Thế giới trong tuần: Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tạo nền móng cho đàm phán trong tương lai

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Việt Nam; căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan leo thang là những sự kiện thế giới nổi bật tuần qua.

Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2: Cuộc gặp thu hẹp khoảng cách
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai diễn ra trong 2 ngày 27/2 và 28/2 tại Hà Nội đã kết thúc sớm hơn chương trình nghị sự ban đầu.
Dù không đạt thỏa thuận, song việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đồng ý gặp lại nhau chỉ sau hơn 8 tháng kể từ hội nghị lần đầu tiên ở Singapore đã là một thành công.
Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên bắt tay nhau trước khi có cuộc gặp một - một tại hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội hôm 28/2.
Bên cạnh đó, với việc hai nhà lãnh đạo đều khẳng định có mối quan hệ cá nhân tốt và mong muốn tiếp tục đàm phán để giải quyết bế tắc là cơ sở để cộng đồng quốc tế kỳ vọng vào một nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên.
Tín hiệu quan trọng nhất được chính Tổng thống Trump phát đi ngày 1/3, khẳng định quan hệ giữa ông với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un "rất tốt đẹp" mặc dù hai bên không đạt được một thỏa thuận nào tại hội nghị thượng đỉnh lần 2 ở Hà Nội.
 Trên tài khoản Twitter cá nhân, Tổng thống Trump viết: "Rất vui khi trở về từ Việt Nam, một nơi tuyệt vời. Tôi đã có các cuộc đàm phán rất quan trọng với ông Kim Jong Un, chúng tôi biết những gì phía Triều Tiên muốn và họ biết những gì chúng tôi phải có”.
Trước đó, ngày 28/2, phát biểu với các phóng viên trên chuyến bay từ Hà Nội đến Manila, Philippines, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh lần 2, Chủ tịch Kim Jong Un đã tái khẳng định rằng ông đã sẵn sàng để phi hạt nhân hóa. Triều Tiên sẽ không tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân. Đây là những điều tốt, là một trụ cột và nền tảng quan trọng cho các cuộc đàm phán tiếp theo.
Trong khi đó, hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 1/3 nhận định, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên tại Hà Nội đã "thành công", hai bên sẽ duy trì đối thoại tích cực để mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ -Triều và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Theo KCNA, Chủ tịch Kim đã hứa với Tổng thống Trump về một hội nghị thượng đỉnh khác.
Ông David Kim, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ chuyên trách về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Đông Á, hiện là chuyên gia cao cấp Trung tâm Stimson, có trụ sở ở Washington, cho biết ông không tin hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba sẽ sớm diễn ra, nhưng vẫn có những động lực ngoại giao từ cả hai phía.
Chuyên gia Kim cho rằng, hiện có đủ ý chí và những động lực chính trị từ cả hai bên để giữ vững bầu không khí ngoại giao hiện nay.
Biểu hiện cụ thể, đó là tại hội nghị vừa qua, đã có một cam kết, ít nhất là bằng lời nói, rằng Triều Tiên sẽ chấm dứt thử hạt nhân và tên lửa. Trong khi Tổng thống Trump cho biết ông sẽ tiếp tục đình chỉ các cuộc tập trận chung trên bán đảo Triều Tiên, điều mà Bình Nhưỡng luôn xem là hành động khiêu khích. Theo ông David Kim, đó là điều rất quan trọng và có ý nghĩa theo nhiều cách khác nhau. 
Quan hệ Ấn Độ - Pakistan leo thang căng thẳng
Tối 1/3 (giờ địa phương), phi công Ấn Độ bị bắt đã được thả khỏi nơi giam giữ của Pakistan trong cuộc trao trả tại biên giới giữa hai nước. Đây được coi là một động thái “tháo ngòi” cuộc khủng hoảng quân sự lớn nhất ở Nam Á trong nhiều năm qua.
Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Pakistan Pakistan Imran Khan tuyên bố nước này trao trả viên phi công Ấn Độ như một "cử chỉ hòa bình" với quốc gia láng giềng.
Xác máy bay quân sự Ấn Độ rơi ở Budgam, cách thủ phủ Srinagar thuộc khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát 34km về phía nam, ngày 27/2. Ảnh: Reuters
Trước đó, căng thẳng giữa Pakistan và Ấn Độ tăng cao sau khi New Delhi ngày 26/2 xác nhận đã tiến hành không kích một trại huấn luyện của nhóm khủng bố Jaish-e-Mohammad (JeM) nằm ở khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát.
Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj nêu rõ quyết định không kích dựa trên việc Pakistan chưa có hành động chống các nhóm khủng bố, cũng như nguồn tin đáng tin cậy rằng JeM đang lên kế hoạch tiến hành các vụ tấn công tại Ấn Độ.
