Thể thao Việt Nam: Khát vọng chinh phục đấu trường châu lục

Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2013, Chính phủ đã phê duyệt "Quy hoạch phát triển Thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020, định hướng tới năm 2030" chỉ rõ các yêu cầu về mặt thành tích thi đấu quốc tế.

Tuy nhiên, sau thành tích tại Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19 (Asiad 19), thể thao Việt Nam cần có định hướng tập trung đầu tư, cải thiện chuyên môn của các vận động viên (VĐV).

Khoảng cách xa từ SEA Games đến Asiad

Năm 2023, thể thao Việt Nam tham dự ở các đấu trường quốc tế từ khu vực Đông Nam Á, châu lục và thế giới. Trong đó, SEA Games và Asiad là hai giải đấu trọng tâm khi thể thao Việt Nam đặt mục tiêu rõ ràng từ góc độ Quy hoạch phát triển Thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020, định hướng tới năm 2030. Sau khi tổ chức SEA Games 31 thành công, thể thao Việt Nam chỉ có 1 năm chuẩn bị cho kỳ Đại hội lần thứ 32 trên đất Campuchia, bảo vệ vị trí nhất toàn đoàn.

Thể thao Việt Nam cần đặt mục tiêu xa cho Asiad và Olympic. Ảnh: Bùi Lượng
Thể thao Việt Nam cần đặt mục tiêu xa cho Asiad và Olympic. Ảnh: Bùi Lượng

Hình ảnh xúc động của các VĐV khoác trên mình chiếc lá cờ đỏ sao vàng và bài Quốc ca vang lên ở các địa điểm thi đấu tại Campuchia khẳng định vị thế của Việt Nam ở đấu trường khu vực Đông Nam Á. Với thành công vang dội ở ngôi nhất toàn đoàn khi sở hữu 136 HCV, 105 HCB và 114 HCĐ. Trong đó, chiếu theo các môn thi đấu có trong hệ thống của Olympic Paris 2024, đoàn thể thao Việt Nam giành tổng cộng 61 HCV (chiếm gần 45%).

Thực tế, SEA Games là bước đệm cho các nước trong khu vực Đông Nam Á hướng đến Asiad và xa hơn là đấu trường Olympic. Vị trí nhất toàn đoàn ở hai kỳ SEA Games khiến người hâm mộ chờ đợi vào màn tỏa sáng tại đấu trường châu lục, nhưng khó khăn đã được dự báo trước…

Theo nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Ủy ban Thể dục thể thao) Nguyễn Hồng Minh - Trưởng Đoàn thể thao Việt Nam ở nhiều đại hội quốc tế, SEA Games chỉ có 11 quốc gia với trình độ phát triển chưa cao. Asiad là 45 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, với sự tập hợp của tất cả những VĐV tinh tú, nền thể thao hùng mạnh nhất nên có sự khác biệt rõ ràng. Đặc biệt, công tác tổ chức, vận hành của Asiad dần hoàn thiện hơn sau những lần diễn ra với quy mô, chất lượng ngày càng nâng cao, điển hình ở Asiad 19 đã thiết lập kỷ lục với hơn 12.000 VĐV, thi đấu 40 môn với 61 phân môn.

“Asiad là đại hội thể thao có trình độ khác hẳn SEA Games. Một số quốc gia đứng tốp đầu Olympic như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có mặt ở Asiad. Theo thống kê của Hội đồng Olympic châu Á (OCA), Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), hằng năm các quốc gia hàng đầu này có từ 120 - 160 các nhà vô địch Olympic và vô địch thế giới ở các môn thể thao. Những nền thể thao hàng đầu này thống trị thế giới ở nhiều môn như: Nhật Bản (bơi, karatedo, judo), Trung Quốc (bơi, bóng bàn, thể dục dụng cụ, bắn súng, cử tạ, cầu lông), Hàn Quốc (bắn cung, taekwondo)... Để có được lực lượng VĐV hùng mạnh trình độ thế giới, các cường quốc này đã chuẩn bị 30 - 40 năm qua với điều kiện tập luyện khắc nghiệt, đầu tư lớn” – ông Nguyễn Hồng Minh cho biết.

Đầu tư trọng điểm

Quy hoạch phát triển Thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020, định hướng tới năm 2030 đã nêu rõ về mặt thành tích thi đấu quốc tế. Cụ thể đối với SEA Games, giai đoạn 2020 - 2030 phấn đấu xếp hạng 1 - 2 toàn đoàn. Đối với Asiad, giai đoạn 2020 - 2030 phấn đấu xếp hạng trong nhóm 10 nước dẫn đầu châu lục. Trong khi đó, đối với Thế vận hội Olympic, giai đoạn 2020 - 2030 có 30 - 50 VĐV tham dự, đạt trên 2 huy chương, phấn đấu có HCV. Tuy nhiên, chiếu với thành tích tại Asiad 19, thể thao Việt Nam chưa thể hoàn thành chỉ tiêu theo Quy hoạch phát triển đã đề ra. Điều này cho thấy vấn đề đầu tư cho các môn thể thao, đặc biệt là một số nội dung dự kiến có thể tranh chấp ở đấu trường lớn của Việt Nam đang chững lại.

