Thành lập chính phủ "Đại liên minh" sẽ phá vỡ thế bế tắc chính trị tại Đức

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Thủ tướng Angela Merkel có thể thành lập được Chính phủ “Đại liên minh” được chờ đợi sẽ là giải pháp khả thi nhất để nhanh chóng đưa chính trường Đức ra khỏi thế bế tắc hiện nay

Ngày 26/11, các nhà lãnh đạo Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) theo đường lối bảo thủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhất trí theo đuổi thành lập một chính phủ "Đại liên minh" với đảng Dân chủ Xã hội (SPD) nhằm giải quyết khủng hoảng chính trị tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu hiện nay.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters
Trước đó, dưới áp lực ngày càng tăng về việc duy trì ổn định và tránh các cuộc bầu cử mới, ngày 24/11, SPD đã thay đổi quan điểm, nhất trí tiến hành đàm phán thăm dò về liên minh cầm quyền với Thủ tướng Merkel, mở ra triển vọng về việc thành lập một đại liên minh mới vốn cầm quyền nước Đức trong 4 năm qua.
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp ban lãnh đạo CDU ngày 26/11, Thủ hiến bang Schleswig Holstein, ông Daniel Guenther khẳng định CDU mong muốn hướng tới một chính phủ hoạt động hiệu quả.
Ôn Guenther khẳng định sẽ không có một chính phủ thiểu số mà sẽ là một "đại liên minh" chiếm đa số trong Quốc hội. 
Kết quả cuộc thăm dò dư luận do hãng Emnid thực hiện công bố hôm 26/11 cho thấy, 52% số người Đức được hỏi tuyên bố ủng hộ liên đảng bảo thủ CDU/CSU và đảng trung tả SPD tiếp tục liên minh cầm quyền như hiện nay. 
Sự thay đổi này của phía đảng SPD đạt được sau cuộc gặp giữa Chủ tịch SPD Martin Schulz và Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier hôm 23/11.
Tổng thống Đức đã thuyết phục  và thúc giục SPD đứng ra gánh vác trách nhiệm và đàm phán với CDU/CSU về khả năng liên minh.
Diễn biến này được chờ đợi sẽ là giải pháp khả thi nhất để nhanh chóng đưa chính trường Đức ra khỏi thế bế tắc hiện nay, khi không có chính phủ đa số nào được thành lập sau 2 tháng tiến hành bầu cử Liên bang.
Phát biểu trước báo giới ngày 26/11, Chủ tịch đảng CSU, ông Horst Seehofer nhận định “Đại liên minh giữa CDU/CSU với SPD sẽ là giải pháp tốt nhất cho nước Đức", thay vì một liên minh với đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh, tiến hành bầu cử lại hay một chính phủ thiểu số.

Chủ tịch đảng CSU, ông Horst Seehofer phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, ông Seehofer cũng cảnh báo SPD không nên đưa ra quá nhiều yêu sách trong đàm phán, bởi phía liên đảng bảo thủ không muốn đạt được thỏa thuận liên minh "bằng mọi giá." 
Trước đó, Thủ tướng Merkel cũng khẳng định sẽ theo đuổi việc thành lập một chính phủ "Đại liên minh", đồng thời cho biết chính phủ hiện nay của bà vẫn có thể duy trì các hoạt động cho đến khi một chính phủ mới được thành lập.
Bà Merkel cũng tuyên bố sẵn sàng thỏa hiệp để sớm thành lập một chính phủ ổn định, hiệu quả, song các cuộc đàm phán với SPD sẽ phải dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. 
Trong khi đó, một số nhà lãnh đạo châu Âu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhanh chóng có được một Chính phủ Đức ổn định để Liên minh châu Âu (EU) có thể bàn thảo các vấn đề tương lai, bao gồm đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc cải tổ khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu và Brexit. 

Theo kế hoạch, vào ngày 30/11 tới, với vai trò là trung gian, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier sẽ chủ trì cuộc gặp với lãnh đạo 3 đảng CDU, CSU và SPD để thảo luận về khả năng tiến hành đàm phán thành lập chính phủ ở Đức.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần