Thảo dược để chườm nóng

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chườm nóng là dùng vật dụng hoặc dược liệu nóng ấm chườm trực tiếp hoặc gián tiếp lên các vùng da để trị liệu bệnh tật. Phương pháp này có được mô tả trong các tác phẩm Đông y kinh điển, như Nội Kinh Tố Vấn - Điều kinh luận có chép: "Bệnh trong xương thì hơ nóng kim châm hoặc dùng thuốc sao nóng chườm vào". Linh Khu - Thọ yểu cương nhu cũng có chép bài thuốc sao nóng để chườm trên da chữa chứng hàn tý (đau khớp do lạnh).

 Ảnh minh họa
Phép chườm nóng thích ứng với các chứng bệnh có hàn tà bên ngoài xâm nhập vào kinh lạc tạng phủ, hoặc bẩm tạng dương hư, khí huyết không điều hòa dẫn đến các chứng bệnh khác, như phong hàn thấp tý (đau khớp dạng thấp), đau dạ dày, đau bụng do lạnh, ngực bụng đầy trướng, đại tiểu tiện không thông, hoắc loạn ẩu thổ, trưng hà bĩ khối (trong bụng có khối tích hòn cục).
Chườm trực tiếp: Phương pháp lấy vật thể đang nóng ấm chườm áp lên da thịt, như đem các dược liệu sao hay xào nóng rồi trực tiếp chườm lên trên vùng da. Hoặc có khi dùng dụng cụ khác như cục gạch đá đã nướng nóng hoặc đổ nước nóng vào những vật dụng thủy tinh, kim loại như đồng rồi áp vào da đều thuộc loại này.

Chườm gián tiếp: Không áp trực tiếp vật thể nóng lên da mà gián tiếp qua một số lớp dược liệu hay bông vải, mục đích để giữ sức nóng ôn hòa hay nhờ tác dụng sức nóng làm cho thuốc ngấm vào trong tổ chức da để điều trị bệnh tật.

Theo Đông y, nếu kết hợp liệu pháp chườm nóng cùng các tinh chất thảo dược tự nhiên sẽ có tác động trực tiếp vào các huyệt trên cơ thể, giúp đả thông khí huyết, nhanh chóng xoa dịu các cơn đau mỏi.

Chuẩn bị thảo dược: Thảo quyết minh (200g), gạo lứt (100g), quế chi (200g), đại hồi (100g), tiểu hồi (100g), mạn kinh tử (100g), thiên niên kiện (100g), bạch đậu khấu (100g).

Các vị thuốc được tán thô thành các mảnh có độ lớn vừa phải, giúp thuốc và tinh dầu thoát ra từ từ, tạo độ nóng bền cho gói thuốc.

Chuẩn bị các túi vải để đựng thuốc: Túi vải có kích thước và hình dạng khác nhau phù hợp để chườm từng vùng cơ thể như thắt lưng, cổ gáy, đầu gối... Cho thuốc vào túi: Dùng kim gút gài miệng túi lại, giữ 2 miệng túi khít lại với nhau để thuốc không rơi ra trong quá trình may.

Hướng dẫn sử dụng: Sử dụng lò vi sóng để làm nóng túi chườm thảo dược.

Cách dùng: sử dụng trong lò vi sóng, công suất 600 - 800 W (công suất trung bình hoặc cao), thời gian 3-5 phút.

Trong quá trình lò vi sóng hoạt động cần chú ý quan sát túi thuốc có thể bị kẹt, gây cháy.

Sau khi tắt lò: Túi thuốc nóng, dùng găng tay hoặc khăn mỏng kéo túi thuốc ra, dùng tay không có thể gây phỏng.

Túi chườm thảo dược mới lấy trong lò vi sóng ra có thể hơi ướt là bình thường, do hơi nước trong thảo dược bốc ra.

Cách chườm: Dùng khăn mỏng bọc túi chườm (một lớp hoặc nhiều lớp), kiểm tra độ nóng có phù hợp hay không trước khi chườm, không chườm trực tiếp khi túi chườm còn nóng. Sau 10 - 15 phút có thể tháo bớt dần các lớp khăn và tiếp tục chườm; thời gian chườm 15 - 30 phút.

Chỉ định: Đau do thần kinh tọa; đau do thoái hóa khớp; đau cơ, đau cổ gáy, thắt lưng; chấn thương thể thao; đau vai gáy; đau bụng kinh; tay chân lạnh; phụ nữ sau sinh; cảm cúm.

Chống chỉ định: Không sử dụng cho vùng da bị trầy xước, lở loét, mụn nhọt, các bất thường ngoài da khác; không sử dụng cho giãn tĩnh mạch;thận trọng khi sử dụng cho trẻ em và người bị giảm cảm giác.

Một túi chườm có thể sử dụng liên tục khoảng 500 lần. Các vị thuốc có nguồn gốc thảo mộc thiên nhiên, có chứa nhiều tinh dầu thơm tạo mùi hương dễ chịu, không sử dụng chất bảo quản.