Đến ngày 27/2, quân đội Pakistan tuyên bố lực lượng không quân nước này đã bắn rơi 2 máy bay chiến đấu của Ấn Độ và bắt giữ một phi công. Ngay lập tức,  Bộ Ngoại giao Ấn Độ lên tiếng phản đối việc Pakistan bắt giữ người và đề nghị Pakistan đảm bảo an toàn cho phi công trên, đồng thời mong muốn phi công này được trở về Ấn Độ ngay lập tức và an toàn.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng đã triệu Phó Đại sứ Pakistan Syed Haider Shah để trao công hàm phản đối về một số hành động của Islamabad, trong đó có việc Không quân Pakistan xâm phạm không phận Ấn Độ và việc binh sĩ Pakistan tấn công các cơ sở quân sự của Ấn Độ tại Đường ranh giới kiểm soát (LoC).
Kashmir là một vùng có đa số người theo đạo Hồi sinh sống trong nhiều thập kỷ thù địch giữa hai nước láng giềng Nam Á này. Hiện Kashmir đang được chia đôi, trong đó Ấn Độ và Pakistan quản lý mỗi phần. Quan hệ giữa hai nước liên tục căng thẳng do đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ khu vực này.  
Trước những diễn biến căng thẳng leo thang, nhiều nước trong đó có Nepal, Anh, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng Nam Á, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế.
Venezuela cắt đứt quan hệ ngoại giao với Colombia
Ngày 24/2, căng thẳng tại khu vực biên giới giữa Venezuela và Colombia đã bùng phát khi ít nhất 2 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo đã bị đốt cháy khi phe đối lập đang tìm cách đưa hàng viện trợ vào lãnh thổ Venezuela, bất chấp sự phản đối của chính phủ. Những đối tượng quá khích của phe đối lập đã đốt 2 chiếc xe này nhằm đổ lỗi cho lực lượng an ninh Venezuela và tạo cớ để gây bất ổn tình hình.
Những người ủng hộ phe đối lập đụng độ với lực lượng an ninh Venezuela. Ảnh: Reuters
Cùng ngày, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Colombia, cáo buộc Bogota hậu thuẫn một cách trắng trợn âm mưu gây bất ổn và lật đổ chính quyền hợp hiến mà phe đối lập Venezuela đang tiến hành. Ông Maduro yêu cầu tất cả nhân viên ngoại giao và lãnh sự Colombia phải rời khỏi lãnh thổ Venezuela trong thời hạn 24 giờ.
Ngay sau đó, Colombia cũng ra tuyên bố rút toàn bộ nhân viên ngoại giao của mình tại Caracas về nước. Tuyên bố nêu rõ, Colombia "không công nhận tính hợp hiến của Tổng thống Maduro và chỉ công nhận ông Juan Guaido là Tổng thống lâm thời" và sẽ "quy toàn bộ trách nhiệm" cho chính quyền của Tổng thống Maduro nếu có bất kỳ sự tấn công hay không thừa nhận quyền lợi của các nhà ngoại giao Colombia tại Venezuela.
Tình hình chính trị xã hội Venezuela đang diễn biến hết sức căng thẳng sau khi thủ lĩnh phe đối lập Guaido đã tự phong là “tổng thống lâm thời” của nước này. Tổng thống đương nhiệm Maduro, cho rằng đây là một âm mưu đảo chính. Mỹ và một số nước phương Tây bày tỏ ủng hộ ông Guaido. Trong khi đó, các nước như Nga, Belarus, Bolivia, Iran, Trung Quốc, Cuba, Nicaragua, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Maduro. 
Trung Quốc phản đối Canađa điều trần việc dẫn độ Giám đốc tài chính Huawei
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay lập tức đưa ra một tuyên bố chỉ trích động thái này của Canada, cho rằng đây là một sự cố đã bị chính trị hóa.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Bộ Tư pháp Canađa vì cho phép tiến hành phiên điều trần về việc dẫn độ một giám đốc điều hành của Huawei, tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng. Ảnh: CNN
Trước đó, Bộ Tư pháp Canađa ngày 1/3 chính thức đưa ra thông báo cho phép thực hiện việc dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc Tài chính (CFO) của Huawei sang Mỹ theo đề nghị của Bộ Tư pháp Mỹ.
Bà Mạnh Vãn Chu sẽ phải có mặt tại tòa án vào 6/3 tới, ngày diễn ra một phiên điều trần về quyết định dẫn độ này. Quyết định dẫn độ sẽ chính thức được xem xét và thẩm phán sẽ lắng nghe những tranh luận về việc có nên thực hiện quyết định này theo yêu cầu của phía Mỹ hay không. 
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngay lập tức đưa ra một tuyên bố chỉ trích động thái này của Canada, cho rằng đây là một sự cố đã bị chính trị hóa, vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Trung Quốc.
Cũng theo ông Lục Khảng, Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngay lập tức rút lại lệnh bắt giữ cũng như yêu cầu dẫn độ đối với bà Mạnh Vãn Chu, đồng thời hối thúc phía Canađa ngay lập tức trả tự do cho nhà điều hành cấp cao của Huawei để đảm bảo bà Mạnh Vãn Chu có thể trở về Trung Quốc an toàn.