Thi hành án dân sự: Nhiều vướng mắc trong tương trợ tư pháp

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, việc tương trợ tư pháp trong thi hành án dân sự (THADS) gặp rất nhiều khó khăn do thời gian kéo dài, nhiều kết quả không đáp ứng được yêu cầu giải quyết vụ việc, thậm chí có ủy thác nhưng không có trả lời.

 Ảnh minh họa.
Theo đại diện Bộ Tư pháp, từ năm 2016 Việt Nam là thành viên của Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp. Tuy nhiên, phạm vi của Công ước chỉ điều chỉnh hoạt động tống đạt giấy tờ, tương trợ tư pháp hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của quốc gia được yêu cầu. Bên cạnh đó, thông tin của đương sự ở nước ngoài không đúng, không đầy đủ nên kết quả thực hiện bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, việc đề nghị phía nước ngoài thực hiện xác minh địa chỉ, tài sản vẫn còn nhiều vướng mắc về tương trợ tư pháp trong THADS. Cụ thể như: Phải cung cấp được địa chỉ nơi ở của đương sự, tài sản cần xác minh, số tài khoản. Phía nước ngoài sẽ trả lại hồ sơ nếu chỉ đề nghị chung là xác minh điều kiện thi hành án hoặc xác minh tài sản. Trong khi đó, dù có thông tin về tài sản của người thi hành án ở nước ngoài thì cũng không thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thi hành án vì để được thi hành bản án của tòa án Việt Nam phải được công nhận tại nước đó. Đối với các vụ việc THADS theo yêu cầu thì người được thi hành phải tự làm thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Việt Nam tại nước ngoài và sau đó tự tiến hành các thủ tục thi hành theo các quy định của nước sở tạitại phía nước ngoài.

Theo quy định hiện hành, mỗi lần ủy thác tư pháp cần phải thực hiện ít nhất 2 lần (lần đầu là 6 tháng, lần sau là 3 tháng). Như vậy, cần 9 tháng thực hiện ủy thác tư pháp để tống đạt 1 văn bản cho đương sự (lần đầu). Từ lần thứ hai trở đi thời hạn là 4 tháng (lần đầu là 3 tháng, lần sau là 1 tháng). Trong khi đó, trong quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan THADS phải tống đạt khoảng trên dưới 20 văn bản cho đương sự. Như vậy, có thể mất đến 7 năm chỉ để tống đạt các văn bản, giấy tờ cho đương sự trong trường hợp cần phải ủy thác tư pháp.

Để khắc phục tình trạng trên, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ đề xuất: Trong thời hạn 3 tháng đối với trường hợp cần ủy thác tư pháp đối với cùng một đương sự trong cùng một việc thi hành án và 6 tháng đối với trường hợp khác, kể từ ngày Bộ Tư pháp gửi hồ sơ ủy thác tư pháp hợp lệ mà cơ quan THADS nhận được đủ kết quả ủy thác tư pháp theo đúng nội dung yêu cầu, thì cơ quan THADS thực hiện việc thi hành án theo quy định của pháp luật về THADS.

Trường hợp đã hết thời hạn quy định nói trên mà cơ quan THADS đã yêu cầu ủy thác tư pháp không nhận được thông báo về kết quả thì cơ quan THADS căn cứ vào những tài liệu đã có để giải quyết việc thi hành án theo quy định của pháp luật về THADS. Kể từ thời điểm này, trường hợp cần thiết thông báo cho đương sự thì việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng cấp T.Ư về văn bản, giấy tờ cần thông báo.

Quy định như Dự thảo thì tổng thời gian thực hiện việc tống đạt (nếu các lần tống đạt đều có kết quả) là 5 năm. Bên cạnh đó, nếu sau lần tống đạt không có kết quả thì những lần thông báo tiếp theo được thực hiện trên phương tiện thông tin đại chúng và thời gian tổ chức thi hành án sẽ giảm đi rất nhiều. Như vậy, sẽ vừa giảm bớt thời gian tổ chức thi hành án, vừa tiết kiệm được kinh phí rất lớn phải chi trả của người được thi hành án.