Tháo gỡ nhiều khó khăn trong hoạt động bổ trợ tư pháp tại Ứng Hòa

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (17/5), đoàn giám sát tình hình chấp hành pháp luật về một số lĩnh vực trong hoạt động bổ trợ tư pháp trên địa bàn Hà Nội, do Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND huyện Ứng Hòa và một số xã, phòng, ban của huyện.

 Toàn cảnh buổi giám sát
Theo Phòng Tư pháp huyện, những năm qua, UBND huyện luôn thực hiện nghiêm các văn bản, chỉ đạo của các cấp, ngành về công tác bổ trợ tư pháp. Trong đó, tập trung phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và định giá tài sản trong hoạt động tố tụng hình sự, giúp phục vụ tốt việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. 
Năm 2017, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, ban, ngành tăng cường tuyên truyền nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước theo nhiệm vụ trọng tâm của TP, đặc biệt về “Năm kỷ cương hành chính 2017”; phổ biến văn bản pháp luật về trật tự văn minh đô thị, phòng chống cháy nổ, VSATTP… Hội đồng phối hợp PBGDPL phối hợp với một số xã, thị trấn tuyên truyền PBGDPL về Luật Đất đai, Luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành; phối hợp Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP tuyên truyền, trợ giúp pháp lý tại một số xã với hơn 800 lượt người tham dự… Trong định giá tài sản, Cơ quan CSĐT huyện đã ra 87 quyết định trưng cầu định giá tài sản, đảm bảo đúng quy định.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay trong công tác PBGDPL là ngoài kinh phí ngân sách được UBND huyện bố trí thì hàng năm thì không có thêm bất kỳ hỗ trợ nào từ các tổ chức, cá nhân. Đại diện xã, thị trấn cũng phản ánh, các tủ sách pháp luật hoạt động chưa hiệu quả do đầu sách ít, thường luân chuyển, trong khi kinh phí bồi dưỡng cho người quản lý sách và bổ sung đầu sách còn hạn hẹp. Tủ sách điện tử rất khó đến được với người dân nông thôn, do trình độ CNTT hạn chế. Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở cũng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong định giá tài sản, việc xác minh thu thập trong một số vụ việc gặp nhiều khó khăn do không còn giấy tờ mua bán tài sản, tài sản bị hủy hoại… 

UBND huyện đề nghị tới đây, UBND TP tăng cường tập huấn cho cán bộ làm PBGDPL, định giá tài sản; hỗ trợ chế độ, chính sách cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn.
 Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam phát biểu tại buổi giám sát
Lắng nghe các ý kiến, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh, TP đẩy mạnh công tác PBGDPL nhằm giúp người dân nắm rõ pháp luật hơn để tránh không vi phạm. Huyện Ứng Hòa dù rất khó khăn nhưng thời gian qua đã có nhiều cố gắng trong công tác PBGDPL và định giá tài sản. 
Đồng tình với kiến nghị của huyện, xã, thị trấn, Trưởng Đoàn giám sát cũng đề nghị Sở Tư pháp tăng cường phối hợp với các quận, huyện để đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng báo cáo viên, hòa giải viên; cách tổ chức công tác PBGDPL tại các địa bàn, nhất là liên quan đến những vấn đề mới, để có hiệu quả sâu rộng đến người dân. Đồng thời, Sở cần tiếp thu các kiến nghị của huyện liên quan đến cơ chế chính sách, hỗ trợ triển khai tủ sách điện tử để mỗi thôn có ít nhất 1 tủ này.