Thành quả kinh tế - xã hội năm 2020: Sáng tạo để bứt phá

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, thiên tai, nhưng thành quả kinh tế - xã hội năm 2020 đã chứng minh rằng, với ý chí nỗ lực, tinh thần đoàn kết cùng với quyết tâm lớn, sẽ đạt được kết quả, trong đó có cả mục tiêu tưởng chừng như rất khó, nhưng "tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn".

Đó là tinh thần được chỉ rõ tại Hội nghị của Chính phủ với các địa phương để triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021.
Có thể thấy, thông tin đưa ra tại hội nghị quy mô này đã khẳng định, năm 2020 – một năm rất đặc biệt khi đại dịch Covid-19, bão lũ, sạt lở đất đã ảnh hưởng không nhỏ đến mọi lĩnh vực của đời sống, nhưng với sự đồng tâm hiệp lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cố gắng của người dân và DN đã tạo ra những kết quả toàn diện. Dấu mốc tăng trưởng cả năm 2020 của nước ta đạt 2,91% rất đáng kể, bởi đây là mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN; GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD. Đặc biệt, trong khó khăn, các lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ... lại xuất hiện nhiều điểm mới vượt trội và dấu ấn nổi bật. Hơn thế nữa, năm 2020 cũng là năm tiếp tục đạt những hiệu quả lớn trong chấn chỉnh kỷ cương với nhiều cán bộ vi phạm bị xử lý, từng bước lành mạnh hoá môi trường kinh doanh và xã hội. Đúng như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn ra câu ngạn ngữ khi nói về kết quả của năm 2020: "Thành công không chỉ đo được bằng những gì đạt được mà còn bởi những trở ngại đã vượt qua".

Thành tích đạt được là tích cực, nhưng trong phát biểu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn lưu ý các cấp, ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn. Bởi nhìn vào thực tế có thể thấy, những khó khăn, thách thức vẫn nhiều khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, kinh tế tăng trưởng chậm lại, sản xuất kinh doanh bị suy giảm, nhiều DN thậm chí phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động… Đời sống người dân cũng bị ảnh hưởng lớn từ tác động của đại dịch, thiên tai....

Các chủ trương, quyết định của Đảng, Chính phủ trong thời gian qua về thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đóng vai trò kim chỉ nam để các cấp, các ngành hành động và khắc phục khó khăn. Trong đó, yêu cầu khẩn trương đề ra và chủ động, tích cực thực hiện các chương trình, kế hoạch với những cơ chế, chính sách, biện pháp mạnh mẽ, phù hợp với thực tế, bảo đảm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp ngay từ năm 2021 đã được đặt ra.
“Tinh thần chung là phải chủ động, tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn, đạt được kết quả tổng thể cao hơn các năm trước và nhiệm kỳ trước”- đó là thông điệp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát đi.

Còn trong phát biểu của mình, người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặc biệt nhấn mạnh đến những yếu tố để bứt phá. Không lơ là, chủ quan trước đại dịch; tranh thủ thời cơ, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới với khát vọng phát triển, tinh thần đổi mới sáng tạo, cải cách mạnh mẽ, quyết liệt hành động hơn nữa. Đồng thời, giải pháp để tạo nền tảng cho nền kinh tế số, xã hội số phát triển tăng tốc, để đổi mới sáng tạo tiếp tục thăng hạng cao hơn.

Có thể nói rằng, rất nhiều thông điệp được phát đi từ hội nghị này, nhiều người kỳ vọng, tinh thần chung sức đồng lòng sẽ tiếp tục được phát huy. Chính phủ và các địa phương sẽ tiếp tục đề cao kỷ cương, sáng tạo những giải pháp tốt, tối ưu đáp ứng yêu cầu năng động và cạnh tranh của nền kinh tế và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.