Thế giới tuần qua: Châu Âu liên tiếp bị khủng bố, Mỹ phóng tên lửa đến Syria

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Châu Âu hứng chịu 2 vụ tấn công khủng bố chỉ trong một tuần, Tổng thống Trump phóng 59 tên lửa đến Syria là những sự kiện nổi bật tuần qua.

Đánh bom ở ga tàu điện ngầm St Petersburg, Nga
Ngày 3/4, vụ nổ xảy ra vào 14h40 giữa 2 ga tàu điện ngầm Sennaya và Viện Công nghệ của TP St Petersburg, Nga đã khiến 14 người thiệt mạng và gần 50 người bị thương. Thiết bị nổ được kích hoạt trên tàu được cho là chứa 300g thuốc nổ TNT và nhồi đầy mảnh kim loại sắc nhọn, gây ra sức sát thương rất cao.
 Hiện trường vụ đánh bom ga tàu St Petersburg, Nga.
Cơ quan chức năng Nga đã xác định đây là một vụ đánh bom liều chết và nghi phạm trong vụ nổ tàu điện ngầm thành phố St. Petersburg là người gốc Kyrgyzstan, mang quốc tịch Nga, được cho là có liên hệ với các tổ chức khủng bố quốc tế.
Sau đó, cảnh sát tiếp tục phát hiện một số vật liệu nổ tại TP này, dấy lên nghi vấn những kẻ khủng bố đã lên kế hoạch âm mưu đánh bom trên khắp St Petersburg. Trước đây, đã từng có một vài ga tàu tại Nga bị tấn công. Năm 2010, ít nhất 38 người đã thiệt mạng trong vụ đánh bom tự sát kép ở Moscow. Trước đó một năm, một quả bom cũng phát nổ ở chuyến tàu tốc độ cao giữa Moscow và St Petersburg, khiến 27 người thiệt mạng và làm bị thương 130 người.
Tấn công bằng xe tải ở Thụy Điển
Vụ việc xảy ra tại trung tâm thương mại Ahlens ở khu phố mua sắm Drottninggatan, trung tâm thủ đô Stockholm của Thụy Điển vào khoảng 15h hôm 7/4. Ít nhất 4 người đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương sau vụ lao xe tải. Thủ tướng Stefan Lofven tuyên bố "Thuỵ Điển bị tấn công" và nói mọi dấu hiệu cho thấy đây là hành động khủng bố. 
Sau vụ tấn công gây rúng động ở Thụy Điển, đất nước nổi tiếng yên bình, Thủ tướng Lofven cho bietes chính phủ nước này ngay lập tức thắt chặt biên giới. Ông nói thêm sẽ làm "bất cứ điều gì" để đảm bảo cho người dân được an toàn. 

 Vụ tấn công bằng xe tải tại  Stockholm, Thụy Điển.
Vụ việc ở Stockholm xảy ra hơn hai tuần sau khi nước Anh chứng kiến vụ tấn công bằng xe tải tương tự ngày 22/3, cho thấy chủ nghĩa khủng bố đang đe dọa châu Âu hơn lúc nào hết.
Mỹ phóng 59 tên lửa đến Syria
Hai ngày sau vụ tấn công sinh học tại Syria, chính quyền Mỹ hôm 6/4 (giờ địa phương) đã phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk nhằm vào một số mục tiêu ở căn cứ quân sự Shayrat của Syria tại tỉnh Homs. Đây là động thái quân sự trực tiếp nhắm vào chính quyền Tổng thống Syria al-Assad đầu tiên của Washington, nhấn mạnh rằng Washington sẽ không tha thứ việc sử dụng vũ khí hóa học và dự báo sự can thiệp sâu hơn của chính quyền Tổng thống Trump.
 Mỹ phóng 59 tên lửa nhắm đến căn cứ quân sự tại Homs, Syria.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, căn cứ bị phá hủy gần như hoàn toàn và có 4 binh sĩ thiệt mạng.
Phản ứng trước hành động bắn tên lửa của Mỹ, phía Nga khẳng định đây là hành vi vi phạm các chuẩn mực quốc tế và dựa trên cái cớ tự biên, trong khi Syria lên án hành động của Mỹ là "gây hấn" và cho biết đã có "tổn thất". 
Hôm 7/4, giới chức Nga cũng tuyên bố, chấm dứt thỏa thuận tránh va chạm trên không giữa máy bay 2 nước đang hoạt động ở Syria, dự báo tình hình cuộc nội chiến đã kéo dài 6 năm ở quốc gia Trung Đông sẽ ngày càng phức tạp.
Cuộc gặp đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo Trung - Mỹ
Cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo 2 "ông lớn" trên thế giới đã diễn ra êm xuôi một cách bất ngờ, bất chấp các dự đoán khó khăn trước thềm sự kiện. Trước cuộc gặp, ông Trump đã liên tục đưa ra các tuyên bố cứng rắn đối với Trung Quốc. Tổng thống Mỹ cho biết, ông muốn nêu mối quan ngại về các hoạt động thương mại của Trung Quốc và hối thúc nhà lãnh đạo nước này phải tích cực hơn để kiềm chế tham vọng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên trong các cuộc gặp đầu tiên.
 
Tuy nhiên, cuộc gặp thượng đỉnh tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago ở Florida của ông Trump đã có một khởi đầu tốt đẹp. Ông Trump cho rằng, lâu dài, 2 nước sẽ có một mối quan hệ “rất, rất tuyệt vời” và ông rất trông chờ điều này. Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh rất mong chờ sự phát triển tình hữu nghị với Bắc Kinh.
Cũng trong lần gặp đầu tiên, ông Trump đã nhận lời mời của ông Tập thăm Trung Quốc. Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác với Mỹ trong các lĩnh vực đầu tư, hạ tầng và năng lượng. Tuyên bố sẵn sàng làm việc với ông Trump để thúc đẩy quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington từ một điểm khởi đầu mới, ông Tập Cận Bình khẳng định: “Có hàng ngàn lý do để làm quan hệ Trung - Mỹ phát triển và chẳng có lý do gì để phá vỡ nó”.