[Tháo gỡ bất cập trong đấu thầu thu gom rác] Bài 3: Lao đao vì chậm điều chỉnh đơn giá

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoài việc chậm điều chỉnh khối lượng phát sinh, một trong những nguyên nhân khiến các DN đứng trên bờ vực phá sản, thậm chí vi phạm quy định của pháp luật là những bất cập trong việc tính định mức, đơn giá thu gom rác… Những vấn đề này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động.

Giá thu gom vẫn áp từ năm 2017
Liên quan đến những bất cập trong việc điều chỉnh đơn giá thu gom rác, ông Nguyễn Thanh Tùng – Giám đốc Công ty CP Đầu tư & Phát triển Công nghệ cao Minh Quân (hiện là Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội) và đại diện các nhà thầu cho biết, theo khoản 3, Điều 62, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh là hợp đồng có đơn giá có thể được điều chỉnh căn cứ và thỏa thuận trong hợp đồng. Nhà thầu được thanh toán theo số lượng, khối lượng công việc nghiệm thu thực tế theo quy định trên cơ sở đơn giá ghi trong hợp đồng hoặc đơn giá đã được điều chỉnh.
 Thu gom rác thải tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Hùng
Bên cạnh đó, theo Điều 4 của thỏa thuận khung, giá hợp đồng sẽ được điều chỉnh trong thời gian thực hiện hợp đồng nhằm phản ánh những thay đổi về chi phí nhân công, vật tư. Việc điều chỉnh giá sẽ được thực hiện theo công thức sau khi Nhà nước điều chỉnh định mức kinh tế kỹ thuật, giá, đơn giá dịch vụ. Tuy nhiên, trên thực tế, từ ngày 1/3/2017 đến nay, Chính phủ đã nhiều lần điều chỉnh mức lương cơ sở và giá nhiên liệu đầu vào tăng cao, nhưng chưa được cấp có thẩm quyền của TP điều chỉnh bù chênh lệch.

Cụ thể, mức tiền lương cơ sở trong phương án tính toán đơn giá được ban hành tại Quyết định 6841/QĐ-UBND là 1.210.000 đồng/tháng theo Nghị định số 47/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Đến nay, Chính phủ đã 3 lần điều chỉnh mức lương cơ sở lên 1.300.000 đồng (tăng 7%); 1.390.000 đồng (15%) và 1.490.000 đồng (23%). Bên cạnh đó, chi phí nhiên liệu có thời điểm tăng lên 68,2% so với thời chi phí thời điểm đấu thầu…, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các DN.

Nhiều hệ lụy

Những bất cập trên đã khiến một số đơn vị duy trì VSMT trên địa bàn TP Hà Nội bị cơ quan thuế, bảo hiểm xử phạt do nợ đọng bảo hiểm, thuế hàng chục tỷ đồng, nợ lương công nhân từ 3 – 5 tháng dẫn đến tình trạng đình công, gây ảnh hưởng đến chất lượng VSMT. Ngoài ra, nhiều DN không còn đủ nguồn tài chính để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, nguy cơ phá sản đã cận kề khi các tổ chức tín dụng và nhà cung ứng nguyên nhiên liệu vật tư đã thông báo ngừng cung cấp dịch vụ…

Phó Tổng Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai Vũ Công Minh cho biết, khối lượng rác trên địa bàn 2 huyện Quốc Oai và Chương Mỹ do đơn vị phụ trách duy trì VSMT tăng khoảng 30 – 35 tấn/ngày so với hợp đồng đã ký kết. Song thời điểm cuối tháng 8, đầu tháng 9/2020, khối lượng trên vẫn chưa được thanh toán.

Ông Nguyễn Xuân Quý – Phó Giám đốc HTX Môi trường Thành Công nhìn nhận, đây là thực trạng chung ở tất các gói thầu trên địa bàn TP. “Từ năm 2017 đến nay, số tiền mà đơn vị phải bỏ ra để duy trì, thu gom VSMT trên địa bàn phụ trách đã vượt hơn 30 tỷ đồng so với hợp đồng đã được ký kết. Chính việc chậm thanh toán các khối lượng phát sinh đã khiến DN phải chậm lương, nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội và một số đơn vị cung cấp vật tư… gây ảnh hưởng đến hoạt động của DN, đời sống của cán bộ công nhân viên, người lao động.

Đại diện các nhà thầu duy trì VSMT chia sẻ, hiện nay, mức lương trung bình của một lao động thủ công trong các công ty VSMT là 4 triệu đồng/tháng, lái xe từ 4,5 – 6 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập thấp so với áp lực công việc. Bên cạnh đó, do chậm được thanh toán khối lượng phát sinh, nhiều công ty không thể tăng lương, thưởng cho người lao động dẫn đến nhiều trường hợp nộp đơn xin nghỉ việc.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Urenco, việc thực hiện dịch vụ VSMT theo phương thức đấu thầu là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, việc chậm điều chỉnh khối lượng và hạng mục công việc khi hạ tầng có sự thay đổi, các điều khoản quy định về điều chỉnh giá hợp đồng chưa hợp lý, chưa phù hợp với đặc thù của lĩnh vực môi trường (gói thầu kéo dài nhiều năm) nên khi có biến động các yếu tố cấu thành đơn giá đầu vào như nguyên liệu, nhiên liệu, vật tư, nhân công… đã gây khó khăn cho đơn vị trong việc bố trí kinh phí sản xuất, ảnh hưởng đến chất lượng VSMT.

Năm 2017, giá dầu bình quân gia quyền (từ 1/3 - 31/12/2017) là 13.983/10.131 đồng/lít, tăng 3.852 đồng/lít, tăng 38% so với đơn giá tại Quyết định số 6841/QĐ-UBND. Năm 2018, giá dầu bình quân gia quyền là 17.042/10.131 đồng/lít, tăng 6.911 đồng/lít, tăng 68,2%. Năm 2019, giá dầu bình quân gia quyền là 16.330/10.131 đồng/lít, tăng 6.199 đồng/lít, tăng 61,2%; 6 tháng đầu năm 2020, giá dầu bình quân gia quyền là 13.031/10.131 đồng/lít, tăng 2.900 đồng/lít, tăng 28,6%...

Từ ngày 1/6/2017, UBND TP đã có kế hoạch 116/KH-UBND về việc khắc phục những tồn tại, hạn chế; đổi mới nâng cao chất lượng của dịch vụ công ích của TP, trong đó có kế hoạch giao liên ngành rà soát, điều chỉnh bổ sung quy trình công nghệ, định mức kinh tế, kỹ thuật, đơn giá thanh toán các sản phẩm, dịch vụ công ích. Sau 3 năm thực hiện, đến nay vẫn chưa ban hành bộ quy trình, định mức, đơn giá thay thế Quyết định 6841/QĐ-UBND.

Chỉ thị cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị số 41/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn. Trong đó giao Bộ Tài chính ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn sự nghiệp bảo vệ môi trường hỗ trợ cho các hoạt động phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trong kế hoạch ngân sách hàng năm. Tập trung bố trí kinh phí hỗ trợ cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường tại các bãi rác đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư các dự án xử lý rác thải có công nghệ tiên tiến, hiện đại; đơn giản hóa các thủ tục chuẩn bị đầu tư, xây dựng và vận hành cơ sở xử lý chất thải. Các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, bao gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ khẩn trương đầu tư hoặc đưa vào vận hành các nhà máy xử lý rác thải theo hướng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 20%...

(còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần