Thí điểm đào tạo Chương trình 9+5: Thời gian quá dài, khó hấp dẫn người học

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Dự thảo Đề án Thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng (CĐ) cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS), còn gọi là Chương trình 9+5 do Bộ LĐTB&XH xây dựng đang được dư luận quan tâm bởi những lợi thế. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục cho rằng thời gian đào tạo kéo dài 5 năm thì khó hấp dẫn người học.

Chương trình 9+5, học sinh được nhận bằng “2 trong 1”
Bộ LĐTB&XH đã công bố dự thảo Đề án Thí điểm đào tạo trình độ CĐ cho học sinh tốt nghiệp THCS, với 10 ngành nghề trọng điểm thuộc lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật và dịch vụ, chỉ tiêu khoảng 4.000 người. Tại Hội thảo Góp ý dự thảo Đề án Thí điểm đào tạo trình độ CĐ cho học sinh tốt nghiệp THCS, do Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam (GDNN&NCTXHVN) và Tổng cục GDNN tổ chức ngày 19/10, PGS.TS Dương Đức Lân - Chủ tịch Hiệp hội GDNN&NCTXHVN thông tin: Dự thảo thí điểm Đề án nhằm mục tiêu đào tạo ra lực lượng lao động có kỹ năng nghề cao, tăng năng suất lao động và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia. Dự thảo Đề án Chương trình 9+5 được xây dựng khác với các chương trình học sinh đi học nghề thông thường và có những lợi thế riêng.

 Các đại biểu tham dự Hội thảo góp ý dự thảo đề án thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS. 
Chia sẻ về Đề án thí điểm đào tạo trình độ CĐ cho học sinh tốt nghiệp THCS, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục GDNN TS. Vũ Xuân Hùng cho biết: Đầu vào của mô hình là học sinh tốt nghiệp THCS loại khá trở lên; được miễn học phí. Mô hình có cấu trúc 5 năm, chia 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (9+2) là 2 năm,  giai đoạn 2 (9+3) là 1 năm; giai đoạn 3 (9+5) là 2 năm; tương ứng với trình độ sơ cấp, trung cấp, CĐ. Trong thời gian 5 năm, người học được học kiến thức văn hóa THPT song song với kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp.
Mô hình có tính linh hoạt cao, với nhiều đầu ra, bảo đảm người học có thể ra khỏi chương trình bất cứ ở giai đoạn nào và được ghi nhận, đánh giá bằng những chứng chỉ, văn bằng tương ứng để có thể tham gia vào thị trường lao động. Giai đoạn 1, đầu ra là Chứng chỉ sơ cấp; giai đoạn 2,  đầu ra Bằng tốt nghiệp Trung cấp và Giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT; giai đoạn 3, đầu ra là bằng tốt nghiệp CĐ và Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục THPT hoặc bằng tốt nghiệp THPT nếu người học tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT.
 Bộ LĐTB&XH công bố dự thảo Đề án Thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS, với 10 ngành nghề trọng điểm thuộc lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật và dịch vụ, chỉ tiêu khoảng 4.000 người. 
Tại hội thảo có nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất thí điểm đào tạo Chương trình 9+5 có đầu vào là học sinh có học lực khá trở lên. Nếu mô hình này thí điểm thành công, được nhân rộng sẽ thêm một luồng cho học sinh tốt nghiệp THCS lựa chọn, sau đó học liên thông lên trình độ CĐ, ĐH. “Chất lượng đào tạo nghề có thể nâng cao; khi 20 tuổi tốt nghiệp CĐ, các em sẽ đảm nhiệm được những công việc của cuộc cách mạng 4.0 và công nghệ mới. Không chỉ vậy, các em được liên thông lên các trình độ cao hơn là lợi thế”- Phó Hiệu trưởng trường CĐ Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang Tô Thị Giang kỳ vọng vào mô hình này.
Chỉ nên là mô hình 9+3,5 hoặc 9+4
Dù cho rằng đề xuất thí điểm đào tạo trình độ CĐ cho học sinh tốt nghiệp THCS có những ưu điểm (được miễn học phí, học liên thông, vừa học vừa tham gia thị trường lao động) nhưng nhiều đại biểu không khỏi băn khoăn. Hiệu trưởng trường CĐ nghề Nghi Sơn (Thanh Hóa) TS Hoàng Anh Tuấn cho rằng, đề án được thiết kế trong cả 5 năm đều học kiến thức văn hóa THPT theo xu hướng giảm dần theo thời gian, như thế học sinh muốn thi tốt nghiệp THPT thì khó đỗ vì kiến thức rơi rụng. Thứ nữa, khi nhà trường phối hợp với DN trong đào tạo nghề,  học sinh đến công ty học trong 3 – 6 tháng, việc học văn hóa sẽ ra sao? Việc linh hoạt trong 3 giai đoạn tạo điều kiện cho người học tham gia thị trường lao động nhưng lại gây khó khăn cho nhà trường khi số người học giảm.
 Học sinh THCS trải nghiệm chuẩn bị cho lựa chọn hướng đi mới tại trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội. Ảnh chụp khi  Hà Nội chưa thực hiện giãn cách xã hội.

Một vấn đề được nhiều đại biểu đưa ra, đó là đào tạo trình độ CĐ đối với học sinh tốt nghiệp THCS, thời gian 5 năm là quá dài. Vì thế, Phó Hiệu trưởng trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn Phạm Văn Tường đề xuất bỏ thời gian học trình độ Sơ cấp nghề; quy định rõ khối lượng kiến thức văn hóa THPT là 3 năm. Từ thực tế đào tạo học sinh tốt nghiệp THCS, Hiệu trưởng trường Trung cấp Công nghệ thông tin Sài Gòn (TP Hồ Chính Minh) Đỗ Hữu Khoa đề nghị điều chỉnh thời gian 5 năm, nếu không khó hấp dẫn người học. Cụ thể, cấu trúc mô hình 4 năm, tổ chức theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 là 2 năm tốt nghiệp Trung cấp; giai đoạn 2, học 2 năm hoàn thành kiến thức văn hóa và học nghề, thi tốt nghiệp THPT hoặc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình văn hóa THPT. 
Giờ học của sinh viên ngành Kỹ thuật máy lạnh và Điều hòa không khí trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội (ảnh chụp trước thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội).

Cũng cho rằng, chương trình đào tạo 5 năm quá dài, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN TS. Nguyễn Hồng Minh đề nghị cố gắng thiết kế 3 - 3,5 năm và có cơ chế chính sách riêng. Một chuyên gia đến từ nước Đức cũng cho rằng, đề án kéo dài 5 năm cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS là hơi dài. Từ thực tiễn đào tạo nghề ở nước Đức, vị chuyên gia khuyến nghị thời gian đào Chương trình 9+5 chỉ từ 3 – 3,5 năm, sẽ hấp dẫn người học hơn. Khi các em đã tốt nghiệp CĐ, đi làm 3 năm công việc của nghề đã học thì được thi ĐH. Nếu em học nghề tốt nghiệp trình độ CĐ, muốn học ĐH ở ngành nghề khác thì phải học bổ sung kiến thức vào buổi tối để đủ điều kiện thi.
Đại diện Tổng cục GDNN và Hiệp hội GDNN&NCTXHVN ghi nhận các ý kiến góp ý, sau đó Tổng cục GDNN sẽ hoàn thiện dự thảo Đề án Thí điểm đào tạo trình độ CĐ cho học sinh tốt nghiệp THCS, để trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2021. PGS.TS Dương Đức Lân nhấn mạnh Chương trình 9+5 là thêm một hình thức đào tạo, chọn lọc học sinh từ khá trở lên, có tính cạnh tranh cao. Mô hình này miễn học phí học nghề, học văn hóa và chi phí dành cho đào tạo. Với mô hình này, các trường CĐ được dạy văn hóa THPT và đào tạo nghề, học sinh tốt nghiệp được cấp 1 bằng văn hóa và nghề, được liên thông trường ĐH ứng dụng cùng ngành đào tạo...