng Vương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu đã cử hành các nghi lễ trọng thể, dâng hương, hoa, lễ vật tại Thượng Cung, thành kính tri ân công đức các vị liệt tổ, liệt tông đã có công khai thiên lập quốc, lập nên Nhà nước Văn Lang – nhà nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam; đồng thời cầu cho Quốc thái dân an, đất nước bình yên, thịnh vượng, trường tồn…

Thay mặt Ban tổ chức và đồng bào cả nước, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Minh Châu đã đọc Chúc văn khẳng định ý nghĩa to lớn của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương; ca ngợi, khắc ghi công đức cha rồng, mẹ tiên, công lao trời biển của các Vua Hùng đã có công khai sơn, phá thạch, dựng nên bờ cõi; ca ngợi tinh thần quật khởi, kiên cường của các bậc tiền nhân đã không tiếc xương máu đánh đuổi giặc ngoại xâm, gìn giữ đất nước và tinh thần anh dũng của toàn quân, toàn dân trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do của Tổ quốc, đồng thời kính cáo trước anh linh các bậc tiền nhân về những thành tựu to lớn mà toàn Đảng, toàn dân ta đã đạt được trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển.

Đông nhưng không ùn tắc

Ngay sau lễ dâng hương, tại các đền của khu di tích, hàng triệu con dân đất Việt trên mọi miền Tổ quốc, kiều bào ở nước ngoài đã thành kính tri ân công đức Tổ tiên, dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng và tham gia các hoạt động lễ hội, các trò chơi dân gian như đánh trống đồng, đâm đuống, hát xoan, hát ghẹo…

Từ 7 giờ sáng, cơn mưa nặng hạt đã bất ngờ đổ xuống. Người đi lễ đội nón, cầm ô, mặc áo mưa rồng rắn thành đoàn. Tỉnh Phú Thọ đã huy động 1.000 người thuộc các lực lượng công an, bộ đội, sinh viên tình nguyện... tham gia đảm bảo an ninh, trật tự trong những ngày diễn ra lễ hội. Trời mưa, nhưng người dân và du khách ùn ùn lên đền nên lực lượng chức năng khá vất vả trong việc đảm bảo an ninh, trật tự. Lực lượng chức năng liên tục dùng loa tuyên truyền, nhắc nhở người dân không chen lấn xô đẩy, nhường đường cho người già và trẻ nhỏ. Bà Trần Thị Thoan (80 tuổi, Nam Định) cho biết: Trời mưa càng được lộc, nên bà cùng con cháu cố gắng chịu ướt để lên đến đền Thượng dâng hương. Đây là năm thứ 7 bà đi Lễ hội Đền Hùng. “Tuy mưa nhưng đây là năm đầu tiên đi lễ vào ngày chính hội mà không phải chen chúc lộn xộn” - bà Thoan bày tỏ.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là Quốc lễ của Việt Nam vào mùng 10 tháng 3 âm lịch. Cũng trong ngày này, tại các địa phương nơi có đền thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên cả nước và trong tỉnh Phú Thọ đã đồng loạt tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng theo nghi lễ truyền thống. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt đã được UNESCO đánh giá, công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Lễ Giỗ Tổ là dịp thể hiện tình cảm thiêng liêng, in sâu trong tâm khảm mỗi người dân đất Việt; là biểu tượng của giá trị văn hóa tinh thần vô cùng độc đáo và sâu sắc, thể hiện tinh thần đại đoàn kết, đạo lý truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”; nhớ về Tổ tông, về nghĩa “đồng bào” để cùng nhau làm nên sức mạnh Việt Nam trong tiến trình dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc.