Thêm biện pháp bảo vệ nạn nhân bị bạo hành gia đình

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chính phủ đã ban hành Nghị định 76/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó, nêu rõ quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình, đặc biệt hướng tới xử lý tình huống có tính thực tế, bảo vệ nạn nhân.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Tư vấn tâm lý, kỹ năng sinh xử lý

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối, việc xử lý hành vi trái pháp luật còn cần cả một quá trình dài, theo rất nhiều quy trình khác nhau, hết sức phức tạp, khó khăn là điều chắc chắn. Nhưng Nghị định 76/2023/NĐ-CP hướng tới việc cần làm trước mắt, đó là tư vấn tâm lý, kỹ năng xử lý các tình huống. Điều này hết sức cần thiết, tạo tâm lý ổn định, hạn chế tối đa nhất rủi ro có thể xảy ra.

Như chúng ta biết, nạn nhân của bạo lực gia đình hầu hết là phụ nữ, trẻ em, đều là những người yếu thế, dễ tổn thương, ít kinh nghiệm thực tế. Bằng kinh nghiệm của các tư vấn viên, giúp ích rất nhiều cho các nạn nhân, họ có thể tìm cho mình những cách thức, giải pháp tự bảo vệ bản thân trước khi có sự can thiệp của pháp luật.

Nghị định nêu rõ việc quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua địa chỉ quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 19 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình như sau: Tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua địa chỉ quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 19 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình: Khi tiếp nhận tin báo, tố giác trực tiếp hoặc qua điện thoại thì người tiếp nhận thực hiện ghi chép nội dung thông tin tiếp nhận theo Mẫu số 04 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này đồng thời thực hiện tư vấn tâm lý, cung cấp kỹ năng ứng phó với hành vi bạo lực gia đình.

Gắn trách nhiệm của đơn vị cơ sở, UBND cấp xã/phường/thị trấn

Nghị định 76/2023/NĐ-CP đã gắn trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã/phường/thị trấn, đây là những đơn vị tại cơ sở, gắn liền với gia đình, nạn nhân. Chính quyền địa phương sẽ nắm bắt tình huống nhanh hơn, can thiệp kịp thời bằng các tổ dân phố, tổ hòa giải hoặc mời chính những người trong cuộc đến cơ quan nhà nước gần nhất để xử lý hành vi bạo lực gia đình.

Bên cạnh đó, với việc thông báo đến Chủ tịch UBND xã/phường/thị trấn cũng là cách đề cao yếu tố hòa giải, hòa hợp tại cơ sở, tìm ra các giải pháp giải quyết triệt để, ngăn ngừa lâu dài, giám sát việc cam kết không tái phạm.

Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình, địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều 19 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình phải thông báo cho Chủ tịch UBND cấp xã nơi được thông tin xảy ra hành vi bạo lực gia đình và theo khả năng của mình tham gia ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình, hỗ trợ, bảo vệ người bị bạo lực gia đình.

Quy định rõ cơ quan công an cấp xã/phường và đồn công an khu vực chịu trách nhiệm trực tiếp xử lý, ngăn chặn hành vi sai phạm

Xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua địa chỉ quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 19 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình: Cơ quan Công an, Đồn Biên phòng tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình phải kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình theo thẩm quyền. Với quy định này, việc xử lý, ngăn chặn các hành vi bạo hành gia đình sẽ nhanh chóng, kịp thời, phòng ngừa tối đa những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Quy định rõ trách nhiệm thanh toán các khoản phí

Người có hành vi bạo lực gia đình có trách nhiệm chi trả chi phí: Thuê phiên dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại, thuê luật sư, thuê người bảo vệ. Việc chi trả theo quy định của pháp luật về tài chính; trường hợp pháp luật về tài chính chưa quy định thì thực hiện theo hóa đơn, chứng từ thực tế.

Những người bị bạo hành gia đình thường là người yếu thế, hạn chế, thậm chí bị khống chế về tài chính. Nhiều người không có tiền để tiếp cận thuê luật sư để bảo vệ mình trong suốt quá trình giải quyết vụ việc. Với quy định này bắt buộc người có hành vi bạo hành gia đình phải thanh toán các khoản chi phí như một trách nhiệm bắt buộc. Đồng thời cũng giúp cho người bị bạo hành giảm tải áp lực tài chính, được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, bảo vệ mình mà không phải lo lắng chuyện thanh toán các khoản chi phí này.

Có thể thấy rằng, một số điểm mới, góc tiếp cận mang tính nhân văn, thực chất hơn, giúp ích rất nhiều cho nạn nhân bị bạo hành gia đình được pháp luật, xã hội bảo vệ đầy đủ, kịp thời. Chúng ta sẽ hướng tới một xã hội văn minh, bình đẳng, không còn bạo lực gia đình.

Nghị định 76/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ ngày 25/12/2023.