Thế giới đối mặt thiệt hại kinh tế khổng lồ do xung đột Hamas-Israel

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bloomberg dự báo trong kịch bản xấu nhất, cuộc xung đột tại Trung Đông sẽ đẩy nền kinh tế thế giới vào tình trạng suy thoái và thiệt hại 1 nghìn tỷ USD.

Theo Bloomberg Economics, nền kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái và giá dầu nhảy vọt nếu Iran tham gia vào cuộc xung đột Hamas-Israel.

Trong trường hợp xấu nhất, giá dầu thế giới có thể nhảy vọt  lên 150 USD/thùng. Ảnh: AP
Trong trường hợp xấu nhất, giá dầu thế giới có thể nhảy vọt  lên 150 USD/thùng. Ảnh: AP

Các chuyên gia kinh tế đang đánh giá tác động đến tăng trưởng và lạm phát toàn cầu theo ba kịch bản có thể xảy ra: cuộc xung đột phần lớn chỉ giới hạn ở Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine; xung đột lan rộng sang Lebanon và Syria; và sự đối đầu trực tiếp giữa Israel và Iran.

Theo các nhà phân tích, cả ba kịch bản đều có thể đẩy giá dầu tăng kỷ lục,  lạm phát cao hơn và tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc. Tuy nhiên, kịch bản xảy ra cuộc chiến toàn diện giữa Iran và Israel sẽ gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng nhất.

“Cuộc xung đột Hamas-Israel càng lan rộng thì tác động của nó không chỉ giới hạn trong khu vực mà sẽ mở rộng ra toàn cầu. Xung đột ở Trung Đông có thể gây chấn động khắp thế giới vì khu vực này là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng và là tuyến đường vận tải quan trọng” - các chuyên gia của Bloomberg lưu ý trong báo cáo ngày 15/10.

Trong trường hợp xấu nhất, giá dầu thế giới có thể nhảy vọt lên 150 USD/thùng. Lạm phát toàn cầu nhiều khả năng sẽ tăng lên 6,7% trong năm 2024, cao hơn nhiều so với dự báo hiện tại 5,8% của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Tăng trưởng toàn cầu năm tới có thể sẽ giảm từ mức dự báo hiện tại 1,7% xuống còn 1%. Đây sẽ là con số tồi tệ nhất kể từ năm 1982. Xét về mặt tiền tệ, nền kinh tế toàn cầu sẽ thiệt hại khoảng 1 nghìn tỷ USD.

“Năng lực sản xuất dầu mỏ dự phòng ở Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất có thể không cứu vãn được tình thế nếu Iran quyết định đóng cửa eo biển Hormuz, nơi 20% nguồn cung dầu hàng ngày của thế giới đi qua” - các chuyên gia kinh tế cảnh báo sẽ có sự chuyển dịch né tránh rủi ro cực đoan hơn trên thị trường tài chính.

Các nhà phân tích nhận định, mức độ ảnh hưởng sẽ nhanh chóng lan rộng khi nhiều nước vẫn đang phải vật lộn với lạm phát cao do các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine, vốn đã định hướng lại thương mại toàn cầu bao gồm cả các dòng chảy dầu mỏ và khí đốt. Họ cảnh báo một cuộc chiến khác tại khu vực sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái.

Tuy nhiên, chuyên gia tại Bloomberg lưu ý rằng xác suất xảy ra kịch bản một cuộc xung đột trực tiếp giữa Iran và Israel không cao.

Giao tranh ác liệt từ ngày 7/10 giữa nhóm chiến binh Hamas của Palestine - lực lượng kiểm soát Gaza, và lực lượng Phòng vệ Israel đã khiến giá dầu thế giới tăng. Chốt phiên giao dịch ngày 12/10, giá dầu Brent giao tháng 12 đóng cửa ở mức 90,8 USD/thùng, tăng từ khoảng 84 USD/thùng một tuần trước đó. Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ leo dốc 5,8% lên 87, 7 USD/thùng - mức cao nhất kể từ ngày 3/4.

Cuộc xung đột giữa Israel và Hamas đã làm gia tăng lo ngại rằng giao tranh có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất năng lượng trong khu vực. Được biết, Trung Đông chiếm hơn 1/3 thương mại đường biển toàn cầu.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm 12/10 cho biết các điều kiện hiện tại trên thị trường dầu mỏ đang có nhiều bất ổn. Tuy nhiên, cơ quan này nhận định cuộc chiến Israel-Hamas vẫn chưa có tác động trực tiếp đến nguồn cung nhiên liệu toàn cầu.

IEA đã lên tiếng trấn an những lo lắng của thị trường khi tuyên bố sẵn sàng hành động để đảm bảo thị trường vẫn “được cung cấp đầy đủ” trong trường hợp nguồn cung bị thiếu hụt.

Theo CNBC, các biện pháp mà cơ quan năng lượng này có thể áp dụng bao gồm việc yêu cầu các quốc gia thành viên giải phóng kho dự trữ dầu khẩn cấp hoặc thực hiện các biện pháp hạn chế nhu cầu. Israel không phải là một nhà sản xuất dầu chủ chốt và không có cơ sở hạ tầng dầu mỏ lớn nào chạy gần dải Gaza.