Thanh Oai phát động phòng, chống sốt xuất huyết

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 4/7, UBND huyện Thanh Oai phối hợp với Trung tâm Y tế (TTYT) huyện tổ chức phát động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết.

Theo báo cáo của TTYT huyện Thanh Oai, năm 2022, toàn huyện ghi nhận 1.491 ca mắc, 106 ổ dịch sốt xuất huyết. Trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện Thanh Oai ghi nhận tổng số 26 ca sốt xuất huyết, 1 ổ dịch. Số mắc tăng 16 ca so với cùng kỳ 2022 (10 ca).

Thời gian qua, UBND huyện Thanh Oai đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể của huyện; UBND các xã, thị trấn tập trung, nghiêm túc phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị các cấp trong công tác phòng, chống dịch, chú trọng công tác đánh giá, dự báo nguy cơ tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết.

Đoàn xe ra quân diễu hành cổ động về phòng, chống sốt xuất huyết.
Đoàn xe ra quân diễu hành cổ động về phòng, chống sốt xuất huyết.

Đồng thời, TTYT huyện tổ chức các chiến dịch truyền thông sâu rộng trong cộng đồng nhằm nâng cao kiến thức, thay đổi thái độ và thực hành phòng, chống bệnh sốt xuất huyết tại cộng đồng; vận động người dân chủ động diệt muỗi, diệt bọ gậy tại hộ gia đình.

Bên cạnh đó, huy động các cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương và các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền cho người dân về ý nghĩa của “Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết” năm 2023.

21/21 xã, thị trấn tổ chức đợt truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết bằng nhiều hình thức phù hợp với thực tế địa phương. Thực hiện tổng vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, thau rửa các dụng cụ chứa nước, thả cá vào bể nhằm loại trừ các ổ bọ gậy, với sự tham gia tích cực của cả cộng đồng.

Thời gian tới, TTYT huyện Thanh Oai tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết một cách đồng bộ.

Triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động của Đề án phòng chống sốt xuất huyết giai đoạn 2022-2025 đã được UBND huyện phê duyệt.

Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND huyện về việc chủ động, tích cực phòng, chống sốt xuất huyết, trong đó chú ý đảm bảo kinh phí, cơ số vật tư, trang thiết bị, hóa chất diệt muỗi, côn trùng bằng nguồn lực tại chỗ.

Tập trung phòng, chống dịch tại các khu vực nguy cơ cao như ổ dịch cũ, nơi có vệ sinh môi trường kém, nơi thiếu nước sạch, nơi có nhiều nhà cho thuê trọ, nơi có công trường xây dựng, nơi có nhà hoang, nơi có nghĩa trang xen kẽ khu dân cư.

Đồng thời, các xã, thị trấn tiếp tục làm tốt công tác giám sát, phát hiện sớm các ca nghi sốt xuất huyết. Triển khai kịp thời các biện pháp đáp ứng chống dịch, không để dịch lây lan, bùng phát.

Tổ chức hoạt động giám sát côn trùng truyền bệnh tại các khu vực nguy cơ, khu vực trọng điểm, khu vực ổ dịch cũ, khu vực có bệnh nhân/ổ dịch để đánh giá các chỉ số côn trùng, có biện pháp xử lý kịp thời.

Đặc biệt, người dân khi có triệu chứng nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, sốt cao liên tục trên 2 ngày cần đến ngay cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.