Thể thao Việt Nam cần chuyển hoá "vàng" từ SEA Games sang Asiad và Olympic

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sau hơn hai tuần tranh tài sôi nổi, Asiad 19 đã chính thức khép lại, Đoàn Thể thao Việt Nam đứng thứ 21 khi giành 27 huy chương, trong đó có 3 HCV, 5 HCB và 19 HCĐ.

Ba “khoảnh khắc Vàng” giúp Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu

Asaid 19 diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc), Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự với 307 vận động viên (VĐV), tranh tài ở 31/40 môn thi đấu. Khép lại Đại hội, Đoàn Thể thao Việt Nam giành huy chương ở 12 môn gồm: bắn súng, cầu mây, karate, cờ tướng, bơi, thể dục dụng cụ, wushu, jujitsu, taekwondo, đua thuyền, boxing và kurash. Trong đó, Ba “khảnh khắc Vàng” giành được đến từ bắn súng, cầu mây và karate. Con số 27 huy chương, trong đó có 3 HCV, 5 HCB và 19 HCĐ giúp Đoàn Thể thao Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu (giành 2-5HCV) đề ra trước ngày lên đường.

Phạm Quang Huy là VĐV giành HCV đầu tiên cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại Asiad 19. Ảnh: Bùi Lượng.
Phạm Quang Huy là VĐV giành HCV đầu tiên cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại Asiad 19. Ảnh: Bùi Lượng.

Tấm HCV đầu tiên của Đoàn Thể thao Việt Nam đến từ bộ môn bắn súng của VĐV Phạm Quang Huy ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam. Cũng giống như Asiad 18, Đoàn Thể thao Việt Nam phải chờ đợi ở ngày thi đấu thứ 5, Quốc ca được vang lên. Tấm HCV của Phạm Quang Huy giải toả áp lực cũng như “cơn khát vàng” của Đoàn Thể thao Việt Nam. Trong khi đó, tấm HCV thứ 2 là trận đấu kịch tính của cầu mây nữ với màn lội ngược dòng trước Indonesia, ngoài ra karate mang về tấm HCV thứ 3 để giúp Đoàn Thể thao Việt Nam khép lại kỳ Đại hội thứ 19 trên đất Trung Quốc.

Dù hoàn thành chỉ tiêu đề ra nhưng thành tích của Đoàn Thể thao Việt Nam kém hơn so với chính mình!. Tại Asiad 18, Việt Nam giành được 4 HCV ở các môn đua thuyền, pencak silat và điền kinh, qua đó đứng thứ 17 trên bảng xếp hạng. Tính riêng tại các nước Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 4, xếp sau Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Sau năm 5, Đoàn Thể thao Việt Nam có nhiều sự thay đổi, với thành tích ấn tượng ở đấu trường khu vực Đông Nam Á khi 2 lần đứng nhất về thành tích tại SEA Games 31 và 32, bỏ xa các đối thủ. Sau những thành tích tại SEA Games, Việt Nam bước ra sân chơi châu lục, nơi có tính cạnh tranh cao hơn nhiều, nhưng thành tích lại không bằng các quốc gia Đông Nam Á khác khi chỉ xếp thứ 6 Đông Nam Á tại Asiad 19 sau các đoàn gồm: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines. 

Karate giành 1 HCV cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại Asiad 19. Ảnh: Bùi Lượng.
Karate giành 1 HCV cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại Asiad 19. Ảnh: Bùi Lượng.

Theo Cục trưởng Cục TDTT (Bộ VHTT&DL) Đặng Hà Việt - Trưởng Đoàn Thể thao Việt Nam tại Asiad 19, Đoàn đã thể hiện tốt vai trò là đại sứ văn hóa trong cách sống, sinh hoạt, giao lưu và làm việc chuyên nghiệp.

“Điều hài lòng của Đoàn là các VĐV đã nỗ lực thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc, trong đó có những môn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Dù nhiều môn thể thao tuy không đạt được HCV như Thể dục, Bắn cung, Bóng chuyền ... đã thể hiện sự tiến bộ vượt bậc của các VĐV trẻ. Asiad là đấu trường hết sức khắc nghiệt, việc đặt ra 2-5 HCV ở từng bộ môn, nhưng phải tính toán rất là nhiều con người có khả năng hoàn thành chỉ tiêu đề ra” – ông Đặng Hà Việt cho biết.

Thể thao Việt Nam cần định hướng đầu tư

Phải khẳng định, thành tích của Đoàn Thể thao Việt Nam là sự nỗ lực của tập thể, của từng cá nhân trong việc tập luyện, tập huấn và chuẩn bị, rồi thi đấu nỗ lực mang vinh quang về cho Tổ quốc. Tuy nhiên, sự khốc liệt của đấu trường Asiad phần nào đánh giá lại thực lực của Thể thao Việt Nam. Từ chuyên gia, báo chí trong, nước ngoài và người hâm mộ đều đưa ra nhận định, Việt Nam đứng đầu ở Đông Nam Á nhưng lại “rơi rụng” ở Asiad, Olympic, việc này báo động sự thụt lùi so với chính mình cũng như các đối trọng khác. 

Nhà vô địch nhảy xa Asiad 18 Bùi Thị Thu Thảo không bảo vệ được tấm HCV tại Asiad 19. Ảnh: Bùi Lượng.
Nhà vô địch nhảy xa Asiad 18 Bùi Thị Thu Thảo không bảo vệ được tấm HCV tại Asiad 19. Ảnh: Bùi Lượng.

Thực tế, Việt Nam có 5 năm để chuẩn bị cho Asiad 19 nhưng kết quả thể hiện cho sự bị động chuyển hoá từ SEA Games sang đấu trường châu lục. Ngay sau khi Asiad 19 bế mạc tại Hàng Châu (Trung Quốc), Trưởng đoàn thể thao Việt Nam  Đặng Hà Việt đã phân tích cụ thể về chuyên môn cũng như định hướng cho để đưa Thể thao Việt Nam có thứ hạng cao trong châu lục: Asiad và Olympic là 2 đấu trường đỉnh cao của châu lục và thế giới. Để đầu tư đạt được thành tích tại 2 đấu trường lớn nhất,  xác định còn rất nhiều việc phải làm.

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục TDTT cho rằng, việc phát triển thể thao thành tích cao không phải chỉ trong ngày một, ngày hai là có ngay các nhà vô địch Olympic và châu Á. Thể thao Việt Nam cần một quá trình cần một hệ thống bài bản, từ việc phát triển giáo dục thể chất rồi việc xác định môn nào là trọng điểm, cần phải có hệ thống tuyển chọn ở 63 tỉnh, thành và gần như ngay ở các cấp, từ cấp tiểu học đã phải có hệ thống thi đấu, từ đó mới lựa chọn được nhiều tài năng cho Thể thao Việt Nam.

Việt Nam cần thay đổi dầu tư, định hướng để chuyển hoá huy chương từ SEA Games sang Asiad và Olympic. Ảnh: Bùi Lượng.
Việt Nam cần thay đổi dầu tư, định hướng để chuyển hoá huy chương từ SEA Games sang Asiad và Olympic. Ảnh: Bùi Lượng.

“Hiện hoạt động tuyển chọn tài năng cho Thể thao Việt Nam giống như việc “đãi cát, tìm vàng”, nếu chúng ta “đãi cát” ở 63 tỉnh, thành và ở cả hệ thống tiểu học thì sẽ tìm được nhiều tài năng. Dù đã đầu tư trọng điểm nhưng mới chỉ là trọng điểm trong tập huấn, thi đấu cấp độ đội tuyển và tuyển trẻ. Chúng ta cần một quy trình toàn diện, khoa học và bài bản, từ khâu tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, hồi phục, phòng tránh- điều trị chấn thương và đội ngũ khoa học với tranh thiết bị hiện đại để hỗ trợ công tác kiểm tra, đánh giá VĐV, phân tích đối thủ và đặc biệt các môn thể thao trọng điểm cần có hệ thống thi đấu từ cấp tiểu học” – ông Đặng Hà Việt nhấn mạnh.