Tính từ năm 1998, thể thao Việt Nam tham dự Asiad tại Thái Lan đã có 1 HCV, 5 HCB. Tại Asiad Busan 2002, Việt Nam đã có bước nhảy lớn khi giành đến 4 HCV và 7 HCB. Cũng kể từ Asiad Busan 2002, vị thế của Việt Nam đã thay đổi trong từng năm để khẳng định mình, con số huy chương ngày càng tăng theo các kỳ Đại hội (từ 18 huy chương các loại ở Busan 2002 đến đỉnh cao là 38 huy chương tại Asiad 2018 tại Indonesia)... nhưng sau Asiad 19 thể thao Việt Nam cần rà soát lại toàn bộ lực lượng VĐV, HLV chuyên gia cũng như kế hoạch, công tác huấn luyện đào tạo để kịp thời cập nhật, thay đổi, bổ sung, tạo sự thay đổi về lượng và chất.

Bên cạnh đó, ngành thể thao cần nghiên cứu ứng dụng mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa khoa học công nghệ trong huấn luyện… Đặc biệt, để thể thao Việt Nam gặt hái được thành tích cao trên đấu trường quốc tế, ngành cần đầu tư cho các môn thể thao trọng điểm, đầu tư có trọng tâm vào những môn thế mạnh, tránh dàn trải, để tạo đột phá trong thể thao thành tích cao.

Từ SEA Games tới Asiad là cả một khoảng cách lớn, thể thao Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng cần khỏa lấp khoảng trống để hòa nhập chung vào thể thao châu lục. Nhìn lại kỳ Asiad 19 vừa qua còn nhiều lăn tăn đối với thể thao nước nhà, dù đạt chỉ tiêu đặt ra trước khi lên đường nhưng theo nhận định của các chuyên gia, thể thao Việt Nam đã có một kỳ Đại hội “thất bại”.

Nhìn sang các nước Đông Nam Á như: Thái Lan, Indonesia, đã có kế hoạch đầu tư đi trước Việt Nam nhiều năm, các nước đã dần “buông” SEA Games để chú trọng vào đấu trường Asiad và Olympic. Phải khẳng định, Thể thao Đông Nam Á đã dịch chuyển từ lâu để tập trung phấn đấu cho Asiad và Olympic. Tại Việt Nam, sự dịch chuyển đã có và có sự tiến triển nhưng vẫn còn chậm, kết quả qua các kỳ Đại hội đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh. Bài học từ Asiad 19 sẽ giúp thể thao Việt Nam xác định lại mục tiêu và chỉ tiêu, nhiệm vụ để có thể tập trung đầu tư giành huy chương tại Asiad.

Theo các chuyên gia, việc định hướng và đầu tư có trọng điểm là bài toán tiên quyết để hiện thức hóa những giấc mơ châu lục. Cụ thể, việc tập huấn nước ngoài sẽ giúp các HLV, VĐV được tập luyện trong môi trường phát triển. Cùng với đó, khi đi tập huấn nước ngoài các VĐV có cơ hội thi đấu với “quân xanh” chất lượng cao giúp hoàn toàn tập trung vào tập luyện cũng như được hưởng chế độ dinh dưỡng, chăm sóc y tế tốt hơn hẳn so với trong nước. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc ăn, ở, luyện tập và thi đấu, đặc biệt ở những môn trong hệ thống Olympic và Asiad cũng cần được đầu tư mạnh hơn, có chính sách thu hút, giữ chân nhân tài thể thao bằng việc áp dụng những chính sách đặc thù vượt trội.

“Chúng ta phải xác định rõ cần SEA Games hay Asiad, Olympic hơn. Xác định rõ mục tiêu thì mới dành nguồn lực trọng tâm cho nó. Việt Nam có nhiều VĐV tài năng, nếu không làm kịp sẽ lại lỡ nhịp, qua giai đoạn đỉnh cao của VĐV. Không bắt tay vào nhìn nhận mình đang ở đâu, phải làm gì thì Olympic Paris 2024, hay 4 năm nữa thể thao Việt Nam sẽ lặp lại điều tương tự tại Asiad” – chuyên gia Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh.

 

Thể thao Việt Nam tham dự Asiad 19 trong năm 2023 đã thể hiện tốt vai trò là đại sứ văn hóa trong lối sống, sinh hoạt, giao lưu và cao thượng trong thi đấu. Về chuyên môn đã hoàn thành chỉ tiêu đặt ra từ 2 - 5 HCV. Điều chúng tôi hài lòng là các VĐV đã nỗ lực thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo Việt Nam, trong đó có những môn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như: đội tuyển bắn súng, cầu mây, karate. Nhiều môn thể thao tuy không đạt được HCV như thể dục dụng cụ, bắn cung, bóng chuyền… nhưng đã thể hiện sự tiến bộ vượt bậc. Asiad 19 đã kết thúc, để lại trong chúng ta nhiều tiếc nuối.
Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt