Thể thao mà coi thường pháp luật, cần mức phạt đủ sức răn đe

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng hàng chục chiếc xe đạp đi vào phần đường tốc độ cao, thách thức pháp luật thời gian qua gây nhiều bức xúc cho người dân. Cần có những hình phạt thích đáng đủ sức răn đe.

Bất chấp nguy hiểm

Thời gian dài qua, tình trạng hàng đoàn xe đạp nối đuôi nhau đi vào đại lộ Võ Nguyên Giáp khiến, nhiều tài xế ô tô di chuyển trên tuyến đường này vào buổi sớm không khỏi giật mình.

Đại lộ Võ Nguyên Giáp - sân bay Nội Bài có cắm biển cấm người đi bộ, các loại xe thô sơ, xe thồ, xe đạp điện, xe mô tô, xe gắn máy... Tuyến đường này được thiết kế dành riêng cho ô tô lưu thông, với vận tốc từ 80 - 90km/h.

Từ 5 giờ sáng hàng ngày, nhiều tốp người điều khiển xe đạp ngó lơ biển cấm, dàn hàng đi vào đường dành riêng cho ô tô với tốc độ cao, bất chấp nguy hiểm cho bản thân và những người tham gia giao thông khác.

Thời gian dài qua, tình trạng hàng đoàn xe đạp nối đuôi nhau đi vào  đại lộ Võ Nguyên Giáp.
Thời gian dài qua, tình trạng hàng đoàn xe đạp nối đuôi nhau đi vào  đại lộ Võ Nguyên Giáp.

Mới đây, vụ việc ngày 26/9, một nhóm hàng chục người đi xe đạp vào đại lộ Võ Nguyên Giáp, hướng Nội Bài đi cầu Nhật Tân và xảy ra va chạm với một ô tô đi cùng chiều. Điều đáng nói khi bị tài xế ô tô nhắc nhở, những người đạp xe đạp lập tức hò nhau quây kín chiếc ô tô rồi đe dọa, xúc phạm lái xe.

Vụ việc gây nhiều bức xúc, bởi nhóm người đi xe đạp trên không những vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, gây mất an toàn giao thông mà còn có ứng xử không phù hợp. Nhiều ý kiến cho rằng, hành vi này của những người đi xe đạp cần xử lý nghiêm để răn đe.

Anh Nguyễn Đức Toàn, lái xe taxi sân bay chia sẻ: “Đoàn người đi xe đạp thường xuyên di chuyển vào đại lộ Võ Nguyên Giáp với tốc độ cao. Những chiếc xe đạp này dàn hàng ngang di chuyển, bất chấp pháp luật, cũng như  gây mất an toàn cho những người tham gia giao thông”.

Theo anh Toàn, nhóm người  này rất hung hãn, sẵn sàng chửi bới, dọa nạt khi bị nhắc nhở hay quay chụp lại hành động xấu xí này.

“Đề nghị cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ. Nếu đủ căn cứ xác định, đây là hành vi gây rối trật tự công cộng thì phải xử lý thật nghiêm minh để răn đe” – anh Nguyễn Đức Toàn chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Sơn, trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết thêm: “Có những hôm, tôi phải đạp phanh gấp vì đang di chuyển tốc độ cao, bỗng gặp đoàn người đi xe đạp phía trước. Thậm chí, có người còn đạp xe lưu thông ở làn giữa đường, trêu đùa, cười nói mà không hề ý thức được sự nguy hiểm của hành động đó”.

Theo anh  Sơn, tuyến đường này có nhiều đoạn cong, cầu vượt nên khuất tầm nhìn, xe đạp lại đi đông vào rạng sáng, chỉ cần thiếu quan sát một chút là có thể gây tai nạn nghiêm trọng.

Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tình trạng mô tô, xe đạp, xe thô sơ… cố tình vi phạm luật giao thông, đi vào  đại lộ Võ Nguyên Giáp - sân bay Nội Bài đã diễn ra một vài năm gần đây và không ít trường hợp đã bị lực lượng chức năng xử phạt. Tuy nhiên, khi phát hiện lực lượng chức năng, nhiều người đi xe đạp quay đầu bỏ chạy, thậm chí bê xe qua dải phân cách để trốn.

Nâng mức xử phạt

Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù vi phạm đã tồn tại thời gian dài, trở thành vấn đề nóng của xã hội, tuy nhiên lại khó có biện pháp xử lý dứt điểm khi mức phạt chưa đủ sức răn đe đối với những cá nhân cố tình vi phạm.

Vụ việc  hàng chục người đi xe đạp chặn đầu ô tô trên đường dành riêng cho ô tô khiến người dân bức xúc.
Vụ việc  hàng chục người đi xe đạp chặn đầu ô tô trên đường dành riêng cho ô tô khiến người dân bức xúc.

Luật sư Phạm Thanh Hải – Trưởng văn phòng luật Hải Thanh chia sẻ: “Khoản 4, Điều 26 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định xe đạp không được đi vào đường cao tốc, trừ trường hợp làm nhiệm vụ quản lý, bảo trì đường cao tốc. Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác điều khiển xe đi vào đường cao tốc có thể bị phạt hành chính với mức phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng theo điểm a khoản 4 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được bổ sung bởi Khoản 6 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP”.

Ngoài ra, theo vị luật sư này, hành vi tụ tập đông người gây cản trở lưu thông trên đường cao tốc cũng có dấu hiệu của hành vi gây rối trật tự công cộng. Hành vi này có thể sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, theo quy định tại Điều 7 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức phạt tiền đến 2.000.000 đồng.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan nhận định, một số cá nhân ý thức kém, không có văn hóa tham gia giao thông khi cố tình đi xe đạp vào đường chỉ dành riêng cho ô tô. Hành vi này không những gây mất an toàn giao thông cho bản thân mà còn gây nguy hiểm đến các phương tiện khác. Trên thực tế đã có không ít trường hợp bị tai nạn nghiêm trọng, khi đi xe đạp vào đường cao tốc, đường dành riêng cho ô tô.

“Mức phạt từ 400.000 - 600.000 đồng như hiện nay, theo tôi, vẫn chưa đủ sức răn đe đối với người vi phạm. Những người này sẵn sàng nộp phạt mỗi khi bị bắt giữ và lần sau tiếp tục vi phạm. Cần có những chế tài mạnh tay hơn nữa như tạm giữ phương tiện, tăng mức tiền phạt lên gấp nhiều lần, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp cố tình vi phạm gây tai nạn giao thông” - thạc sĩ Đỗ Cao Phan chia sẻ.

Đại diện đội CSGT số 15 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cho biết, đơn vị thường xuyên cử người cắm chốt và xử lý hiện tượng đi xe đạp vào làn đường không được phép. Nhưng dù được tuyên truyền, xử lý, vẫn có nhiều người vô ý thức lợi dụng thời điểm đêm và rạng sáng cố tình vi phạm. Phòng CSGT khuyến cáo, hành vi vi phạm giao thông vừa không đúng tinh thần thể thao, sẽ bị xử lý nghiêm. Thời gian tới, đơn vị đề xuất tăng thêm chế tài xử lý, tăng cường thêm camera giám sát giao thông khu vực trên và yêu cầu các đơn vị Công an địa bàn, thanh tra giao thông cùng vào cuộc.