Thế lực đáng sợ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới: AI

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc đua ghế Tổng thống Mỹ năm 2024 dự kiến ​​sẽ là cuộc bầu cử đầu tiên chứng kiến ​​việc sử dụng rộng rãi các công cụ tiên tiến được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) - đang ngày càng làm mờ ranh giới giữa thực tế và hư cấu.

Tại Mỹ đã xuất hiện hình ảnh giả về vụ bắt giữ Donald Trump, một video đen tối giả lập trường hợp Joe Biden tái đắc cử, và đoạn âm thanh nhái giọng hai người đàn ông này lăng mạ nhau. Giới quan sát cảnh báo về công nghệ AI đang phát triển nhanh đến khó tưởng, có thể thúc đẩy thông tin sai lệch trong các chiến dịch chính trị của Mỹ.

Các chiến dịch ở cả hai phía có khả năng khai thác AI, với những tiến bộ đã vượt xa quy định, để tiếp cận cử tri và tạo ra những bản tin gây quỹ tranh cử chỉ trong vòng vài giây.

Nhưng các nhà công nghệ cũng cảnh báo về những kẻ xấu lợi dụng AI để gieo rắc hỗn loạn vào thời điểm mà bầu không khí chính trị đã trở nên cực đoan ở Mỹ, bên cạnh nhiều cử tri vẫn còn tranh cãi về những sự thật đã được xác minh, bao gồm cả thất bại của ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2020.

Tháng trước, để đáp lại thông báo tái tranh cử vào năm 2024 của Tổng thống Biden, Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa gần như ngay lập tức phát hành một video được AI tạo ra về tương lai đen tối nếu Biden tái đắc cử.

Video cho thấy những hình ảnh giống như thật về sự hoảng loạn ở Phố Wall, những người nhập cư vượt qua các đặc vụ biên giới và quân đội tiếp quản San Francisco trong bối cảnh bạo lực nghiêm trọng.

Hồi đầu năm nay, một đoạn âm thanh do AI giả mạo cuộc cãi vã như thật của ông Biden và ông Trump - dự kiến ​​​​diễn ra vào năm tới trong trận "tái đấu" 2024. Đoạn âm thanh này đã lan truyền trên TikTok.

Tác động của AI sẽ phản ánh giá trị của những người sử dụng nó, đặc biệt là những kẻ xấu kích động sự căm ghét và nghi ngờ, hoặc làm sai lệch hình ảnh, âm thanh hay video để lừa báo chí và công chúng - Joe Rospars, sáng lập công ty tư vấn chính trị thiên tả Blue State, nói với AFP.

Rospars cho rằng rất cần sự cảnh giác của các nhà báo, công ty công nghệ cũng như chính các cử tri.

Những hình ảnh giả mạo về các chính trị gia hàng đầu thế giới do AI tạo ra đã lan truyền trên Internet thời gian qua
Những hình ảnh giả mạo về các chính trị gia hàng đầu thế giới do AI tạo ra đã lan truyền trên Internet thời gian qua
Hãng thông tấn AFP cũng từng thử nghiệm công cụ ChatGPT tạo một bản tin chiến dịch ủng hộ Donald Trump, cung cấp những tuyên bố sai sự thật của vị cựu Tổng thống này vốn bị các cơ quan chức năng Mỹ đính chính.

Kết quả, sản phẩm AI gây sốt thời gian qua đã tạo ra một tài liệu chiến dịch bóng bẩy với toàn thông tin sai lệch chỉ trong vài giây. Khi AFP tiếp tục nhắc chatbot làm cho bản tin trở nên "tiêu cực hơn", nó đã lặp lại những thông tin đó bằng một giọng hùng hồn hơn.

Dan Woods, cựu giám đốc công nghệ cho chiến dịch tranh cử năm 2020 của ông Biden, bình luận: "Mức độ hiện tại của AI có thể nói dối rất nhiều". "Nếu các đối thủ nước ngoài của Mỹ chỉ cần thuyết phục một AI lan truyền thông tin sai lệch, thì chúng ta sẽ phải chuẩn bị để đối mặt với một chiến dịch "fake news" lớn hơn nhiều so với những gì từng thấy hồi năm 2016" - Woods nói.

Vance Reavie, giám đốc điều hành của Junction AI, tin rằng những tiến bộ của AI sẽ trở thành một công cụ "thay đổi cuộc chơi" trong quá trình thăm dò cử tri. Reavie nói với AFP: "Một bộ phận không nhỏ dân số hoàn toàn không bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu bất thường".

"Với AI, chúng ta có thể tìm hiểu về những điều mà cử tri tiềm năng quan tâm, từ đó có thể hiểu cách thu hút họ và những chính sách nào sẽ thúc đẩy họ bỏ phiếu" - chuyên gia của Junction AI giải thích.

Các nhân viên chiến dịch tranh cử trước đây đã phải dành hàng giờ để tiếp cận cử tri bằng cách viết bài phát biểu và chuẩn bị trước luận điểm, cũng như đăng trạng thái và bảng câu hỏi lên các kênh truyền thông mạng xã hội. Nhưng AI đã thực hiện được công việc tương tự chỉ trong khoảng thời gian vô cùng ngắn.

Reavie thừa nhận: Với việc tạo nội dung vốn tốn nhiều thời gian và tiền bạc, AI có thể làm được gấp 10 lần mà không cần thêm nhân viên nào cả. Nhưng nội dung sai sự thật và nhanh chóng tràn ngập các kênh mà người bình thường khó có thể kiểm chứng.

Hany Farid, giáo sư tại Trường Thông tin UC Berkeley, thì lưu ý: "Mối lo ngại là khi việc thao túng truyền thông trở nên dễ dàng hơn thì việc phủ nhận thực tế cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn".

"Ví dụ, nếu một ứng viên Tổng thống nói điều gì đó không phù hợp hoặc bất hợp pháp, người đó có thể đơn giản khẳng định đoạn ghi âm là giả mạo. Điều này đặc biệt nguy hiểm" - Farid nói.