15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô:

Thanh toán không dùng tiền mặt đi lên từ con số 0

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã 15 năm trôi qua kể từ thời điểm Thủ đô mở rộng địa giới hành chính, đến hiện tại mọi mặt của đời sống đã đạt được sự phát triển vượt bậc. Tiêu biểu là việc thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành thói quen của người dân Hà Nội.

Một trong những tiêu chí quan trọng của việc hình thành nền kinh tế số hoàn thiện đó là mức độ thanh toán không dùng tiền mặt của người dân. Mức độ này càng lớn cũng đồng nghĩa với nền kinh tế đó càng minh bạch, người dân càng thuận lợi trong thanh toán cũng như khả năng xoay vòng vốn của xã hội càng được đẩy mạnh.

Có thể nói, việc mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô vào 15 năm về trước (2008) đã tạo cơ sở vững chắc để thói quen thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên thường trực với người dân Hà Nội ở thời điểm này. Người dân ở các địa phương mở rộng thêm như Hà Tây, Mê Linh ... có cơ hội tiếp cận sớm với các phương thức thanh toán hiện đại.

Không sử dụng tiền mặt đang là lựa chọn thanh toán của hầu hết các điểm kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội.
Không sử dụng tiền mặt đang là lựa chọn thanh toán của hầu hết các điểm kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội.
Nếu như ở thời điểm trước 2008, tỷ lệ thanh toán không sử dụng tiền mặt ở Hà Nội trước khi mở rộng và các địa phương được ghép vào Thủ đô gần như là con số 0. Thì tới thời điểm hiện tại, tỷ lệ này đã đạt mức 45%. Trong đó đang chú ý là tỷ lệ thanh toán hóa đơn cho các dịch vụ cơ bản như tiền nước đạt tới 96,67%, tiền điện đạt 99,9%…

Tại nhiều nơi, Hà Nội đã tập trung tổ chức hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của tổ chức, đơn vị quản lý chợ; tiểu thương, hộ kinh doanh tại các chợ, tuyến phố và người dân về việc hỗ trợ tạo tài khoản và mã QR thanh toán trực tuyến thực hiện mô hình “Chợ 4.0” và “Tuyến phố 4.0” thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, pano, mạng xã hội…

Bên cạnh đó, TP cũng đã hỗ trợ tiểu thương, hộ kinh doanh tạo tài khoản, mã QR thanh toán trực tuyến và hướng dẫn những kiến thức cơ bản về thanh toán điện tử để có thể ứng dụng vào việc kinh doanh dễ dàng hơn, không dùng tiền mặt khi thanh toán… Tiến tới, mỗi quận, huyện, thị xã ở Hà Nội đều có tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt và số lượng các tuyến phố này tăng dần hằng năm, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của Thủ đô.

Hà Nội cũng xác định 100% người dân không sử dụng tiền mặt trong thanh toán là mục tiêu lâu dài.Việc này sẽ giúp tạo sự minh bạch, thuận tiện, có lợi không chỉ cho người tiêu dùng mà còn cho cả đơn vị cung cấp. Đó là sự thuận tiện trong quá trình giao dịch hàng hoá, quản lý dòng tiền, luồng tiền... Ngoài ra, các hệ thống liên quan như dịch vụ công cũng được thúc đẩy thông qua việc thanh toán điện tử lĩnh vực quản lý thuế cũng ngày càng minh bạch hơn khi các máy bán hàng, máy thanh toán hoá đơn đều được kết nối với hệ thống và được kiểm soát chặt chẽ.

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh thanh toán điện tử các dịch vụ hành chính công, tăng cường phối hợp, mở rộng kết nối giữa các sở ngành, lĩnh vực với hệ thống ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán để cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực công, nhất là các lĩnh vực y tế, giáo dục, thanh toán qua Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của TP Hà Nội, ứng dụng thanh toán điện tử phục vụ cho việc thanh toán dịch vụ công trực tuyến.

Đồng thời phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đa năng, đa dụng cho phép thực hiện các giao dịch thu, nộp thuế, thu phí cầu đường, thu phí và lệ phí lĩnh vực đăng ký kinh doanh, nhận tiền bảo hiểm xã hội, nộp học phí, viện phí với nhiều hình thức thanh toán. Mở rộng mạng lưới thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ tại các đơn vị Kho bạc Nhà nước, các điểm thu nộp thuế của cơ quan thuế, hải quan, chi trả an sinh xã hội... để phục vụ thanh toán phí dịch vụ công, thu ngân sách qua ngân hàng.

Đẩy mạnh phát triển, ứng dụng các phương tiện và mô hình thanh toán, chuyển tiền hiện đại, dễ sử dụng tạo thuận lợi cho khách hàng đặc biệt trong thu, nộp thuế, thanh toán hóa đơn định kỳ (tiền điện, tiền nước, học phí, cước viễn thông...), viện phí, chi trả lương, trợ cấp từ bảo hiểm xã hội và phù hợp với điều kiện ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn TP Hà Nội.