Thành ông chủ sau ba lần khởi nghiệp thất bại từ vịt trời

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ bỏ công việc ổn định với mức lương cao ở Hà Nội, anh Nguyễn Đức Diệp (SN 1982) tự tìm kiếm cho mình một lối đi riêng với cách khởi nghiệp hoàn toàn khác biệt. Nhờ nuôi vịt trời, mỗi năm, anh đã thu lãi tiền tỷ. Anh vinh dự là một trong 80 nhà nông trẻ xuất sắc được giải thưởng Lương Định Của năm 2017.

Với anh Nguyễn Đức Diệp (xã Quang Vinh, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), những ngày đầu khởi nghiệp thật khó khăn. Gần 2 năm, anh đã phải đấu tranh tư tưởng với sự phản đối của gia đình sau quyết định táo bạo từ bỏ một công việc tốt tại công ty nước ngoài với mức lương “khủng” ngay sau khi ra trường. Khi gặp một số người bạn đang xây dựng Dự án làm nông nghiệp sạch, anh nghĩ ngay đến việc đầu tư nuôi gà Đông Tảo, trồng rau sạch…
Anh Nguyễn Đức Diệp (áo xanh) tại lễ trao thưởng Lương Định Của lần thứ XII năm 2017.
Nhưng sau đó, anh gặp khó khăn khi phải lựa chọn nuôi con gì, trồng cây gì để phù hợp với điều kiện khí hậu cũng như thổ nhưỡng của địa phương. Kiên trì trong việc tìm kiếm cho mình một lối đi riêng, cuối cùng anh cũng tìm được cơ hội từ loại thủy cầm vịt trời trong chuyến công tác ở miền Tây. Theo anh Diệp, đây là loại thủy cầm có hàm lượng dinh dưỡng cao, mang lại giá trị kinh tế cao nên anh quyết định khởi nghiệp từ vịt trời. “Thời điểm năm 2011, ở miền Bắc cũng khá nhiều người nuôi vịt trời nhưng nuôi vịt trời sạch theo chất lượng quốc tế thì mình là người đầu tiên theo mô hình này”, anh Diệp chia sẻ.
Tuy nhiên, cuối năm 2012, sau khi dồn toàn bộ đất lúa của gia đình thành khu trại rộng 3ha đầu tư 2 tỷ đồng nuôi 200 con vịt trời giống chuyển từ miền Tây ra, anh đã thua lỗ hơn 100 triệu đồng do hơn một nửa đàn vịt chết trong quá trình vận chuyển. Rút kinh nghiệm từ những thất bại trước đó, anh tiếp tục phát triển đàn vịt lên 2.000 con giống nhưng thêm một lần nữa anh “nếm mùi” thất bại. “Thời tiết miền Bắc năm 2013 - 2014 thất thường, vịt dễ bị cúm. Dù phát hiện đàn vịt có một số con bị cúm, tôi đã cách ly nhưng không kịp, năm ấy đàn vịt chết sạch, tính ra, tôi bị lỗ gần 1 tỷ đồng. Đây là bài học đắt giá cho bản thân tôi”, anh Diệp nhớ lại.
Anh Nguyễn Đức Diệp chia sẻ với phóng viên.
Ba lần thất bại, những tưởng, anh sẽ bỏ cuộc, nhưng ngược lại, anh mang sách bút đến Học viện Nông nghiệp Việt Nam xin học việc. Từ những kiến thức của các chuyên gia, cộng với kinh nghiệm của một số bạn bè cũng đang học việc tại đây, anh lại gom vốn vào miền Tây mua vịt về nuôi tiếp và anh đã thành công. Lần này, anh không những biết cách thuần hóa, mà còn tránh được các dịch bệnh cho đàn vịt của mình.
Hiện trang trại của anh được chia làm 5 khu vực nuôi vịt trời bao gồm: Khu nuôi vịt đẻ, khu ấp vịt con, khu nuôi vịt con; khu nuôi vịt nhỡ và khu nuôi vịt trưởng thành. Khác với nhiều trang trại nuôi vịt trời hiện nay được nuôi trong các ao hồ tự tạo, anh Diệp lại nuôi đàn vịt của mình trên hệ thống sông ngòi thủy lợi “Mỗi tháng, trung bình đàn vịt đẻ cho sinh sản trên 20 vạn quả trứng. Sau khi thu nhặt, số trứng này sẽ được soi, khử trùng và cho vào lò úm, sau khoảng 28 ngày sẽ sinh sản vịt con”, anh Diệp cho hay.
Với mong muốn xây dựng trang trại sạch theo tiêu chuẩn khắt khe của quy trình VietGap và tiến tới xây dựng trang trại vệ tinh nên toàn bộ vịt con của anh Diệp sẽ được giữ lại nuôi trực tiếp tại trang trại chứ không bán ra ngoài thị trường cho đến khi anh Diệp xây dựng được hệ thống trang trại vệ tinh, nuôi theo quy trình chuồng trại sạch.
Anh Nguyễn Đức Diệp trong quá trình chăm sóc đàn vịt trời.
Đến nay, Công ty TNHH Thương mại và thực phẩm ABCO do anh làm chủ đã có tổng diện tích 12ha, hằng năm cho doanh thu 15 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận 1,8 tỷ đồng. Mỗi tháng, hệ thống nhà hàng mang tên “Vua vịt trời” của anh đón từ 1.200 đến 1.500 khách, tiêu thụ khoảng 20 - 25 nghìn con vịt. Ngoài ra, anh còn phối hợp Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam chuyển giao kỹ thuật nuôi vịt sạch cho 11 hộ chăn nuôi khác trong xã.
Dù đã có chút thành quả nhưng với anh Diệp tất cả mới chỉ là bước khởi điểm. Dự định của anh trong thời gian tới, anh sẽ cố gắng để thương hiệu “Vua vịt trời” có mặt trên khắp cả nước. Kế hoạch dài hạn sẽ để vịt trời có mặt tại một số thị trường nước ngoài trong khu vực châu Á và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhiều hộ nông dân nhằm tăng nguồn thu nhập, đồng thời tạo ra những sản phẩm vịt trời sạch đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.