Tháo gỡ rào cản để phát triển ngành công nghiệp game

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành công nghiệp game Việt Nam dần được định hình và khẳng định chỗ đứng vững chắc trong nền kinh tế số.

Tuy nhiên, ngành này đang gặp nhiều vướng mắc trong việc tìm ra quy định pháp luật phù hợp để phát triển, nhất là đào tạo nhân sự.

Ngành game Việt có nhiều cơ hội phát triển

Theo ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC), 10 năm qua ngành công nghiệp game Việt Nam có những bước tiến vượt bậc. Cụ thể, doanh thu ngành game Việt Nam đã vượt 500 triệu USD, xếp thứ 5 tại Đông Nam Á và hơn một nửa dân số Việt Nam tiếp cận giải trí với sản phẩm game.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đáng chú ý hơn, hệ sinh thái ngành game Việt cũng có những cái tên dẫn đầu như VNG, Amanotes, Sky Mavis, Appota, VTC...; trong đó có Amanotes và Sky Mavis đã vươn tầm quốc tế.

Theo số liệu của Data AI & App Magic, chỉ trong năm 2022, các tựa game và ứng dụng do người Việt phát triển đã thu hút 4,2 tỷ lượt download, xếp thứ 5 toàn cầu. Nhiều tựa game Việt Nam còn lọt vào các bảng xếp hạng top 10 thế giới. Không chỉ vậy, ngành game còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm có giá trị kinh tế cao và sức cạnh tranh toàn cầu trong mảng lập trình games, thiết kế games, đồ họa games…

Chia sẻ về tiềm năng phát triển của thị trường game, ông Lã Xuân Thắng, đại diện của Công ty cổ phần VNG cho biết, hiện nay, thế giới có khoảng 3 tỷ người chơi game, chiếm 40% tổng dân số toàn cầu. Doanh thu ngành game năm 2023 được dự báo đạt mốc 187 tỷ USD; trong đó, một nửa đến từ game mobile.

Theo ông Thắng, sự phát triển của ngành game hiện đang gắn liền với sự phát triển của các thiết bị di động, nhất là mảng điện thoại thông minh. Châu Á là khu vực đóng góp một nửa số người chơi game và cả doanh thu. Tại châu Á, Hàn Quốc là một “cường quốc” về ngành game, doanh thu từ game cao gấp 40 lần so với K-pop và gấp 6 lần so với ngành điện ảnh của nước này.

Khó khăn và giải pháp tháo gỡ để phát triển ngành game Việt

Dù có rất nhiều cơ hội để phát triển và khẳng định vị thế trên trường quốc tế nhưng ngành game tại Việt Nam vẫn chưa được quan tâm về cả mặt chính sách và pháp lý.

Theo ông Lã Xuân Thắng, muốn ngành game Việt Nam phát triển cần có các chính sách ưu đãi về thuế, hay có thêm giải pháp hỗ trợ. “Thực tế, chúng tôi muốn được cơ quan chức năng Việt Nam coi game là một ngành nghề trong xã hội", ông Thắng chia sẻ.

Tính đến nay, chỉ có hai trường Đại học Quốc tế tại Việt Nam có ngành thiết kế game. Đa phần các trường trong nước có một số ngành có liên quan tới game như thiết kế đồ họa, hoặc lập trình.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có quy định về riêng ngành thiết kế và phát triển game. Ông Thắng cho rằng, điều này đang cản trở triển vọng phát triển của loại ngành game.

“Việt Nam đang cần khoảng 30.000 lao động trong thời gian tới, đây cũng là cơ hội cho các bạn trẻ, nhất là thế hệ GenZ. Dù vậy, chúng tôi đã nhận được một số tín hiệu tích cực từ một số bộ, ngành, trong việc hỗ trợ ngành game Việt Nam phát triển. Đây chính là nguồn động viên cho chúng tôi, có thể giúp các doanh nghiệp startup Việt Nam trở thành 'kỳ lân" - ông Thắng cho hay.

Chia sẻ về câu chuyện của ngành game, bà Gaby Hiền, Giám đốc phát triển kinh doanh của Google Play (Tập đoàn Google) cho hay, sau cơn sốt do Nguyễn Hà Đông và Flappy Bird tạo ra, chưa khi nào ngành game Việt lại nhận được nhiều sự chú ý như bây giờ. Mặc dù nhu cầu của thị trường ngày một tăng lên, nguồn nhân lực game hiện không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường lao động. 

Lý giải về câu chuyện này, theo bà Hiền, rào cản lớn đối với người làm game chính là các định kiến của xã hội, khi nhiều người vẫn cho rằng game là xấu. Chính rào cản tâm lý đó đã hạn chế khả năng tiếp cận với ngành game của nhiều bạn trẻ. Với những người làm game, họ có xu hướng co cụm lại thay vì chia sẻ. Nhiều người làm trong ngành game đã 10 năm nhưng không dám nói với bố mẹ về công việc của mình. 

Theo ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT), ngành game Việt đã có sự thăng trầm trong nhiều năm qua. 

Nghịch cảnh đầu tiên là việc chúng ta bị phân mảnh giữa sản xuất game và phát hành game. Việt Nam có nhiều doanh nghiệp làm game, thế nhưng 88% game phát hành ở Việt Nam lại là game nước ngoài. Những nhân tài kiệt xuất trong ngành game Việt Nam có xu hướng ẩn mình trong bóng tối, không muốn xuất đầu lộ diện. 

Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho rằng, vấn đề mấu chốt để ngành game Việt phát triển là phải tập hợp được 2 mảng sản xuất và phát hành. Trong nỗ lực giải quyết vấn đề này, Bộ TT&TT mà cụ thể là Cục PTTH&TTĐT sẽ triển khai chương trình “Game Hub” nhằm kết nối các studio game lớn nhỏ tại Việt Nam. 

Song song với việc tháo gỡ những “nút thắt” này, Bộ TT&TT sẽ phát triển nguồn nhân lực cho ngành game thông qua các chương trình đào tạo dài hạn và ngắn hạn. 

Hướng tới việc phát triển nguồn nhân lực chuyên sâu, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT, Bộ TT&TT) đang làm các thủ tục để xin cấp phép đào tạo thí điểm ngành công nghệ game.

Tới đây, một đơn vị khác thuộc Bộ TT&TT là Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC cũng sẽ mở trung tâm đào tạo các khóa làm game ngắn hạn nhằm phục vụ những ai muốn học nhanh từ 3 - 6 tháng để gia nhập ngay thị trường. Đây chính là lời giải cho bài toán nhân lực cho ngành game Việt.