Thanh Trì - Đòi lại cảnh quan môi trường sông Nhuệ

Nguyễn Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Huyện Thanh Trì có 13km sông Nhuệ chảy qua địa bàn. Nhiều năm qua, tuyến sông ở đây luôn trong tình trạng ô nhiễm bởi rác thải, hai bên bờ sông bị người dân chiếm dụng xây dựng công trình.

 Vì thế, UBND huyện Thanh Trì quyết tâm vào cuộc cải tạo môi trường, xử lý vi phạm trên sông Nhuệ.
Tiếp tục cải tạo sông
Ngày 6/3/2017, Huyện ủy Thanh Trì ban hành Chỉ thị số 17-CT/HU về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đảm bảo trật tự ATGT, trật tự văn minh đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn”. Ngay sau đó, UBND huyện đã có kế hoạch thực hiện cải tạo, vệ sinh môi trường sông Nhuệ gắn với việc thực hiện trật tự ATGT, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn xã Tả Thanh Oai và Hữu Hòa. Trước đó, cuối năm 2016, UBND huyện đã thực hiện cải tạo, nạo vét, xây dựng hệ thống đường gom, cống thoát nước thải 10km sông Tô Lịch và sông Om, đã được đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ.

Cải tạo hành lang cơ đê và lòng sông Nhuệ đoạn qua xã Tả Thanh Oai  và Hữu Hòa.

Ảnh: Nguyễn Trường

Nhận thấy, việc cải tạo, bảo vệ môi trường sông Nhuệ là cần thiết, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo UBND xã Tả Thanh Oai và Hữu Hòa cùng cơ quan chuyên môn phối hợp với Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ vận động, rà soát các hộ có công trình nằm ở hành lang cơ đê sông Nhuệ để đưa ra hướng xử lý. Sau hơn 10 ngày ra quân, đã thu gom hơn 3.000m3 phế thải xây dựng và 600m3 rác thải của 2 xã; nhiều công trình lều lán, nhà tạm khu vực đầu cầu Hữu Hòa và cầu Cự Đà đã được tháo dỡ. Một số chợ cóc cũng đã bị “xóa sổ”. Tại tuyến đường giao thông huyết mạch của 2 xã không còn tình trạng ùn tắc giao thông.    
Xử lý công trình vi phạm
Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai Nguyễn Tiến Hưng cho biết, sau khi UBND huyện chỉ đạo, UBND xã phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn vào cuộc rà soát, kiểm tra xác định hiện có 369 trường hợp có công trình tồn tại ở cơ đê sông Nhuệ. “Để giải quyết dứt điểm vi phạm, UBND xã đã tăng cường tuyên truyền, vận động. Qua đó, hơn 40 hộ ở gần cầu Hữu Hòa, cầu Cự Đà và các đoạn đường hẹp, khúc cua khuất tầm quan sát đã tự tháo dỡ công trình vi phạm. Mặt khác, UBND xã còn thu gom, vận chuyển hơn 2.000m3 phế thải xây dựng và khoảng 400m3 rác thải chở đi xử lý. Hiện, UBND xã tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ còn lại chấp hành tháo dỡ công trình vi phạm. Trường hợp không đủ điều kiện, UBND xã sẽ báo cáo đề xuất với UBND huyện hướng xử lý tiếp” - ông Hưng nói.
Trao đổi về công tác cải tạo, vệ sinh môi trường các dòng sông, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Đặng Đức Quỳnh khẳng định: “Việc cải tạo, vệ sinh môi trường sông Nhuệ tại 2 xã trên địa bàn là việc làm cần thiết được cấp ủy Đảng, chính quyền huyện quan tâm triển khai thực hiện theo đúng tinh thần Chỉ thị 08 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm thực hiện tốt việc đảm bảo trật tự và văn minh đô thị. Mặt khác, việc làm này còn bảo vệ môi trường, chống ùn tắc giao thông, một trong những chuyện thường xuyên xảy ra tại 2 tuyến đường giao thông độc đạo của 2 xã này. Trong khi chờ thực hiện dự án kè hai bên bờ sông Nhuệ, UBND huyện với quyết tâm xử lý dứt điểm vi phạm và chống tái lấn chiếm nhằm tạo cảnh quan môi trường nơi đây. Việc làm này đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân địa phương”.