Thế giới tuần qua: Mỹ thả "mẹ các loại bom", Triều Tiên diễu binh khoe lực lượng

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ ném bom diệt IS, Triều Tiên diễu binh mừng 105 ngày sinh lãnh tụ Kim Nhật Thành và vụ bê bối của United Airlines là các sự kiện đáng chú ý tuần qua.

Mỹ thả bom xuống Afghanistan diệt IS
Quân đội Mỹ đã thả quả bom phi hạt nhân có sức phá huỷ khủng khiếp nhất từ trước tới nay vào một khu hầm ngầm của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Afghanistan. Quả bom MOAB (GBU-43/B Massive Ordnance Air Blast Bomb), được mệnh danh là Bom Mẹ, lần đầu tiên thử nghiệm năm 2003 nhưng chưa được sử dụng.
 Quả bom MOAB được Mỹ thả xuống Afghanistan.
Đại diện Bộ Quốc phòng Afghanistan cho biết, không có dân thường bị thương sau vụ ném bom của quân đội Mỹ. Giới chức Afghanistan cũng xác nhận, 36 phiến quân tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bị tiêu diệt.
Trước đó, trong một tuyên bố, lực lượng Mỹ tại Afghanistan cho biết quả bom này đã đánh trúng một hệ thống ngầm ở huyện Achin, tỉnh Nangarhar.
Ngày 13/4, quân đội Mỹ đã thả một quả bom phi hạt nhân GBU-43, còn được gọi là "mẹ của các loại bom," xuống khu vực phía Đông Afghanistan nhằm vào một loạt cơ sở do quân khủng bố IS sử dụng. Quả bom GBU-43B nặng đến 9700kg với sức công phá tương đương 11 tấn thuốc nổ TNT.

United Airlines gặp khủng hoảng sau vụ kéo lê hành khách
Cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ đoạn video quay cảnh lực lượng an ninh hãng hàng không United Airlines kéo lê một hành khách trên sàn để đưa người này rời khỏi chỗ ngồi. Trên đoạn video, nam hành khách gốc Á đã bị thương, thậm chí đổ máu. Cụ thể, nam hành khách gốc Á có tên David Dao từ chối xuống khỏi máy bay vì đã có lịch hẹn với bệnh nhân vào buổi sáng hôm sau. Việc này đã dẫn đến hành động bạo lực của lực lượng an ninh máy bay.
 Hình ảnh hành khách bị kéo ra khỏi máy bay.
Chỉ một đêm sau khi đoạn video ghi lại vụ việc được công bố, cổ phiếu của United Airlines đã nhận sự "trừng phạt" từ các nhà đầu tư. Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/4, cổ phiếu của United Continental Holdings - công ty mẹ của United Airlines đã giảm 1,1% khiến công ty này "bốc hơi" 225 triệu USD. 
CEO của United Airlines đã 2 lần lên tiếng xin lỗi nhưng không cũng cứu vãn nổi tình hình. Trên mạng nhanh chóng xuất hiện làn sóng phản đối hãng hàng không Mỹ. Từ khóa boycottunited (tẩy chay United) hiện đang được sử dụng khắp các mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter để chỉ trích hành vi bị lên án là “đáng xấu hổ” của hãng hàng không này. 
Triều Tiên diễu binh kỷ niệm 105 năm ngày sinh nhà lập quốc
Ngày 15/4, quân đội CHDCND Triều Tiên đã tiến hành diễu binh rầm rộ ở Bình Nhưỡng nhằm phô trương sức mạnh, nhân kỷ niệm ngày sinh nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành. Cuộc diễu binh quy mô lớn tại Bình Nhưỡng được phát sóng trực tiếp trên truyền hình nhà nước.
 Tên lửa phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên.
Theo báo chí nước ngoài, sự kiện này nhằm gửi một thông điệp rõ ràng tới Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước khác về sức mạnh quân sự của một nước Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Lễ duyệt binh năm nay của Triều Tiên quy tụ dàn vũ khí hùng hậu, trong đó có nhiều loại tên lửa mới chưa từng được công bố trước đây như tên lửa phóng từ tàu ngầm...
Trước đó, đã có một loạt căng thẳng xảy ra giữa Bình Nhưỡng và Washington khi Tổng thống Donald Trump điều tàu chiến đến gần bán đảo Triều Tiên cũng như có các phát ngôn cứng rắn đối với vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trước cuộc diễu binh vào ngày 15/4, đã có nhiều lo ngại về việc xảy ra xung đột giữa 2 quốc gia.
Nghi vấn trưng cầu dân ý Brexit bị can thiệp
Tuần qua, Ủy ban Hành chính công và Hiến pháp (PACAC) của Quốc hội Anh tuyên bố, wesbite lấy ý kiến về việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) - còn gọi là Brexit - đã bị đánh sập trong giai đoạn nước rút của cuộc trưng cầu dân ý hồi năm ngoái.
 
Chính phủ Anh đã buộc phải gia hạn thời điểm đăng ký bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý sau khi website của chính phủ bị đánh sập vào ngày 7/6 năm ngoái. Vào thời điểm đó, chính phủ Anh cho biết, nguyên nhân của việc sập website này là do lượng người truy cập tăng đột biến, với khoảng hơn 500.000 người cố gắng truy cập để bỏ phiếu vào ngày cuối cùng.
Việc website bị đánh sập dấy lên lo ngại rằng, hàng chục nghìn người có thể đã bị tước quyền tham gia bỏ phiếu. PACAC không nêu rõ ai chịu trách nhiệm đứng sau các hoạt động can thiệp này nhưng ám chỉ Nga đứng sau vụ tấn công mạng.
Thông tin này diễn ra sau khi Ngoại trưởng Anh hủy chuyến thăm Moscow và đe dọa sẽ có thêm lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga sau vụ tấn công hóa học ở Syria.