Thế giới ảnh hưởng gì khi WHO mất 400 triệu USD từ Mỹ?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Dừng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới trong cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu là nguy hiểm thật sự. Công việc của họ đang làm chậm sự lây lan của Covid-19 và nếu điều đó bị dừng lại thì không có tổ chức nào khác có thể thay thế. Thế giới đang cần WHO hơn bao giờ hết", tỷ phú Bill Gates

20 quốc gia, tổ chức đóng góp hàng đầu cho ngân sách của WHO năm 2018, trong đó: Mỹ cao nhất - 15%, Quỹ Bill & Melinda Gates cao thứ 2 - 9,8%.
Sau khi chỉ trích lập trường của WHO đối với vai trò của Trung Quốc trong sự bùng phát ban đầu của đại dịch Covid-19, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ cắt giảm tài trợ cho tổ chức này.
Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của WHO, khi đóng góp hơn 400 triệu USD/năm - gấp khoảng 10 lần mức đóng góp của Trung Quốc. Vì vậy, dù Bắc Kinh cam kết ủng hộ WHO sau tuyên bố từ Nhà Trắng, quyết định rút tiền của Mỹ vẫn được dự báo sẽ tác động lớn đối với phản ứng y tế toàn cầu, đặc biệt là trong cuộc chiến với Covid-19 hiện nay.
WHO nhận được phần lớn tài trợ từ 2 nguồn chính. Thứ nhất là các khoản phí từ 194 quốc gia thành viên, được tính toán dựa trên GDP và quy mô dân số. Nguồn thứ 2 là các đóng góp tự nguyện, bao gồm từ chính phủ các nước, các tổ chức từ thiện và quỹ tư nhân, thường được dành cho các dự án hoặc sáng kiến ​​cụ thể. Vì vậy, WHO được cho ít có khả năng tái phân bổ chúng trong trường hợp khẩn cấp như đại dịch hiện nay.
Do đó, những cắt giảm tài trợ lúc này có thể khiến WHO đối mặt nguy cơ phá sản ngay giữa đại dịch, dẫn đến việc phải sa thải nhân viên ngay cả khi tổ chức đang cố gắng giúp các nước thu nhập thấp và trung bình, hay các vùng chiến sự, giao tranh sống sót.
Chi tiêu của WHO năm 2018 đạt 2,3 tỷ USD, trong đó 60% dành cho các chương trình cơ sở, 40% còn lại cho bệnh bại liệt, cấp cứu và các chương trình đặc biệt. Các khu vực khó khăn như châu Phi và Đông Địa Trung Hải được quan tâm hỗ trợ hơn cả.
Ngân sách giảm cũng làm giảm khả năng phối hợp của WHO trong các nỗ lực quốc tế xung quanh các vấn đề như nghiên cứu vaccine, mua sắm thiết bị y tế bảo vệ cho nhân viên, cũng như cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và chuyên gia để giúp các quốc gia chống lại đại dịch.
Rộng hơn, nếu Mỹ mở rộng những cắt giảm này cho các sáng kiến ​​y tế toàn cầu khác do WHO điều phối, nó có thể sẽ khiến người dân ở các nước thu nhập thấp mất quyền tiếp cận vào các loại thuốc và dịch vụ y tế quan trọng. Nhiều người sẽ phải chết.
Ít giờ sau tuyên bố cắt giảm của Nhà Trắng, tỷ phú Bill Gates cảnh báo trên Twiiter về hậu quả nhãn tiền.
"Dừng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới trong cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu là nguy hiểm thật sự. Công việc của họ đang làm chậm sự lây lan của Covid-19 và nếu điều đó bị dừng lại thì không có tổ chức nào khác có thể thay thế. Thế giới đang cần WHO hơn bao giờ hết", nhà điều hành Quỹ Bill & Melinda Gates đã tweet.
Tổng thư ký Liên Hợp quốc, Antonio Guterres, nhắc nhở rằng giờ là lúc cần sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế để ngăn chặn virus, thay vì cắt giảm sự hỗ trợ đối với WHO. Liên minh châu Âu cũng bày tỏ tiếc nuối về hành động "không thể biện minh" của Mỹ.
Nga chỉ trích quyết định của chính quyền Trump là "quá ích kỷ" đối với những gì đang xảy ra trên thế giới.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói rằng "việc đổ lỗi là vô ích. Virus không có biên giới", đồng thời khẳng định tăng cường cho WHO là một trong những khoản đầu tư hiệu quả nhất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần