Thí điểm trồng bè thủy sinh cải thiện môi trường sông Tô Lịch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhắc tới sông Tô Lịch, người Hà Nội nghĩ ngay đến con sông ô nhiễm. Bởi đây là tuyến sông làm nhiệm vụ thoát nước thải, nước mưa của TP, nên cùng với quá trình đô thị hóa dân số tăng nhanh, dẫn đến sông Tô Lịch ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng.

Trồng cây thủy sinh trên sông Tô Lịch để tạo môi trường cảnh quan Thành phố.  Ảnh  Thanh Hải
Trồng cây thủy sinh trên sông Tô Lịch để tạo môi trường cảnh quan Thành phố. Ảnh Thanh Hải
Để cải tạo môi trường cảnh quan TP, được sự đồng ý của UBND TP Hà Nội và Sở TN&MT, mới đây, Công ty Thoát nước Hà Nội đã triển khai thí điểm trồng cây thủy sinh trên sông Tô Lịch để cải tạo chất lượng nước. Bà Nguyễn Thị Thúy Nga - Trưởng phòng Kỹ thuật Môi trường, Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, từ thành công của việc trồng cây thủy sinh cải tạo chất lượng nước tại 15 hồ Hà Nội như Ngọc Khánh, Xã Đàn, Đền Lừ, Trúc Bạch… công ty đã thí điểm trồng cây Thủy Trúc trên sông Tô Lịch. Bởi đây là tuyến sông dài 13,3km từ hạ lưu cống Hoàng Quốc Việt đến sông Nhuệ qua địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, huyện Thanh Trì và đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thoát nước cũng như cảnh quan cho TP. Thống kê mỗi ngày có khoảng 150.000m3 nước thải chưa được xử lý đổ ra sông Tô Lịch nên nước đang bị ô nhiễm nặng và phát sinh mùi khó chịu. Để giảm ô nhiễm, công ty thí điểm đặt 38 cụm bè thủy sinh trên đoạn sông Tô Lịch từ Hoàng Quốc Việt - Cầu Mới với tổng chiều dài 6km. Theo đó, mỗi bè được lắp đặt cách nhau khoảng 150m - 200m theo hướng dòng chảy và cách các nguồn xả có lưu lượng lớn khoảng 100m về phía hạ lưu để đảm bảo tuổi thọ sử dụng. Các bè đều được neo giữ nổi trên sông và không bị thay đổi vị trí dưới tác động của dòng chảy và gió. Bè được lắp đặt tại các vị trí dễ quan sát, chịu tác động của dòng chảy thấp và dễ dàng di chuyển được trên mặt nước để phục vụ việc nạo vét trên sông khi cần thiết. Mỗi cụm gồm 4 bè ghép với nhau với 2 bè hình chữ nhật và 2 bè hình tam giác, phần mũi nhọn hướng theo dòng chảy để không gây cản trở dòng chảy và rác mắc vào. Khung bè được làm bằng ống PVC và gắn keo tạo thành hệ phao nổi đỡ bè Cây Thủy Trúc được trồng cách nhau khoảng 30cm/khóm và trồng sen giả xung quanh cụm bè để tạo cảnh quan.

Trao đổi với các chuyên gia môi trường được biết, phương án sử dụng các bè thủy sinh để cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch là giải pháp phù hợp do thân thiện với môi trường, hỗ trợ quá trình tự làm sạch nước sông do phần thân và dễ cây trong nước đóng vai trò như bộ lọc nước cung cấp bổ sung ôxy vào trong nước, các chất ô nhiễm được chuyển thành sinh khối của cây. Giá thành đầu tư ban đầu để làm bè thủy sinh không lớn, thời gian thực hiện nhanh và sử dụng được từ 3 - 4 năm.