Thế giới tuần qua: Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và giao tranh căng thẳng tại miền Nam Philippines là những sự kiện nổi bật tuần qua.

Tổng thống Trump chính thức tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris
Ngày 1/6, Tổng thống Donald Trump đã chính thức tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Quyết định này giúp ông Trump hiện thực hóa cam kết khi tranh cử.
Theo đó, phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump tuyên bố: “Để hoàn thành nhiệm vụ cao cả bảo vệ đất nước và người dân Mỹ, tôi quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu".
 Tổng thống Donald Trump đã chính thức tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris.
Việc rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là một trong những cam kết tranh cử quan trọng của Tổng thống Donald Trump.

Nhà Trắng cho rằng hiệp định này bất công đối với Mỹ, góp phần cướp công ăn việc làm của người lao động Mỹ và gây tổn thương cho những người nộp thuế tại Mỹ. 

Tuy nhiên, Tổng thống Trump khẳng định chính quyền Mỹ sẽ xúc tiến các cuộc thương lượng để tham gia một thỏa thuận khác công bằng hơn đối với nước này.
Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu mà cựu Tổng thống Obama ký tham gia năm 2015, bao gồm 195 nước thành viên.
Hiệp định này quy định tất cả các nước thành viên phải đề ra một mục tiêu rõ ràng nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo quy định, một nước thành viên có thể chính thức rút khỏi hiệp định sớm nhất là tháng 11/2020.
Căng thẳng giao tranh với phiến quân ở miền Nam Philippines
Theo nguồn tin tình báo Philippines, trong số khoảng 400-500 tay súng tấn công TP Marawi trên đảo Mindanao hôm 23/5, có tới 40 tên đến từ nước ngoài trong thời gian gần đây, trong đó có các quốc gia Trung Đông. 
 Quân đội Philippines giao tranh với lực lượng Hồi giáo tại Marawi.
Chính phủ Philippines ngày 30/5 tuyên bố đang tiến tới giành lại kiểm soát TP Marawi, đồng thời hối thúc các tay súng đang chiếm giữ thành phố này ra đầu hàng.
Hiện quân đội Philippines đã đạt được bước tiến rất tích cực hướng tới chấm dứt cuộc khủng hoảng đã khiến 21 nhân viên an ninh và 19 dân thường thiệt mạng này.
Quân đội Philippines ngày 31/5 thông báo các lực lượng an ninh nước này đã tiêu diệt 89 tay súng Hồi giáo trong hơn một tuần giao tranh tại TP Marawi.
Trong ngày 31/5, máy bay trực thăng đã liên tiếp nã rocket vào các vị trí ẩn náu của phiến quân tại TP Marawi. Tuy nhiên, các tay súng vẫn đang chống trả ác liệt và cầm giữ các con tin.
Giao tranh tại TP Marawi bùng phát vào ngày 23/5 sau khi lực lượng an ninh đột kích một ngôi nhà nghi là nơi ẩn náu của Hapilon, thủ lĩnh của nhóm phiến quân Abu Sayyaf, đồng thời là phần tử đứng đầu chi nhánh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Philippines.

Do tình hình bất ổn, Tổng thống Philippines đã quyết định thiết quân luật trên đảo Mindanao, nơi sinh sống của 20 triệu dân.
Tổng thống Duterte cho rằng bạo lực tại Marawi cho thấy các nhóm phiến quân đang tập hợp dưới trướng IS và trở thành mối đe dọa an ninh lớn trên khắp Mindanao.
Cuộc khủng hoảng cũng khiến Tổng thống Duterte hoãn chuyến thăm tới Nhật Bản trong tháng này. 
LHQ mở rộng lệnh trừng phạt với Triều Tiên
Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (LHQ) ngày 2/6 đã bỏ phiếu công khai về nghị quyết do Mỹ soạn thảo, theo đó mở rộng các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên để phản ứng trước các vụ thử tên lửa liên tiếp của nước này. 
Hội đồng Bảo an LHQ lần đầu tiên áp đặt lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên vào năm 2006 và với nghị quyết vừa được thông qua, Hội đồng Bảo an đã thông qua tổng cộng 7 nghị quyết để đối phó với các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Nghị quyết mở rộng lệnh trừng phạt được thông qua sau một loạt các vụ thử tên lửa của Triều Tiên trong những tháng gần đây. Những vụ thử thành công cho thấy Triều Tiên không ngừng tiến bộ trong phát triển các loại tên lửa khác nhau, kể cả tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng vươn tới Mỹ. 
Toàn bộ 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an đã nhất trí mở rộng các lệnh trừng phạt để bổ sung 18 cá nhân và thực thể của Triều Tiên vào "danh sách đen" của LHQ. 
18 cá nhân và thực thể này được bổ sung vào danh sách hiện hành gồm 39 cá nhân và 42 thực thể của Triều Tiên. Những cá nhân và thực thể trong "danh sách đen" bị đóng băng tài sản và bị cấm đi lại trên toàn cầu.
Trước khi dự thảo nghị quyết ra bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an LHQ, Mỹ đã đàm phán với Trung Quốc trong 5 tuần. Và đây là lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, Mỹ và Trung Quốc đạt được một nghị quyết liên quan đến Triều Tiên.
Mỹ cảnh báo hành vi quân sự hóa các đảo ở Biển Đông
Tại Hội nghị an ninh Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố, phản đối các quốc gia quân sự hóa các đảo nhân tạo và thực thi yêu sách hàng hải thái quá. "Chúng tôi không thể và sẽ không chấp nhận những thay đổi hiện trạng đơn phương, cưỡng ép", ông Mattis nói.
 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.
Bộ trưởng Mattis đã chỉ trích các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời khẳng định Mỹ "sẽ không chấp nhận" việc Trung Quốc triển khai vũ khí và các thiết bị quân sự khác trên những hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Tuyên bố của ông Mattis phản ánh một điều rằng những quan điểm cho rằng sự hợp tác của Trung Quốc đối với vấn đề Triều Tiên phải đánh đổi bằng sự nhượng bộ trên Biển Đông là sai lầm. Nói một cách khác, câu trả lời của ông Mattis phản ánh quyết tâm của Mỹ trên Biển Đông, trong đó có thể bao hàm việc nước này gia tăng các chiến dịch tự do hàng hải, hàng không trên vùng biển chiến lược này.
Trong bài phát biểu tại Đối thoại lần này, Bộ trưởng Mattis cũng trình bày một chiến lược 3 điểm của chính quyền mới tại Mỹ về khu vực châu Á. Ông Mattis nhấn mạnh nỗ lực hàng đầu của Mỹ vẫn là tăng cường các quan hệ liên minh với Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Philippines và Thái Lan.