Thế giới có hơn 23,5 triệu ca mắc Covid-19, Mỹ cấp phép điều trị Covid-19 bằng huyết tương

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu tăng lên hơn 23,5 triệu người, trong khi đó Mỹ vừa cấp phép việc điều trị Covid-19 bằng huyết tương bệnh nhân hồi phục.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 24/8, thế giới ghi nhận tổng cộng 23.568.734 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 812.064 người thiệt mạng. Các nước cũng ghi nhận 16.066.470 bệnh nhân đã bình phục, số ca nguy kịch hiện là 61.683  và 6,.89.273 ca đang điều trị tích cực.
Mỹ cấp phép điều trị Covid-19 bằng huyết tương bệnh nhân hồi phục
Ngày 23/8, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược Phẩm Mỹ (FDA) thông báo cấp phép khẩn cấp cho các bác sỹ sử dụng huyết tương từ bệnh nhân mắc Covid-19 đã phục hồi như một phương pháp điều trị đại dịch, hiện khiến hơn 5,65 triệu người Mỹ mắc và hơn 176.000 người tử vong.
 Mỹ vừa cấp phép điều trị Covid-19 bằng huyết tương bệnh nhân hồi phục.
"Phương pháp này có thể có hiệu quả trong việc điều trị Covid-19, những lợi ích đã được biết đến và tiềm năng của nó lớn hơn những rủi ro đã biết và tiềm ẩn", tuyên bố của FDA đưa ra hôm 23/8 nêu rõ.
FDA đã dẫn bằng chứng ban đầu cho thấy huyết tương có thể làm giảm tỷ lệ tử vong và cải thiện sức khỏe của bệnh nhân Covid-19 khi được sử dụng trong ba ngày đầu tiên khi bệnh nhân nhập viện.
FDA  đánh giá đây là cách tiếp cận an toàn dựa trên phân tích 20.000 bệnh nhân đã được điều trị. Hiện đã có 70.000 bệnh nhân được điều trị bằng huyết tương.
Huyết tương được cho là có chứa các kháng thể mạnh mẽ có thể giúp chống lại bệnh nhanh hơn và bảo vệ người bệnh tránh được bị tổn thương nghiêm trọng.
Tổng thống Trump ca ngợi động thái, nói với các phóng viên rằng liệu pháp cho thấy "tỷ lệ thành công đáng kinh ngạc" và "sẽ cứu vô số mạng sống". Một ngày trước đó, ông cáo buộc FDA cản trợ việc triển khai vaccine và các phương pháp điều trị vì lý do chính trị.
Tổng thống Trump đang phải đối mặt với sức ép lớn trong việc tìm ra các giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 lây lan gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế Mỹ, một yếu tố đảm bảo khả năng tái đắc cử của ông trong cuộc bầu cử sắp tới.
Hàn Quốc có thể giãn cách xã hội ngưỡng cao nhất
Trong ngày 23/8, Hàn Quốc ghi nhận số ca lây nhiễm mới Covid-19 theo ngày ở mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát ở nước này hồi tháng 3 vừa qua.
Theo Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hàn Quốc, trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 397 ca lây nhiễm mới Covid-19 tăng 65 ca so với một ngày trước đó, ghi dấu số ca lây nhiễm tăng lên mức 3 con số chỉ trong vòng 1 tuần qua.
 Hàn Quốc có thể sẽ triển khai các biện pháp giãn cách xã hội mức 3 nếu tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.
Tính đến nay, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng hơn 17.390 người nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có hơn 300 người đã tử vong.
Trước tình hình dịch lan rộng, từ ngày 23/8, Chính phủ Hàn Quốc quyết định triển khai các biện pháp giãn cách xã hội mức 2 tại các khu vực ngoài thủ đô Seoul. Ngưỡng 2 cấm các hoạt động tụ tập từ 50 người trở lên trong không gian kín, cấm tụ tập từ 100 người trở lên trong không gian mở. Các đám cưới, lễ hội tôn giáo và sự kiện thể thao chỉ được tổ chức với số lượng chỗ ngồi hạn chế. Đồng thời ngưỡng này cũng cấm hoạt động 12 loại hình được xếp vào nhóm rủi ro cao như quán bar và nhà hát.
Theo giới chức y tế Hàn Quốc, nếu tình hình nghiêm trọng hơn, Hàn Quốc có thể sẽ triển khai các biện pháp giãn cách xã hội mức 3 - mức cao nhất theo quy định giãn cách xã hội của Hàn Quốc. Theo đó, các trường học và nhà hàng đều phải đóng cửa.
Nhà chức trách y tế Hàn Quốc cũng cảnh báo, thủ đô Seoul đang phải đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 mới và Hàn Quốc đang trong giai đoạn đỉnh dịch./.